Phát triển làng nghề bền vững gắn với văn hóa, du lịch
(Chinhphu.vn) - Mỗi làng nghề có một nét đặc trưng, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công mỹ nghệ hấp dẫn mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Do vậy, phát triển làng nghề bền vững gắn với văn hóa, du lịch đang là hướng đi được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn.
Nhiều tiềm năng từ du lịch làng nghề
Du lịch Hà Nội có nhiều tiềm năng, thế mạnh như phát triển du lịch văn hóa di sản, du lịch làng nghề. Song song với du lịch di sản, du lịch làng nghề ngày càng được chú trọng đẩy mạnh, đặc biệt tại các làng nghề ngoại thành.
Với nhiều làng nghề được công nhân danh hiệu làng nghề truyền thống như: Gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên,… làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội đã và đang là xu hướng được khách du lịch tìm đến, không chỉ bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề mà du khách còn được tham quan, hòa mình cùng nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm.
Bên cạnh đó, du khách còn đến với làng nghề Hà Nội để được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình.
Nghệ nhân Phạm Anh Đức, làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm chia sẻ: "Khách du lịch trong và ngoài nước đến không chỉ xem, hay mua sản phẩm mà họ đặt các đơn hàng sản phẩm mang mẫu mã, kỹ thuật họ yêu cầu. Từ đó chúng tôi có thêm một dòng sản phẩm mới từ chính yêu cần của khách".
Bên cạnh đó, Hà Nội còn nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)... đều là những nơi có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.
Mới đây, tại hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh hoạt động tại các làng nghề, ông Nguyễn Văn Tiến Anh, Giám đốc Công ty TNHH phát triển nội thất gỗ Phương Đông ( Thôn Hà Khê, xã Vân Hà, huyện Đông Anh) chia sẻ: "Theo thực tiễn hoạt động tại làng nghề, tôi nhận thấy việc phát triển làng nghề gắn với du lịch rất thành công, do đó, mong muốn Thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm du lịch làng nghề để giúp tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy du lịch; thông qua các tour tuyến du lịch để bán hàng hóa trực tiếp cho du khách…".
Để mỗi người dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch
Phó Giám đốc Sở Du Lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, thời gian qua, Sở Du lịch đã ban hành, triển khai Kế hoạch số 63/KH-SDL về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 131/KH-SDL ngày 29/8/2023 về nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức.
Trên cơ sở đó, riêng năm 2023, để nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch, Sở Du lịch tổ chức 10 lớp tập huấn về kiến thức du lịch nông nghiệp, nông thôn tại các huyện, thị xã; 10 lớp tập huấn về ứng xử văn minh du lịch và du lịch cộng đồng cho dân cư; 15 lớp bồi dưỡng về kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên du lịch tại điểm; 9 hội nghị trao đổi kỹ năng, ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức; 3 Hội nghị tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại các điểm đến du lịch văn hoá, di sản, làng nghề trên địa bàn quận, huyện: Ba Vì, Hà Đông, Phúc Thọ.
Trong tháng 4/2024, Sở Du lịch đã phối hợp UBND các huyện: Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức hoàn thiện, công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề "Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội – Điểm về nguồn cội"; phối hợp UBND huyện Ba Vì tổ chức công bố điểm đến du lịch cộng đồng bản Miền, Ba Vì gắn với nghề làm thuốc Nam của người Dao quần chẹt tại thôn Hợp Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì; bước đầu các điểm đến này đã thu hút được du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội phấn đấu có 3-5 điểm du lịch mới được hoạt động. Sẽ hình thành điểm du lịch gắn với bảo tồn và khai thác làng nghề có chất lượng cao;
Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo bồi dưỡng du lịch làng nghề để mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch; khuyến khích các đơn vị lữ hành phối hợp cùng phát triển du lịch; thúc đẩy nguồn lực xã hội hóa cho hạ tầng du lịch tại các điểm du lịch văn hóa làng nghề, điểm đến của làng nghề.
Giai đoạn 2024-2025, Sở Du lịch tiếp tục hoàn thiện sản phẩm đặc thù gắn với các giá trị của di sản, di tích và làng nghề theo tuyến Trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên; tiếp tục triển khai có hiệu quả kế hoạch về nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung các nhiệm vụ nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch và triển khai ứng xử văn minh du lịch cho cộng đồng dân cư địa phương; tổ chức các hội nghị nâng cao chất lượng điểm đến du lịch gắn với các giá trị di sản, di tích, làng nghề và kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Ngoài ra, TP. Hà Nội sẽ chú trọng công tác đầu tư, xúc tiến sản phẩm du lịch văn hóa nhằm phát triển, định vị và quảng bá rộng rãi thương hiệu du lịch Hà Nội dựa vào những giá trị nổi bật về di sản, những giá trị chân thực về văn hóa truyền thống, lối sống của người dân Thủ đô Hà Nội
Diệu Anh