Người giữ ‘hồn’ cho lụa Phùng Xá
(Chinhphu.vn) - Dòng sông Đáy uốn lượn như dải lụa ôm ấp làng nghề dệt truyền thống Phùng Xá, nơi tiếng thoi, tiếng dệt không bao giờ ngừng nghỉ gần trăm năm qua. Với sự sáng tạo và khéo léo của con người, ngoài những sản phẩm truyền thống dệt khăn, dệt cotton, Làng còn được biết đến qua các sản phẩm độc đáo như tơ tằm do con tằm tự dệt, tơ Sen…
Sự kỳ diệu của sợi tơ và sự sáng tạo của người nghệ nhân
Phùng Xá được coi là cái nôi của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa với truyền thuyết về công chúa Thiều Hoa, người có công truyền dạy nghề trồng dâu, nuôi tằm cho nhân dân. Làng nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ kéo sợi, những năm 1970 - 1980, được mệnh danh là "Thủ đô dâu tằm" của miền Bắc, với các mặt hàng tơ lụa được xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Thời điểm đó, mỗi gia đình thường có từ 1 đến 4 khung dệt. Các hộ thường lấy nguyên liệu về nhà dệt, nhuộm, sau đó giao lại cho cơ sở để cắt và may hoàn thiện sản phẩm. Những sản phẩm lụa tơ tằm được làm thủ công, chất lượng và đa dạng màu sắc là những sản phẩm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn, với trí tuệ của người thợ dệt lụa Phùng Xá.
Tơ tằm tiếp tục trải qua rất nhiều công đoạn, cần nhiều công sức, thời gian cũng như tâm huyết của người thợ như kéo sợi, xe tơ, guồng tơ. Tùy chất lượng tơ và cách xoắn sẽ có các loại tơ với chất lượng khác nhau... Tiếp đó là công đoạn dệt vải. Người thợ dệt pha trộn các loại sợi dọc và ngang để tạo ra nhiều loại vải với hoa văn và độ dày - mỏng khác nhau... Đây là những thước vải quý có đặc tính khi mặc thì cho cảm giác mát mẻ vào mùa hè, ấm vào mùa đông, lại vẫn đủ mềm mại, sang trọng... Sau khi dệt, lụa được nhuộm màu. Với bí quyết pha trộn màu tự nhiên, người Phùng Xá tạo ra những tấm lụa có màu sắc bắt mắt.
Trải qua rất nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa của Phùng Xá dần mai một, đến nay làng nghề Phùng Xá chỉ còn có một doanh nghiệp hoạt động rất hiệu quả, đó là Công ty TNHH dâu tằm tơ Mỹ Đức của bà Phan Thị Thuận. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có ba đời làm nghề dệt lụa, được truyền nghề từ lúc 6 tuổi. Vì vậy, với bà Phan Thị Thuận, cây dâu, nong tằm, nong kén gắn bó với bà như máu thịt. Chứng kiến nghề truyền thống lụi tàn, bà không cam lòng. Bà quyết tâm giữ lại nong tằm nhà mình và bỏ nhiều công sức đi vận động, tổ chức các hộ nuôi tằm để gìn giữ nghề.
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận chia sẻ: "Hiện nay có 2 sản phẩm đặc biệt là sản phẩm chăn bông tơ tằm do con tằm tự dệt và sản phẩm lụa sen, trong cuống cây sen có sợi tơ trong suốt. Điều bà mong muốn xã Phùng Xã, huyện Mỹ Đức sẽ có những người con trong làng nghề làm được sản phẩm lụa tơ sen.
Nghệ nhân Phan Thị Thuận là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu dệt tấm vải lụa từ sợi tơ lấy từ cuống sen, tạo ra một sản phẩm mang đậm hồn quê Việt. Với những ý tưởng sáng tạo và độc đáo, bà đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương trao giải Nhất sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015.
Năm 2019, lụa tơ sen vinh dự được lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã được UBND thành phố Hà Nội vinh danh là một trong 9 Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2021.
Người mang quốc hoa dệt thành lụa
Ở Việt Nam, diện tích trồng sen rất nhiều, hoa sen được xem là quốc hoa nhưng người Việt mới chỉ ngắm hoa sen, dùng sen ướp trà chứ chưa biết rằng nó còn có thể làm được lụa. Năm 2016, bà Phan Thị Thuận, khi ấy là Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã tham gia đề tài "Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen" do Viện Kinh tế sinh thái (Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện.
Vào lúc đó, bà Thuận chỉ biết rằng dệt lụa từ sợi sen rất phổ biến ở Myanmar, còn ở Việt Nam chưa có người nào làm. Bản tính ưa thích làm những điều mới mẻ một lần nữa lại thôi thúc bà Thuận bắt tay vào việc. Bà Thuận mua hồ trồng cây sen hồng (tên khoa học: Nelumbo nucifera) và bắt đầu nếm mùi vị khó nhằn của chuyện kéo sợi sen.
Những sản phẩm lụa tơ tằm tinh xảo được hình thành qua rất nhiều công đoạn và trí tuệ của thợ dệt lụa Phùng Xá, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là mang lại giá trị kinh tế cao và tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Làng Phùng Xá còn lập ra Hiệp hội thủ công mỹ nghệ làng nghề dệt Phùng Xá (thành lập năm 2004) là tổ chức đứng ra giới thiệu sản phẩm khăn truyền thống của làng đến bạn bè trong nước và quốc tế. Hiệp hội cũng đưa ra phương hướng phát triển của làng nghề là đẩy mạnh quan hệ đối tác về xuất khẩu, đồng thời tạo thêm việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân nhân. Làng nghề truyền thống không chỉ là nét đẹp văn hoá riêng độc đáo của vùng, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc, là một đặc trưng kinh tế của đất nước. Duy trì và phát triển nghề dệt truyền thống là xứ mệnh thiêng liêng của mỗi người con làng Phùng Xá, kế tụng cha ông gìn giữ bản sắc cho muôn đời sau.
Minh Thúy