Nâng chất lượng sản phẩm để hàng Việt vươn xa

22/01/2024 1:47 PM

(Chinhphu.vn) - Việc đưa thương hiệu Việt Nam vươn ra tầm thế giới đã khó, để giữ được thương hiệu còn khó hơn. Đó là cả một quá trình đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng đổi mới, phát triển, làm ra sản phẩm chất lượng, phục vụ nhu cầu đa dạng cho người tiêu dùng.

Nâng chất lượng sản phẩm để hàng Việt vươn xa- Ảnh 1.

Quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm Việt tới người tiêu dùng Việt. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Tham gia chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn

Ưu tiên lựa chọn những mặt hàng từ thực phẩm, đồ dùng gia đình, mỹ phẩm có nguồn gốc trong nước, chị Đỗ Thị Thúy (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ, chị rất để ý đến các sản phẩm được các doanh nghiệp trong nước sản xuất, bởi không chỉ tốt về chất lượng, giá cả phải chăng mà còn đóng góp vào cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Đặc biệt những năm gần đây, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với các nông sản, hàng tiêu dùng Việt được cơ quan quản lý, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư công nghệ, tăng chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu 3 sao, 4 sao, 5 sao. Điều này đã góp phần nâng tầm sản phẩm Việt.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, đa số sản phẩm sau khi được cấp sao OCOP đều có giá trị cao hơn và mở rộng được thị trường tiêu thụ. Tại huyện Sóc Sơn, Hợp tác xã Trái Tim Hồng có 8 sản phẩm từ hạt gỗ mỹ nghệ được UBND TP. Hà Nội đánh giá, cấp giấy chứng nhận 3-4 sao OCOP. Nhờ có thương hiệu OCOP, sản phẩm của hợp tác xã cũng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Việc tiêu thụ thuận lợi giúp gia tăng hiệu quả kinh tế.

Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hương Việt Sinh Nguyễn Thanh Hà cho biết, hiện đơn vị có 18 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP; cung cấp thực phẩm sạch cho hơn 100 trường học trên địa bàn Hà Nội. Công ty cũng đang định hướng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong thời gian tới. Việc tham gia Chương trình OCOP là hướng đi đúng đắn không chỉ của doanh nghiệp mà của hầu hết các địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh…

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, các sản phẩm được UBND TP. Hà Nội công nhận OCOP là những sản phẩm có chất lượng, giá trị kinh tế, doanh số bán hàng của các chủ thể cũng tăng trung bình 10-20%. Các chủ thể OCOP trên địa bàn huyện còn đang giúp tạo công ăn việc làm cho 265 lao động, với mức thu nhập ổn định trung bình từ 5-7 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên, yêu cầu khắt khe của thị trường ngày càng mở rộng, cạnh tranh về giá và việc tham gia vào chuỗi cung ứng giá trị khu vực và toàn cầu đòi hỏi các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong nước nhận thức rõ tầm quan trọng của việc cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua thực hiện các giải pháp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy hoạt động năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cần đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại

Nâng chất lượng sản phẩm để hàng Việt vươn xa- Ảnh 2.

Sản phẩm OCOP Việt đạt chứng nhận 4 sao. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định, người tiêu dùng Việt Nam đã hình thành thói quen lựa chọn, chú trọng những sản phẩm có thương hiệu, uy tín. Do vậy, việc xây dựng và phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền đóng vai trò quan trọng để đưa hàng hóa đến gần hơn với người tiêu dùng.

Là người đồng hành cùng thị trường Việt Nam trong thời gian dài, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam Paul Le cho biết, Central Retail đang nỗ lực hỗ trợ các nhà cung cấp, doanh nghiệp của Việt Nam trong đó có chủ thể OCOP. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh công tác chế biến, xây dựng thương hiệu, tìm hiểu thị trường, học cách bán hàng… Đặc biệt là cần tập trung phát triển thị trường tiềm năng trong nước. Việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trong thời gian qua đạt hiệu quả cao là gợi ý tốt cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh Việt Nam.

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, hằng năm Sở Công Thương thường xuyên phối hợp với các quận, huyện, thị xã mở các Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn toàn Thành phố.

Các đơn vị quản lý, vận hành điểm OCOP trên địa bàn Thành phố cũng đã ưu tiên kết nối, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP không chỉ của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội mà còn mở rộng kết nối với các địa phương trên cả nước. Nhiều sản phẩm OCOP đã được kết nối với gần 80 điểm giới thiệu bán sản phẩm OCOP của TP. Hà Nội; được quảng bá trên 600 website thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Mặt khác, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nhất là vào vụ Tết, vụ thu hoạch, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại, Du lịch TP. Hà Nội (HPA) đã phối hợp tổ chức các hoạt động hội chợ, Festival quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu thị trường cho các sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để nâng cao giá trị sản phẩm; thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt Nam…

Diệu Anh

Top