Nguồn lực phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao ngày càng được chú trọng

03/04/2023 4:58 PM

(Chinhphu.vn) - Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư, thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho văn hóa, đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao có quy mô, giá trị… là những nội dung ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định nhằm triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn Hà Nội.

Nguồn lực phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao ngày càng được chú trọng - Ảnh 1.

Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư, phát huy các giá trị văn hóa, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị - Ảnh: VGP/Hòa An

Bố trí kinh phí cho nhà văn hóa thôn làng, tu bổ di tích…

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, xác định một trong ba Khâu đột phá của nhiệm kỳ 2020-2025 là: "Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô", thời gian qua, việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Cụ thể như, nguồn lực phát triển mạng lưới văn hóa, thể thao ngày càng được chú trọng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế. Nguồn kinh phí chi thường xuyên bố trí cho lĩnh vực văn hóa hàng năm khoảng 1,5%-1,8% tổng chi thường xuyên để thực hiện hoạt động phát triển văn hóa, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, chống xuống cấp các thiết chế văn hóa.

Bên cạnh nguồn kinh phí chi thường xuyên và đầu tư công hàng năm, Thành phố đã quan tâm có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn làng và các di tích trên địa bàn Thành phố.

Tính riêng trong 2 năm 2020 và 2021, Thành phố đã hỗ trợ trên 317 tỷ đồng cho 127 nhà văn hóa thôn làng (năm 2020 là 235 tỷ cho 94 nhà văn hóa, năm 2021 là 82,5 tỷ đồng cho 33 nhà văn hóa thôn). Mức hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn làng là 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa. Đồng thời, Thành phố có cơ chế các quận hỗ trợ cho các huyện để xây dựng 19 nhà văn hóa thôn, làng 74,9 tỷ đồng.

Trong những năm qua, Trung ương và Thành phố đã thường xuyên quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư cho các di tích trên địa bàn do cấp huyện quản lý. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia cho 13 di tích với 6,5 tỷ đồng. Thành phố đã ban hành Kế hoạch giai đoạn 2013-2015 với tổng số di tích đầu tư tu bổ và hỗ trợ chống xuống cấp là 68 di tích đã xuống cấp nguy hiểm, tổng kinh phí là trên 304,5 tỷ đồng. Ngoài ra, có cơ chế hỗ trợ tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho các di tích do cấp huyện quản lý năm 2016-2022 là 216 di tích với tổng kinh phí 260 tỷ đồng.

Đặc biệt trong năm 2022, Thành phố đã quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn thành phố và ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 với tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 2021-2025 và sau năm 2025 là 14.029 tỷ đồng, 579 dự án (gồm 58 dự án cấp Thành phố và 521 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ huyện).

Bên cạnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố, việc huy động nguồn vốn cho phát triển văn hóa, thể thao cũng nhận được sự quan tâm, chú trọng của các cấp các ngành và nhân dân cả nước. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục chi tiết các loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các cơ sở thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, thể thao đã tạo điều kiện phát triển các cơ sở xã hội hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được đẩy mạnh nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di sản, chủ yếu tập trung vào các di tích có yếu tố tâm linh, di tích chưa được xếp hạng hoặc đầu tư vào các hạng mục phụ trợ.

Ngoài ra, việc xã hội hóa trong công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ đã được phát huy mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho việc phát triển văn hóa Thủ đô.

Phấn đấu 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa; 75% di tích được tu bổ…

Tuy nhiên, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhận định, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đầu tư cho lĩnh vực văn hóa Thủ đô vẫn còn những băn khoăn, trăn trở đó là tỷ lệ đầu tư cho văn hóa (cả chi thường xuyên và chi đầu tư) còn rất thấp, chưa đáp ứng các yêu cầu phát triển của ngành. Trong thời gian gần đây, công tác đầu tư đã được quan tâm hơn, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp văn hóa. Thành phố còn thiếu thiết chế mang tính biểu trưng, tương xứng với vị thế củaThủ đô Hà Nội.

Nhiều huyện còn khó khăn nhưng phải quản lý và đầu tư số lượng di tích lớn, các di tích xuống cấp nhiều nên không cân đối được nguồn vốn kịp thời để tu bổ, tôn tạo di tích và hoàn thiện thiết chế nhà văn hóa thôn, làng. Mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, một số thiết chế hoạt động chưa hiệu quả…

Để đảm bảo định hướng phát triển đã đề ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 09/NQ-TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và các Nghị quyết của Thành phố thì cần tăng cường đầu tư cho văn hóa từ nguồn ngân sách, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và điều chỉnh cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển cơ sở văn hóa và tham gia vào các hoạt động văn hóa.

Ngành Văn hóa và Thể thao cũng đề xuất xây dựng thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô có quy mô xứng tầm là trung tâm phát triển văn hóa của cả nước và trong khu vực. Cụ thể như đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao có quy mô, giá trị gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia. Phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra, cụ thể trên 95% di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, khoảng 70% di tích xếp hạng quốc gia được tu bổ, tôn tạo; hàng năm, có khoảng 20% di tích cấp thành phố xuống cấp được tu bổ, tôn tạo bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa. Tập trung đầu tư các công trình thiết chế văn hóa, di tích lịch sử (nhất là Hoàng Thành Thăng Long, Điện Kính Thiên, Cổ Loa, Đền thờ Ngô Quyền).

Phấn đấu đến năm 2025 có 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Phấn đấu đến năm 2030, 100% các quận, huyện, thị xã có Trung tâm Văn hoá - Thể thao cấp huyện; 100% thôn, làng, tổ dân phố có nhà văn hóa đáp ứng tiêu chí theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 100% khu công nghiệp có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa phục vụ công nhân, người lao động.

Ngoài ra, phát triển mạng lưới cơ sở bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, nhà hát trên địa bàn Thành phố theo chỉ tiêu sử dụng đất dành cho cơ sở văn hóa, thể thao. Hoàn thiện mạng lưới cơ sở thể thao tiến tới đảm bảo mỗi quận, huyện, thị xã đảm bảo có đủ sân vận động, nhà thi đấu, bể bơi và khu vui chơi ngoài trời phục vụ người dân trên địa bàn.

Ngành Văn hóa và Thể thao cũng xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; xây dựng 530 thư viện điện tử nhằm kết nối với hệ thống dữ liệu của Thư viện Quốc gia và các tỉnh thành trong cả nước. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính sách ưu tiên đặc thù cho việc phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô.

Hòa An

Top