Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về

01/01/2025 3:03 PM

(Chinhphu.vn) - Về thủ phủ trồng bưởi của Thủ đô những ngày gần Tết, khắp nơi nơi từ trong làng ngoài ngõ, đến những cánh đồng xa đều tràn ngập hương thơm, sắc vàng lúc lỉu của bưởi Diễn, bưởi Tam Vân, Phúc Trạch… hứa hẹn một mùa bội thu, no đủ cho bà con nông dân sau bao vất vả, khó nhọc.

Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về- Ảnh 1.

Huyện Phúc Thọ có 756ha bưởi, tập trung tại các xã: Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Trạch Mỹ Lộc... Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Thành Trung, hiện nay trên địa bàn Hà Nội, diện tích cây ăn quả có xu thế tăng trong giai đoạn 2021-2024. Tính đến năm 2024 diện tích ước đạt 20 nghìn ha, tăng 412 ha so với năm 2021, cơ cấu cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, cây đặc sản như bưởi diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng, ổi lê, cam,chuối... chiếm hơn 50% diện tích cây ăn quả của Thành phố. Đồng thời đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, trong đó phải kể đến cây bưởi- một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Thành phố.

Điển hình như mô hình trồng bưởi của gia đình anh Nguyễn Tiến Luyện, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ. Anh Luyện chia sẻ, gia đình anh có thửa đất nông nghiệp được giao tại xứ đồng Khu 18 thuộc thôn Lam Điền, xã Lam Điền với tổng diện tích 20.000 mét vuông. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình đã chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch. Trên toàn bộ diện tích, gia đình trồng 100 cây bưởi phúc Trạch và 300 cây bưởi Diễn. Đến nay, vườn bưởi của gia đình đã được 22 năm, trung bình mỗi cây bưởi cho thu hoạch từ 60 – 120 quả, sản lượng bưởi trung bình mỗi năm của mô hình đạt khoảng trên 32.000 quả.

Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về- Ảnh 2.

Anh Nguyễn Tiến Luyện chăm sóc vườn bưởi của gia đình. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Được sự giới thiệu của UBND xã Lam Điền và hướng dẫn của Phòng Kinh tế huyện, gia đình anh đã đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 2 sản phẩm bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn. Khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, anh Luyện đã được tham gia các buổi tập huấn nâng cao nhận thức về chương trình OCOP, được hỗ trợ thiết kế tem, nhãn, logo sản phẩm, bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm và được tư vấn hỗ trợ lập hồ sơ đánh giá phân hạng cho sản phẩm bưởi Diễn và bưởi Phúc Trạch của gia đình. Kết quả, năm 2022, 2 sản phẩm bưởi của hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Luyện được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Chính nhờ tham gia chương trình OCOP đã giúp đưa giá trị kinh tế của sản phẩm bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn của gia đình anh được nâng lên. Nếu như trước kia, mỗi quả bưởi xuất tại vườn chỉ có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/quả, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi được đánh giá sản phẩm OCOP đạt 3 sao, giá bán buôn tại vườn đối với quả ngon, mẫu mã đẹp đạt từ 35.000 đồng – 40.000 đồng/quả, đối với loại chất lượng thấp hơn thì giá bình quân từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/quả và góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, khi tham gia chương trình OCOP, gia đình anh Luyện còn được hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi, tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Sản phẩm bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn của gia đình được dán tem truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác, đáp ứng yêu cầu khi đưa ra thị trường.

Trong năm 2024 khi giấy chứng nhận OCOP đối với sản phẩm bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn của gia đình hết hạn, anh Luyện đã chủ động liên hệ với Phòng Kinh tế huyện để tiếp tục đề xuất đánh giá, công nhận lại cho 02 sản phẩm bưởi Phúc Trạch và bưởi Diễn của gia đình. Cuối tháng 9 vừa qua, UBND huyện Chương Mỹ tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024 đối với 27 sản phẩm, trong đó sản phẩm bưởi Phúc Trạch của hộ gia đình anh Nguyễn Tiến Luyện được UBND huyện công nhận đạt 3 sao. Đây chính là thế mạnh để giúp cho sản phẩm bưởi của gia đình anh ngày càng được nâng cao giá trị.

Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về- Ảnh 3.

Sản phẩm bưởi Phúc Trạch, huyện Chương Mỹ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Tại huyện Phúc Thọ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Lê Văn Thu, từ lâu đời, nhân dân ở nhiều xã trong huyện đã trồng các giống bưởi truyền thống như: Bưởi đường Vân Cốc, bưởi cam đường Tích Giang. Các giống bưởi truyền thống của địa phương có nhiều đặc điểm quý như cây có sức đề kháng cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, cây cao, nhiều quả, quả tròn, vỏ mỏng, vị ngọt, mùi thơm dịu nhẹ. Tuy nhiên diện tích bưởi còn nhỏ, chủ yếu là trồng phân tán trong vườn của các hộ gia đình.

Từ những năm 1990 trở lại đây được sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn về cây trồng, huyện nhận thấy tiềm năng, hiệu quả, điều kiện tự nhiên, đất đai thuận lợi cho cây bưởi phát triển. UBND huyện chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn các hộ gia đình đồng thời kết hợp với kinh nghiệm sản xuất lâu năm của các hộ đã mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học kỹ thuật chiết ghép, nhân cấy các giống bưởi. Tại hội thi cây ăn quả năm 2006 do tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức, cây bưởi của ông Nguyễn Văn Mỡ, xã Thượng Cốc đã đạt giải ba và được trung tâm Khuyến nông quốc gia công nhận là cây đầu dòng, số hiệu 152.

Đến nay giống bưởi của Phúc Thọ đặc biệt là bưởi Tam Vân đã cho chất lượng tương đương với các giống bưởi tại vùng Đoan Hùng (Phú Thọ), Phú Diễn (Từ Liêm), có nhiều đặc tính nổi trội như: Cây có độ cao trung bình nên thuận lợi cho chăm sóc, thu hoạch, khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh tốt, khả năng chịu thâm canh cao. Hiện nay ở xã Vân Hà, Thượng Cốc có những cây bưởi cho tới gần 500 quả, quả tròn, màu vàng, vỏ mỏng, mỗi quả trung bình có 12 - 13 múi, múi to đều, bóc róc cùi, tép bưởi màu vàng trong, ráo nước và giòn, mùi thơm mát, dịu nhẹ, vị ngọt, không he (độ đường từ 18%-20%). Thời gian chín và thu hoạch bưởi vào dịp Tết Nguyên đán nên sản phẩm tiêu thụ nhanh và giá trị cao.

Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về- Ảnh 4.

Vườn bưởi sai lúc lỉu, hứa hẹn một mùa bội thu của huyện Phúc Thọ. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Diện tích bưởi trên địa bàn huyện là 756ha, tập trung tại các xã Vân Hà, Vân Nam, Vân Phúc, Hiệp Thuận, Liên Hiệp, Trạch Mỹ Lộc... Các giống bưởi chủ yếu trên địa bàn huyện là Tam Vân, bưởi Phúc Thọ (bưởi diễn trồng trên đất Phúc Thọ), bưởi Đoan Hùng, bưởi Da xanh, bưởi đỏ, bưởi đường.... Trong đó, bưởi Phúc Thọ có diện tích 600ha (khoảng 79,4% diện tích), bưởi Tam Vân 136,5ha (khoảng 18% diện tích).

Ngoài việc tập trung chuyển đổi diện tích sản xuất trồng trọt kém hiệu quả sang cây bưởi, huyện còn tập trung chú trọng xây dựng nhãn hiệu, nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm bưởi của huyện. Năm 2015, huyện đã phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ, xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể Bưởi Phúc Thọ.

Từ năm 2015 đến năm 2019, huyện đã tổ chức 25 lớp đào tạo nghề sơ cấp với thời gian 3 tháng/lớp để đào tạo về sản xuất cây ăn quả, tập trung vào cây bưởi-loại cây ăn quả chủ lực của địa bàn. Các hộ dân sau khi kết thúc khóa học đều đã ứng dụng được các kiến thức học được vào sản xuất bưởi của gia đình, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp. Ngoài ra, hàng năm, huyện đều tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh bưởi an toàn đến các xã trọng điểm về sản xuất bưởi của huyện.

Hiện trên địa bàn huyện có một số địa phương có diện tích bưởi lớn như tại Vân Hà. Tổng diện tích bưởi hiện nay trên địa bàn xã là 62 ha, ngoài ra nhân dân còn thuê thầu đất nông nghiệp của các xã liền kề khoảng 70 ha để trồng bưởi, nâng tổng diện tích bưởi xã Vân Hà đạt 132ha, trong đó 80% diện tích là giống bưởi Tam Vân. Sản phẩm bưởi của địa phương đã được đưa lên hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản, có tem QR để truy xuất nguồn gốc.

Ngọt ngào hương bưởi gọi Tết về- Ảnh 5.

Hà Nội nổi tiếng với nhiều loại bưởi đặc sản ngọt thơm, róc vỏ như bưởi Diễn, Tam Vân, Phúc Trạch... Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Những năm trước, giá bán trung bình đạt 12.000 - 15.000đ/quả, giá trị thu nhập từ diện tích bưởi đã cho ăn quả ước đạt khoảng 45 tỷ đồng, nhiều hộ trồng bưởi cho thu thập cao từ 500 triệu đến 700 triệu đồng/ha/năm, tiêu biểu như hộ gia đình ông Đặng Văn Hà, hộ ông Cao Văn Ngân, hộ ông Đặng Văn Lợi, hộ ông Cao Văn Mai, hộ ông Trần Văn Hùng.... Với lợi thế về thổ nhưỡng xã Vân Hà đã phát triển cây bưởi thành cây chủ lực của địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế của nhân dân trên địa bàn xã, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại địa phương.

Ngoài xã Vân Hà, các xã có diện tích trồng bưởi Tam Vân lớn trên địa bàn huyện như Vân Nam, Vân Phúc, Xuân Đình, Hát Môn,… Tuy nhiên, năm 2024, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, diện tích bưởi trên địa bàn huyện bị ảnh hưởng nghiêm trọng về năng suất.

Hiện theo tổng hợp từ 3 xã có diện tích bưởi khá lớn trên địa bàn là Vân Hà, Vân Nam, Xuân Đình, diện tích cần hỗ trợ kết nối tiêu thụ bưởi khoảng 90ha, với số lượng ước 1.275.000 quả, chủ yếu là bưởi Phúc Thọ và bưởi Tam Vân.

Trong thời gian tới, theo ông Lê Văn Thu, huyện sẽ phát triển diện tích thâm canh bưởi đạt 750 ha, trong đó, bưởi Phúc Thọ chiếm diện tích khoảng 75% tổng diện tích, bươi Tam Vân chiếm 20% diện tích bưởi của huyện... Đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và cây giống cho các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh trên toàn quốc về giống bưởi Tam Vân.

Tăng cường tập huấn, tuyên truyền, vận động các hộ dân sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đồng thời, nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm trong bảo vệ nhãn hiệu tập thể đã được công nhận.

Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại để người tiêu dùng biết đến sản phẩm, là cơ sở tin cậy để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm. Đồng thời đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích trên địa bàn thành phố Hà Nội và các địa phương khác. Mở rộng thị trường, hướng tới mục tiêu xa hơn chính là xuất khẩu sản phẩm chuối của Phúc Thọ ra thế giới.

Thiện Tâm

Top