Ngành Y tế Thủ đô nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đặc biệt

04/02/2023 7:52 AM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng ngành y tế Hà Nội đã nhiều cố gắng trong việc hoàn thành sứ mệnh đặc biệt là bảo vệ, chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, an toàn xã hội.

Y tế Thủ đô luôn nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Thời gian qua ngành Y tế Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, năm 2022 được sự quan tâm của Bộ Y tế, Thành phố, sự phối hợp của các sở, ngành và các địa phương; cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các y bác sỹ, ngành y tế Hà Nội đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được giao. 

Trong đó, chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 0,1% so với năm 2021; hiện nay tất cả 579/579 xã, phường (100%) đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định tại Quyết định 4667/QĐ- BYT của Bộ Y tế; chỉ tiêu giường bệnh đạt 27,5 giường bệnh/vạn dân...

Năm 2022, tình hình dịch bệnh tại Hà Nội cũng diễn biến phức tạp theo xu hướng chung của thế giới và cả nước nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Thành phố không ghi nhận các trường hợp dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi hay tái nổi như: Mers-CoV, Ebola, tả, cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, đậu mùa khỉ; dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh mẽ vào giai đoạn đầu năm sau đó giảm mạnh. 

Đối với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa, bệnh do Adenovirus tăng nhiều so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đang được kiểm soát; các dịch bệnh lưu hành khác như sởi, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản vẫn ghi nhận rải rác... Ngành y tế đều đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, phát hiện sớm, kiểm soát kịp thời không để bùng phát thành dịch đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, xâm nhập; khống chế các loại bệnh lưu hành.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả. Ngành y tế cùng triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống HIV; tăng cường các hoạt động phòng chống bệnh không lây nhiễm; đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện tốt các mục tiêu dân số - kế hoạch hóa gia đình và các chương trình y tế khác.

Song song với công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khám chữa bệnh năm 2022 đều tăng so với cùng kỳ. Tổng số lượt khám chữa bệnh tăng 17,51 %; tổng lượt điều trị nội trú tăng 14,41%; tổng xét nghiệm máu tăng 18,46%; chẩn đoán hình ảnh tăng 17,17%.

Theo ông Vũ Cao Cương, các bệnh viện đã xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm chuyển tuyến với nhiều biện pháp như: Phát triển chuyên môn, đáp ứng công tác khám chữa bệnh theo danh mục kỹ thuật chuyên môn theo phân tuyến bệnh viện, đào tạo nhân lực, ký kết hợp đồng chuyển gửi xét nghiệm, hợp tác chuyên môn... 

100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT điện tử (VSSID). Đồng thời đã lắp đặt bổ sung các thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ BHYT. Tỷ lệ người dân sử dụng thẻ căn cước công dân đi khám chữa bệnh khoảng 85%, các cơ sở khám chữa bệnh đang tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cho người dân tiến tới đạt tỷ lệ 100%. Tỷ lệ chuyển tuyến bệnh nhân BHYT của toàn ngành là 4,48%.

Đặc biệt, các chuyên khoa đầu ngành đã đăng ký phát triển danh mục kỹ thuật mới triển khai tại bệnh viện và dự kiến triển khai hỗ trợ, chuyển giao cho các đơn vị tuyến dưới. Chuyên khoa đầu ngành cũng đã tổ chức 155 lượt đi tuyến, chuyển giao kỹ thuật tại các đơn vị. Triển khai kỹ thuật cao tại các đơn vị ECMO ở Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện đa khoa Đức Giang; chuyên ngành gây mê hồi sức (gây tê vùng dưới kích thích của máy dò thần kinh); chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh (điều trị u dạng xương, nút mạch điều trị khối u)...

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh. Quản lý được các thông tin, dữ liệu khám bệnh, khuyến khích các đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử theo Thông tư 27/2021-TT-BYT quy định về kê đơn thuốc điện tử; đảm bảo các bệnh viện hoàn thiện phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS, LIS, PACK, kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện.

Y tế Thủ đô luôn nỗ lực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân - Ảnh 2.

Ngành Y tế huyện Ứng Hòa có nhiều tích cực trong khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân địa phương. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngành Y tế xác định y tế cơ sở là tuyến y tế gần dân nhất, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Ngoài những khó khăn, thách thức,  thì tuyến y tế cơ sở đã và đang phát huy tốt vai trò và nhiệm vụ của mình, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác khám, chữa bệnh cho người dân và phòng, chống tốt các loại dịch bệnh.

Điển hình như Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa không chỉ thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, mà còn làm tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện.

Chia sẻ với phóng viên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện (TTYT) Ứng Hòa Đặng Anh Tuân cho biết, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, ngay từ đầu năm trung tâm đã chủ động lập kế hoạch và triển khai công tác phòng chống dịch, tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe cho nhân dân bằng nhiều hình thức, có quy chế hoạt động chặt chẽ từ trung tâm đến cơ sở, do đó đã phát hiện những ca bệnh có nguy cơ gây thành dịch. 

Đồng thời, trung tâm đã tăng cường khoanh vùng giám sát, xử lý ổ dịch theo đúng quy trình của Bộ Y tế, thường xuyên kiểm tra, giám sát dịch bệnh, giám sát bệnh sốt xuất huyết, COVID-19, chân tay miệng, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, dịch tiêu chảy và các dịch bệnh khác... Chính vì vậy, đã khống chế được dịch bệnh COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm, góp phần tích cực trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đặc biệt, trong công tác phòng chống dịch COVID-19, toàn bộ các cán bộ ngành Y tế huyện Ứng Hòa nói chung và tập thể lãnh đạo đến từng cá nhân của Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa nói riêng đã và đang tiếp tục tập trung cao độ trong công tác phòng chống dịch, không quản ngại khó khăn, giờ giấc để thực hiện công tác truy vết, xác minh ca bệnh, lấy mẫu xét nghiệm cũng như thực hiện các đợt chiến dịch tiêm chủng vaccine để nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19.

Bên cạnh đó, TTYT đã triển khai công tác tiêm chủng thường xuyên tại 29 xã, thị trấn với mục tiêu tiêm chủng đầy đủ, đảm bảo an toàn hiệu quả, như: Tỷ lệ trẻ em tiêm đủ 8 loại vaccine đạt 90,4%; tiêm vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai đạt tỷ lệ 100%... Đồng thời, Trung tâm y tế huyện Ứng Hòa cũng đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngay tại tuyến y tế cơ sở. Tính đến 24/12/2022, tổng số lượt khám chữa bệnh chung của Phòng khám đa khoa khu vực Đồng Tân, Phòng khám đa khoa khu vực Lưu Hoàng và 29 trạm Y tế xã, thị trấn là: 168.542 lượt. Trong đó số lượt khám chữa bệnh BHYT là 162.165 lượt đạt 130% so với năm 2021.

Theo ông Vũ Cao Cương, để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội sẽ bám sát chỉ đạo của Trung ương, thành phố, Bộ Y tế, chủ động triển khai kế hoạch phòng chống dịch bệnh không để xảy ra dịch lớn. Củng cố và hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế các tuyến; tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, ưu tiên phát triển mạng lưới y tế cơ sở.

Phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh; thực hiện hiệu quả các hoạt động chương trình mục tiêu y tế - dân số, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và khám, chữa bệnh nâng cao chất lượng điều trị.

Thiện Tâm

Top