Người trẻ Hà Nội “giữ lửa” làng nghề truyền thống qua nghệ thuật Gốm
(Chinhphu.vn) - Trong thời đại công nghệ phát triển, nhiều làng nghề truyền thống ở Hà Nội đang dần mai một. Ý thức được bổn phận, trách nhiệm của thanh niên, không ít người trẻ dành hết đam mê, tâm huyết để “giữ lửa” tình yêu dành cho những nghề truyền thống.
Hiện nay, tại Hà Nội còn những làng nghề truyền thống nổi tiếng như nghề làm miến ở làng Cự Đà (Thanh Oai, Hà Nội), làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nghề làm hương ở huyện Ứng Hòa (Hà Nội), hay làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vẫn đang tồn tại, được nhiều thế hệ người trẻ lưu giữ và phát triển.
"Giữ lửa" và phát huy tinh hoa của làng nghề gốm
Trong bối cảnh những giá trị văn hóa truyền thống ngày càng bị thử thách bởi sự phát triển của xã hội hiện đại, những người trẻ Hà Nội đang nỗ lực để "giữ lửa" và phát huy tinh hoa của làng nghề.
Một trong những minh chứng điển hình cho sứ mệnh này chính là Nghệ thuật Gốm Đan Thanh. Chị Đan Thanh, chủ nhân của dòng gốm Đan Thanh, là một trong những người trẻ tiêu biểu của Hà Nội đang nỗ lực gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống Phù Lãng, Bắc Ninh. Với hơn 700 năm lịch sử, Phù Lãng nổi tiếng với những sản phẩm gốm mộc mạc, tinh tế, được tạo nên từ bàn tay khéo léo của các nghệ nhân. Chị Đan Thanh đã quyết định tiếp nối và phát triển dòng gốm này, mang lại cho nó một diện mạo mới nhưng vẫn giữ được nét truyền thống.
Gốm Đan Thanh được làm hoàn toàn thủ công từ khâu chọn đất, vuốt tay, đến quá trình nung bằng củi. Đặc biệt, men gốm được làm từ đất phù sa và bùn, phản ánh sắc độ tự nhiên của lửa và nhiệt độ trong lò nung, tạo nên sự độc đáo cho từng sản phẩm. Gốm Đan Thanh là dòng gốm thủ công độc bản lấy cảm hứng từ phong cách gốm cổ của người Việt xưa. Đan Thanh bảo tồn các phương pháp làm gốm truyền thống đã được truyền lại qua nhiều thế hệ. Mỗi một sản phẩm gồm Đan Thanh đều sử dụng đất sét đỏ, được tạo hình và vẽ hoa tiết hoàn toàn bằng thủ công, phủ bằng men truyền thống và được nung bằng củi. Các sản phẩm gốm không chỉ là những vật dụng hàng ngày như chum, âu, mà còn là những tác phẩm nghệ thuật mang đậm dấu ấn văn hóa, như bình hoa, tượng gốm, tranh gốm...
Những sản phẩm Gốm Đan Thanh mang phong cách vừa mộc mạc, gần gũi vừa trang nhã. Tuy là sản phẩm của đương thời mà dường như nhuốm màu thời gian, phảng phất hồn xưa cũ ngàn năm của gồm Việt từ thời dựng nước. Đặc biệt, mỗi một sản phẩm của Đan Thanh đều là độc bản, mang một vẻ đẹp riêng không trùng lặp. Vì mang cả dấu ấn dân gian và đương đại nên dù được trưng bày trong không gian truyền thống hay hiện đại, gồm Đan Thanh đều mang đến những giá trị thẩm mĩ độc đáo. Gốm Đan Thanh luôn tự hào được thừa kế một trong những nghề thủ công cổ xưa nhất của người Việt và góp phần bảo tồn những giá trị quý giá trong kho tàng văn hóa và nghệ thuật giàu có của Việt Nam.
Đưa đồ thủ công truyền thống vươn xa
Tuy nhiên, để thành công trong con đường làm gốm sứ, chị Thanh phải trải qua rất nhiều vất vả, thử thách. Là người trẻ tiếp nối truyền thống, chị Đan Thanh hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển làng nghề trong bối cảnh xã hội hiện đại. Bằng sự sáng tạo và tình yêu đối với nghệ thuật gốm, chị đã đưa ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao, phù hợp với phong cách sống của giới trẻ hiện nay. Những sản phẩm gốm Đan Thanh không chỉ là quà tặng mà còn là biểu tượng của sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và sự phát triển.
Người trẻ Hà Nội, với sự nhiệt huyết và sáng tạo, đang trở thành những "người giữ lửa" của làng nghề truyền thống. Nghệ thuật Gốm Đan Thanh, dưới bàn tay của chị Đan Thanh, là minh chứng rõ nét cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Nhiều người thường được ví von Hà Nội là mảnh đất "trăm nghề". Mỗi làng nghề không chỉ là không gian kết tinh, lưu giữ giá trị văn hóa, lịch sử, mà còn là sinh kế góp phần bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần bền vững của nhân dân. Vì vậy, để phát triển làng nghề đầu tiên là làm thế nào để tìm đầu ra, bán được các sản phẩm truyền thống. Thứ hai, đó là làm sao để người tạo ra sản phẩm thấy vui, hạnh phúc với công việc của mình. Do đó rất cần mở ra không gian mới cho làng nghề, đưa sản phẩm của làng nghề Việt Nam vươn tầm thế giới.
Thực tế, giấc mơ của nhiều nghệ nhân trẻ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung là đem những sản phẩm thủ công vươn tầm quốc tế, nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa của quê hương, đất nước. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ, xã hội phát triển, người trẻ Việt Nam có thể dùng các trang mạng xã hội, trang web để đem sản phẩm thủ công của mình lan tỏa với bạn bè quốc tế.
Đặc biệt, để đưa sản phẩm của làng nghề truyền thống Việt Nam đến với thị trường nước ngoài, đòi hỏi công tác truyền thông và các hoạt động độc đáo, mới mẻ.
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống một cách bền vững
Để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm làng nghề truyền thống thì trước tiên các làng nghề phải tìm cách cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm theo đúng thị hiếu, yêu cầu của thị trường. Để tìm được đầu ra cho sản phẩm thì các làng nghề truyền thống cần phải kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, phải áp dụng một phần công nghệ vào một số công đoạn của quá trình sản xuất, đồng thời vẫn phải kế thừa những tri thức dân gian trong quy trình chế tác, vẫn làm bằng tay ở những công đoạn thể hiện sự tinh xảo, nét đặc trưng, độc đáo của sản phẩm để sản xuất sản phẩm nhanh hơn, mẫu mã phong phú hơn, giá thành rẻ hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống.
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu của thị trường thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề là rất quan trọng để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các làng nghề cần chú trọng việc khuếch trương thương hiệu, quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng bằng nhiều kênh khác nhau như: xây dựng các trang web giới thiệu về sản phẩm của các làng nghề truyền thống, phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các làng nghề truyền thống, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế...
Bên cạnh đó, việc phát triển làng nghề truyền thống cần gắn với du lịch để bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống một cách bền vững. Bởi lẽ nó không chỉ giúp mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống mà quan trọng hơn nó còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề.
Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là việc làm có ý nghĩa và rất cần thiết. Chính vì vậy, chúng ta cần tin rằng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ, quan tâm của Nhà nước, chính quyền và các tổ chức xã hội chắc chắn các làng nghề truyền thống sẽ tìm được cơ hội mới, nhiều triển vọng để tiếp tục phát triển và khẳng định vai trò của mình trong cuộc sống hiện tại của đất nước.
Minh Thúy- Bảo Ngọc