Người dân Thủ đô có thể đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022

24/02/2022 11:55 AM

(Chinhphu.vn) - Đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa cho biết, dự án Tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội đến nay đã đạt tiến độ tổng thể 74,36%; trong đó đoạn trên cao đạt 94,7%.

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, hiện MRB đang quyết liệt đôn đốc, chỉ đạo các nhà thầu hoàn thành theo đúng tiến độ, sớm đưa vào vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2022.

Cụ thể, gói thầu CP05 phải bàn giao Trung tâm Chỉ huy chạy tàu OCC chậm nhất 1/6/2022. Gói thầu CP09 (thẻ vé) bàn giao chậm nhất 15/7/2022, chạy thử toàn hệ thống tháng 8/2022, hoàn thành nghiệm thu công trình thành phần tháng 9/2022 và vận hành thử toàn hệ thống tháng 11/2022 để bàn giao cho đơn vị vận hành vào tháng 12/2022.

Người dân Thủ đô có thể đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 - Ảnh 1.

Tiến độ đoạn trên cao dự án metro Nhổn-Ga Hà Nội đã đạt được trên 90% khối lượng. Ảnh: VGP/Minh Anh

Cũng theo lãnh đạo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, phương án chia dự án thành hai giai đoạn, hoàn thành trước đoạn trên cao và đoạn ngầm sau, đã được thống nhất với tư vấn đánh giá độc lập an toàn hệ thống và trình lên Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng. Vì vậy, dự án không gặp khó khăn, vướng mắc về thủ tục trên.

Người dân Thủ đô có thể đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022 - Ảnh 2.

Người dân Thủ đô có thể đi tàu điện Nhổn - ga Hà Nội vào cuối năm 2022. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đối với đoạn trên cao, trong giai đoạn vận hành thử, đơn vị quản lý dự án sẽ chủ trì cùng Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội phối hợp với các sở, ngành liên quan và Tư vấn đánh giá độc lập về an toàn hệ thống vận hành thử theo các kịch bản, quy trình được phê duyệt. Thời gian vận hành thử tối đa 2 tháng. Sau thời gian vận hành thử, nếu đơn vị vận hành không có thêm yêu cầu nhà thầu hiệu chỉnh, hoàn thiện nội dung liên quan thì được xác nhận hoàn thành.

Liên quan vấn đề nhân sự khai thác, vận hành, Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho biết, hiện đơn vị này đang tuyển dụng gần 450 người để đào tạo theo dự án và bố trí làm việc tại các bộ phận trực tiếp khai thác, bảo trì hệ thống. Chương trình đào tạo nhân sự cho dự án được triển khai từ tháng 1/2021 - 7/2022.

"Nội dung đào tạo nhân sự được tích hợp trong các gói thầu. Nhân sự được tuyển dụng cho bộ phận, vị trí công việc nào sẽ được nhà thầu của gói đó đào tạo. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên toàn bộ nhân sự được đào tạo trực tuyến với nước ngoài và tại cơ sở đào tạo trong nước, thay vì phương án cử một số lái tàu đi học ở Pháp như trước đây", đại diện MRB thông tin.

Gần đây, người tham gia giao thông trên trục đường QL32 từ Nhổn vào nội thành Hà Nội đều có thể cảm nhận các nhà ga của đoạn đường sắt trên cao từ Nhổn - Cầu Giấy khá ấn tượng. Kết cấu kiến trúc các ga với hệ thống cầu thang bộ, thang máy có mái che đã hoàn chỉnh và không còn đặt tên tạm (như S1, S2) mà gắn biển chính thức của nhà ga và có cả các giỏ hoa, cây xanh để trang trí.

Anh Lương Hữu Việt (nhà ở đầu phố Mai Dịch, quận Cầu Giấy, gần ga Lê Đức Thọ) cho biết: "Năm trước khi đoàn tàu điện Nhổn - ga Hà Nội được đưa ra trưng bày ở ga Nhổn, nhiều người ở khu phố tôi thi nhau đến xem. Ai cũng mong tuyến đường sắt này sớm làm xong để người dân được đi làm, đi học bằng tàu điện".

Dự án Tuyến ĐSĐT thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km. Tuyến đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5 km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4 km. Dự án đang triển khai thi công 9 gói thầu về xây lắp, thiết bị và gói thầu tư vấn chung thực hiện dự án.

Dự án Tuyến ĐSĐT thí điểm của Thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.

Minh Anh

Top