Nền kinh tế Thủ đô dần phục hồi, kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng

07/10/2022 8:08 AM

(Chinhphu.vn) - Kinh tế Thủ đô dần phục hồi rõ nét sau một năm Thành phố chuyển sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và tăng trưởng theo các Nghị quyết của Chính phủ.

Nền kinh tế Thủ đô dần phục hồi, kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 2.

Các Sở, ngành địa phương của Hà Nội tích cực thực hiện các nhiệm vụ thích ứng an toàn, tập trung thúc đẩy phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Thành phố. ẢNh: VGP/Minh Anh

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp tròn một năm Chính phủ triển khai Nghị quyết về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" (NQ 128) để phục hồi tăng trưởng kinh tế, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, với kết quả đã đạt được trong nỗ lực phục hồi kinh tế theo Nghị quyết của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm đạt 7,0%-7,5% của TP. Hà Nội là khả thi.

Hà Nội chủ động phục hồi và phát triển kinh tế

Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của cả nước thì Hà Nội đã có những giải pháp như thế nào để thúc đẩy phát triển kinh tế theo tinh thần NQ 128/NQ-CP của Chính phủ?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Mặc dù chịu nhiều sức ép và khó khăn của bối cảnh kinh tế thế giới, nhưng Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để giảm giá xăng dầu, ổn định giá điện, nước, duy trì mặt bằng tỷ giá, lãi suất hợp lý, bảo đảm cung ứng hàng hóa ra thị trường, đẩy mạnh phục hồi kinh tế.

Đối với Thủ đô Hà Nội, ngay từ đầu năm, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế; chú trọng phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

UBND Thành phố đã ban hành Chương trình hành động số 02/CTr-UBND, trong đó, tập trung thực hiện 24 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), dự toán thu, chi ngân sách và biên chế hành chính, sự nghiệp; 06 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành; 170 nhiệm vụ cụ thể giao các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã với quyết tâm cao nhất hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022.

Để đẩy nhanh sự phục hồi và phát triển KT-XH, ngày 01/11/2021, UBND Thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong quý IV/2021 và các năm 2022, 2023; Kế hoạch hành động số 91/KH-UBND ngày 21/3/2022 thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, trong đó, bám sát 05 nhóm nhiệm vụ của Trung ương và thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ của Thành phố, xây dựng kịch bản tăng trưởng năm 2022, giao 28 nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã để triển khai thực hiện.

Nền kinh tế Thủ đô dần phục hồi, kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 3.

Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. GRDP quý III tăng 15,71% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 9,69% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ảnh: VGP/Minh Anh

Với việc quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đề ra ngay từ đầu năm, nền kinh tế Thủ đô đã phục hồi như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Nhìn một cách tổng thể, sau khi chuyển sang thích ứng với dịch COVID-19, kinh tế Thủ đô đã đạt được mức tăng trưởng khá; các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. GRDP quý III tăng 15,71% và lũy kế 9 tháng đầu năm tăng 9,69% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó: Dịch vụ tăng 11,51%; công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%; nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,05%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,53%.

Đáng chú ý, 09 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách Nhà nước của Thành phố tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; xuất nhập khẩu phục hồi mạnh, nhập khẩu duy trì mức tăng cao, riêng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 30.605 triệu USD, tăng 21,8% tương đương cùng kỳ 2021; tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 304,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,1%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,6%; khu vực dịch vụ phục hồi tích cực, cung ứng hàng hóa ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,3%. Giá tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu được kiểm soát; sản xuất nông nghiệp được duy trì; văn hóa nghệ thuật, thể thao được quan tâm phát triển; thị trường lao động việc làm sôi động trở lại; an sinh xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi tích cực. Riêng chỉ số sản xuất công nghiệp quý III/2022 tăng cao so với quý trước và cùng kỳ năm trước, đây là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Trong 9 tháng năm nay, đa số các ngành nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng do doanh nghiệp tích cực đẩy mạnh công suất hoạt động để nối lại chuỗi cung ứng bị gián đoạn sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi COVID-19. Nhiều ngành phục hồi ấn tượng, góp phần tăng cao chỉ số IIP của toàn ngành công nghiệp 9 tháng, cụ thể: Sản xuất đồ uống tăng 18%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 17,9%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 17%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 16,6%.

Thưa ông, thành phố Hà Nội là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài và khu vực này có đóng góp như thế nào cho kết quả tăng trưởng của Thành phố tính đến thời điểm hiện tại?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Đặc biệt, sau đại dịch, Hà Nội vẫn được xem là điểm sáng về thu hút đầu tư của các tỉnh phía Bắc.

9 tháng năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1.019 triệu USD vốn FDI, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký); nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%.

Đáng chú ý, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng năm 2022 tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; 80,3% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III ở mức ổn định và tốt hơn so với quý II.

Dự báo quý IV/2022 là thời điểm các doanh nghiệp công nghiệp đẩy mạnh sản xuất phục vụ nhu cầu của người dân tăng cao dịp cuối năm, có 43,8% số doanh nghiệp nhận định xu hướng quý IV sẽ tiếp tục tốt hơn so với quý III; 45% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và chỉ 11,2% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, 90,9% doanh nghiệp khu vực Nhà nước dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV sẽ ổn định và tốt hơn so với quý III; tỉ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp có vốn FDI lần lượt là 89,2% và 86,4%.

Nền kinh tế Thủ đô dần phục hồi, kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng - Ảnh 4.

Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm

Như vậy, khu vực thu hút đầu tư có triển vọng như thế nào khi đây có thể được xem được xem là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và hội nhập của Thủ đô trong thời gian tới thưa ông?

Ông Đỗ Anh Tuấn: Thời gian tới, khi cả nước bước vào thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng với nhiều cơ hội và thách thức đan xen, thành phố Hà Nội đã xác định, cộng đồng doanh nghiệp nói chung, cộng động doanh nghiệp FDI nói riêng là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế và hội nhập của Thủ đô.

Chính vì vậy, thời gian tới, TP. Hà Nội thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao tập trung vào các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn…

Đồng thời, Thành phố tiếp cận để nhận đầu tư từ các công ty, tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ cao, tăng cường đổi mới và tiếp nhận chuyển giao tri thức từ các doanh nghiệp FDI, nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, Hà Nội đổi mới trong công tác xúc tiến đầu tư, gắn kết với xúc tiến thương mại, du lịch cũng như gắn với hoạt động đối ngoại, văn hóa; xác định rõ các thị trường, quốc gia trọng điểm (G7, G8, OECD), các tập đoàn lớn để giới thiệu tiềm năng, lợi thế của thành phố; chú trọng và tăng cường thúc đẩy xúc tiến đầu tư tại chỗ; bám sát và hỗ trợ hoạt động của tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với các tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước.

Như vậy, để tiếp tục thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư kinh doanh thành công và phát triển bền vững, đồng hành với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung.

Minh Anh 

Top