Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm

08/10/2024 3:38 PM

(Chinhphu.vn) - Với Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung, việc bảo tồn nghệ thuật không chỉ là việc dạy hát mà còn là việc truyền đạt tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Nghệ thuật truyền thống không chỉ là một phần của quá khứ, mà nó còn phải sống động trong hiện tại.

Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm- Ảnh 1.

Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung truyền dạy miễn phí hát chèo cổ, điệu xẩm, hát văn cho các thế hệ sau với mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc. Ảnh nhân vật cung cấp

Trong không khí hào hùng của kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Nghệ nhân Nhân dân Phan Thị Kim Dung vinh dự là công dân Thủ đô ưu tú năm 2024.

Lan tỏa nghệ thuật dân ca truyền thống

Bỏ lại phía sau những bộn bề của cuộc sống hiện đại, Nghệ nhân nhân dân (NNND) Phan Thị Kim Dung luôn dành hết tình yêu, niềm đam mê của mình cho nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là hát xẩm.

Sinh năm 1951 trong một gia đình có truyền thống ca hát, ngay từ thuở ấu thơ, bà Phan Thị Kim Dung đã được sống cùng với những làn điệu chèo, dân ca và hát xẩm. Cha bà là nghệ nhân Phan Đức Hậu (quê ở Mỹ Lộc, Nam Định) đã sớm phát hiện năng khiếu của con và trao truyền niềm đam mê dân ca đến với bà. Nhờ cha dạy dỗ, rèn luyện, năm 10 tuổi, bà Dung đã biết hát những làn điệu xẩm và luôn dành trọn vẹn tình yêu, niềm đam mê cho nghệ thuật truyền thống này cho đến bây giờ.

Không chỉ vậy, ký ức về những ngày tháng được học hát bên cạnh nghệ nhân Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí bà. Bà chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ: "Hát xẩm là tiếng lòng của người dân lao động, mộc mạc nhưng sâu sắc, chứa đựng cả niềm vui và nỗi buồn của kiếp người. Hát xẩm còn loại hình nghệ thuật từ dân gian, giản dị trong từng câu hát, nhưng giữ được cái hồn của nó mới là điều khó nhất".

Là người nghệ nhân giàu kinh nghiệm, NNND Kim Dung cho rằng, cái gốc của xẩm không phải nằm ở sự dễ dãi của ca từ mà là ở cốt cách và sự tinh tế trong từng lời ca, nhịp điệu. Nếu không giữ gìn cái cốt lõi ấy, nghệ thuật xẩm sẽ dần phai mờ trong lòng người.

Theo NNND Phan Thị Kim Dung, hát xẩm đòi hỏi người hát phải có chất giọng hay. Khi hát phải tròn vành, rõ tiếng, đúng nhịp phách, nhưng hát phải thật mộc mạc, như người ta đang kể chuyện vậy. Trong hát xẩm, khó nhất là những câu luyến láy, nhiều nhịp. Những làn điệu xẩm khó như: Thập ân, Trống quân, Xẩm chợ, Xẩm huê tình. Người mới làm quen với Xẩm thường hát những làn điệu dễ như Tàu điện. Sau một thời gian rèn luyện, người hát có thể làm quen với những làn điệu xẩm cổ như: Xẩm nhị tình, Cô gái quay tơ…

NNND Kim Dung đã dành nhiều năm cuộc đời để dạy dỗ biết bao thế hệ học trò, từ những em nhỏ chỉ mới 7-8 tuổi cho đến những người lớn tuổi đam mê nghệ thuật. Đối với bà, mỗi lần dạy học là một cơ hội để trao truyền lại những giá trị cổ truyền mà bà đã học được từ thế hệ trước.

Bà dạy các em từ những bước cơ bản nhất, từ cách lấy hơi, nhả chữ, trường độ cho đến cách cảm thụ cái sâu lắng của từng lời ca. Khi nhìn thấy những gương mặt trẻ say mê, miệt mài học hát, bà như thấy hình ảnh của mình ngày xưa, ngồi dưới chân người thầy, miệt mài học từng câu hát cổ.

Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm- Ảnh 2.

Nghệ nhân Nhân dân Kim Dung truyền dạy cho các em nhỏ. Ảnh nhân vật cung cấp

Bảo tồn, phát huy nghệ thuật hát Xẩm

Ở tuổi 70, bà vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi, trình diễn tại các sự kiện lớn nhỏ, truyền dạy miễn phí cho các thế hệ sau; góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

NNND Kim Dung là tấm gương sáng với tâm nguyện được mang niềm đam mê và những kinh nghiệm của mình truyền dạy cho những người yêu thích dân ca truyền thống, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ truyền thống tại cơ sở ngày càng phát triển. Đưa văn hóa truyền thống thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội và lan tỏa được đam mê tới cộng đồng.

Theo bà, hát xẩm, chèo cổ và hát văn là những loại hình nghệ thuật đòi hỏi sự tinh tế, tỉ mỉ và cả niềm đam mê. Nhưng thật không dễ để tìm được những người trẻ có thể bước tiếp trên con đường mà bà và các nghệ nhân thế hệ trước đã đi. Và nỗi trăn trở ấy theo bà đi suốt những năm tháng dạy học, dù hằng năm có rất nhiều học sinh được tuyển chọn từ các trường học địa phương để theo học.

Với NNND Kim Dung, việc bảo tồn nghệ thuật không chỉ là việc dạy hát mà còn là việc truyền đạt tình yêu và lòng tự hào về văn hóa dân tộc. Nghệ thuật truyền thống không chỉ là một phần của quá khứ, mà nó còn phải sống động trong hiện tại. Nếu không truyền được lửa yêu thương cho thế hệ trẻ, thì nghệ thuật đó sẽ dần bị lãng quên. Đối với bà, dù xã hội có thay đổi, dù hiện đại hóa có chiếm lĩnh đến mức nào thì văn hóa dân gian vẫn có chỗ đứng nếu chúng ta biết cách bảo tồn và phát triển.

Để khuyến khích giới trẻ tham gia bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian, những người nghệ nhân như NNND Kim Dung thường tổ chức các buổi giao lưu biểu diễn nhằm giúp họ hiểu rõ hơn về giá trị của các loại hình nghệ thuật này. "Khi người trẻ cảm nhận được cái đẹp trong từng câu hát, từng điệu múa, họ sẽ yêu nó. Từ đó, nghệ thuật dân gian sẽ không chỉ là di sản của quá khứ mà còn là hơi thở của hiện tại và tương lai", NNND Kim Dung bày tỏ.

NNND Kim Dung luôn trao dồi đạo đức nghề nghiệp, sáng chữ tâm, chú trọng đến việc truyền dạy đào tạo miễn phí cho diễn viên không chuyên của nhiều câu lạc bộ văn nghệ dân ca. Với phương pháp giảng dạy dễ hiểu, cuốn hút của NNND Kim Dung, các thành viên câu lạc bộ và các cháu thiếu nhi đều hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật và các nghệ nhân, nghệ sĩ tên tuổi. Vì thế khi được dạy lời bài hát, cách cầm phách, đồng thời cách diễn đạt ca từ làm sao cho đúng với nội dung, ý nghĩa của bài hát thì mọi người dễ hiểu, dễ nhớ. NNND Kim Dung là một người nhiệt tình, tâm huyết tham gia vào các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ tại địa phương.

Người giữ mãi 'ngọn lửa' tình yêu với nghệ thuật hát xẩm- Ảnh 3.

Tuy tuổi còn nhỏ nhưng với sự chỉ dạy tận tình của NNND Kim Dung, các em đã tham gia các chương trình biểu diễn ở làng, diễn giao lưu ở thành phố và giành không ít giải thưởng lớn nhỏ. Ảnh nhân vật cung cấp

Thầm lặng cống hiến với nghệ thuật hát xẩm

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, NNND Phan Thị Kim Dung không giấu nổi niềm xúc động khi được công nhận là một trong những Công dân Thủ đô ưu tú năm 2024: "Tôi rất vinh dự và tự hào vì mình đã được lãnh đạo thành phố quan tâm phong tặng danh hiệu là công dân Thủ đô ưu tú. Đây là động lực to lớn đối với tôi để cho tôi tiếp tục truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khơi dậy niềm đam mê và tình yêu với di sản văn hóa dân tộc. Tôi xin trân trọng và cảm ơn sự ghi nhận này không chỉ dành cho cá nhân mà còn cho những nỗ lực gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống mà tôi đã dày công theo đuổi", bà bày tỏ.

NNND Phan Thị Kim Dung khẳng định vinh dự này không chỉ là thành quả của riêng mình, mà còn là sự tri ân đối với những bậc tiền bối đã dạy dỗ và hướng dẫn bà trên con đường nghệ thuật, cũng như sự ủng hộ của cộng đồng trong hành trình bảo tồn văn hóa dân tộc.

Hơn 70 năm tuổi đời, NNND Kim Dung tự hào vì đã có hơn 60 năm gắn bó với hát Xẩm và Dân ca. Đam mê, sống hết mình với Xẩm, NNND Kim Dung cũng đã gặt hái được nhiều thành công: Năm 2015, giành Huy chương Vàng hát Xẩm Nhị tình lời cổ tại Liên hoan nghệ thuật quần chúng đàn, hát dân ca của Bộ VHTT&DL. Năm 2019, NNƯT Kim Dung giành giải Ba hát Xẩm miền Bắc do Bộ VHTT&DL tổ chức… Năm 2010, bà được công nhận là Nghệ nhân dân gian. Năm 2015, bà được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2022, bà được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.

Minh Thúy

Top