Bảo đảm nhiều nhất quyền lợi người tiêu dùng

26/03/2022 11:11 AM

(Chinhphu.vn) - Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã ra đời và có hiệu lực từ nhiều năm nay, nhưng không ít người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm quyền lợi. Để bảo đảm nhiều nhất quyền lợi người tiêu dùng trong khi tâm lý người tiêu dùng còn ngại khiếu kiện, TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc tăng cường các giải pháp tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa...

Bảo đảm nhiều nhất quyền lợi người tiêu dùng - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra thị trường hàng hóa để bảo đảm nhiều nhất quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Nhiều người ngại khiếu kiện, bỏ qua quyền lợi

Mới đây, chị Nguyễn Thị Hằng (Hà Đông, Hà Nội) có tới siêu thị mua nấm về xào, nhưng do vội nên chị đã không để ý hạn sử dụng. Về tới nhà, chị mở ra mới biết hộp nấm đã hết hạn. 

"Khá bực mình nhưng vì số tiền bỏ ra không đáng bao nhiêu nên tôi chỉ nghĩ sẽ rút kinh nghiệm cho lần mua sau, chứ không muốn đôi co với nhân viên siêu thị", chị Hằng kể lại.

Hay như trường hợp của chị Đỗ Thị Hoa ở ngõ 59 phố Nguyễn Khánh Toàn (quận Cầu Giấy) chia sẻ, tháng trước chị có mua một nồi cơm điện trên một trang thương mại điện tử. Khi dùng được vài lần thì nồi bị lỗi nhảy nút sớm khi cơm chưa kịp sôi. 

Mặc dù có bảo hành nhưng khi chị liên hệ lại với người bán thì họ nói do chị không biết sử dụng nên làm hỏng. Đôi co mãi, cuối cùng họ chịu nhận lại để bảo hành với điều kiện phải chi trả chi phí vận chuyển. Ngại phiền hà, rắc rối nên chị đành tự bỏ tiền để sửa.

Thực tế, rất nhiều người tiêu dùng ngại khiếu kiện vì có khi chi phí khiếu kiện nhiều hơn so với số tiền mua sản phẩm, nên bỏ qua quyền lợi của mình. Trong khi đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011 nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang xảy ra phổ biến. 

Nhiều người chưa cũng nắm rõ luật, chưa hiểu hết được các quyền lợi của mình, dẫn đến thái độ thờ ơ và không biết cách tự bảo vệ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Nguyễn Thanh Hải, Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị đã tăng cường thanh tra, kiểm tra việc lưu thông sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. 

Riêng năm 2021, qua đường dây nóng, Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội đã giải quyết 20 đơn khiếu nại của người tiêu dùng. Tổng đài 024.0181 tiếp nhận và giải đáp 9.178 cuộc gọi liên quan đến quyền lợi của người tiêu dùng và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người tiêu dùng im lặng, không lên tiếng vì cho rằng vi phạm nhỏ, ngại phiền phức. Chỉ khi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại với giá trị lớn người tiêu dùng mới gửi phản ánh, khiếu nại.

"Chúng tôi mong người tiêu dùng khi phát hiện hành vi vi phạm, xâm hại quyền lợi của mình, hãy kịp thời phản ánh đến cơ quan chức năng để được hỗ trợ giải quyết. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của người tiêu dùng", ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Nói về nguyên nhân khiến người tiêu dùng ngại tố cáo hành vi vi phạm, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, thực tế người Việt Nam có tâm lý ngại va chạm nên đa số chưa dám lên tiếng bảo vệ quyền lợi của mình. Bên cạnh đó, việc giải quyết một số khiếu nại không thành công là do người tiêu dùng không đủ chứng cứ chứng minh quyền lợi bị xâm hại hoặc đưa ra đòi hỏi đền bù quá mức...

Phối hợp tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu rõ quyền lợi

Tại lễ phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam do UBND thành phố Hà Nội và Bộ Công Thương vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa "định vị" được vị trí trong quan hệ với các luật chuyên ngành, cũng như chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác trong việc phối hợp bảo vệ người tiêu dùng.

Cơ quan chức năng sẽ kiến nghị bổ sung hành vi bị cấm (như tiếp thị trái với ý muốn của người tiêu dùng, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ; không đền bù, đổi trả sản phẩm cho người tiêu dùng...) để tăng cường hiệu lực của pháp luật.

Nói về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, năm 2022, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố và chi tiêu của người dân.  Vì vậy, Sở Công Thương xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng như các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, thành phố Hà Nội, Bộ Công Thương liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Từ đó giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật, nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng của mình khi tham gia mua sắm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào các tổ chức quốc tế cũng như khi việc kinh doanh trên môi trường mạng đang phát triển rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, hệ thống phân phối tổ chức các chương trình kích cầu, khuyến mại tri ân người tiêu dùng để thu hút nhiều người tiêu dùng tham gia mua sắm hơn nữa. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng tổng mức bán lẻ trên địa bàn TP. Hà Nội, góp phần hoàn thành chỉ tiêu kinh tế năm 2022 của Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền đến cho người tiêu dùng khi tham gia mua sắm để hiểu rõ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

"Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, các doanh nghiệp, đặc biệt là giải quyết, xác nhận các hợp đồng mẫu liên quan đến các lĩnh vực tiêu dùng của người dân nhằm bảo đảm nhiều nhất quyền lợi của người tiêu dùng theo đúng các quy định của pháp luật", bà Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Thùy Linh

Top