Nhân rộng mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới

21/08/2023 3:41 PM

(Chinhphu.vn) - Từ mô hình đám cưới điểm, mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới” và công tác tuyên truyền được đổi mới, kiên trì, liên tục, nhiều địa phương tại Hà Nội đã nhân rộng tổ chức cưới văn minh trên địa bàn.

Nhân rộng mô hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới - Ảnh 1.

Đám cưới quy mô nhỏ tại thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh - Ảnh: Cổng TTĐT huyện Mê Linh

 Từ mô hình đám cưới điểm đến nhân rộng tổ chức cưới văn minh

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới theo chỉ thị 11 của Thành ủy Hà Nội, huyện Đan Phượng chia sẻ, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hoá không phải là điều đơn giản bởi những quan niệm cũ đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của bao thế hệ, đòi hỏi phải lâu dài, bền bỉ

Bởi vậy, ngay sau khi Chỉ thị 11 của Thành ủy, huyện ủy đã chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng nếp sống văn hóa huyện và cơ sở, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trong toàn huyện tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân; tổ chức trên 170 hội nghị, hội thảo tọa đàm bàn về xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và đã chỉ đạo được trên 100 mô hình đám cưới điểm do các đoàn thể đứng ra tổ chức tại hội trường, nhà văn hóa thôn, cụm dân cư bằng tiệc trà, bánh kẹo, không tổ chức ăn uống.

Từ 106 mô hình đám cưới điểm ban đầu đến nay toàn huyện đã có trên 11.000 đám cưới được tổ chức theo nếp sống văn minh.

Để phát huy vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong thực hiện, huyện ủy đã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của huyện triển khai cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, ứng xử văn hóa.

Theo huyện Đan Phượng, trong 10 năm qua, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, ứng xử văn hóa có chuyển biến tích cực và hiệu quả. Việc cưới trên địa bàn huyện Đan Phượng được tổ chức gọn nhẹ; tiến hành các nghi thức hôn lễ với tinh thần "vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm", không kéo dài; số lượng khách mời dự tiệc không quá 300 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc; các thủ tục rườm rà trong việc cưới như chạm ngõ, ăn hỏi thường được tổ chức trong 01 ngày; khuyến khích hình thức báo hỷ sau ngày cưới. Tệ thách cưới không còn, chủ yếu do 2 gia đình thống nhất với hình thức gọn, nhẹ nhưng vẫn giữ được nét truyền thống tốt đẹp; các đám cưới cơ bản không dùng thuốc lá, hình thức lễ chín như trước đây được xóa bỏ.

Kinh nghiệm được huyện Đan Phượng chia sẻ là công tác tuyên truyền cần phải được đổi mới và tiến hành thường xuyên, kiên trì, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn ở mỗi cơ sở. Khơi dậy ý thức, vai trò trách nhiệm của người có uy tín trong cộng đồng, của chi ủy chi bộ, Trưởng thôn, Truởng Ban công tác mặt trận, các Ban vận động các thôn, phố, cụm dân cư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng.

Xây dựng mô hình "Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới"

Với vai trò là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mê Linh, bà Bùi Thị Ánh Dương chia sẻ, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã có nhiều đổi mới, sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả triển khai, nhân rộng mô hình tiêu biểu của cán bộ, hội viên phụ nữ trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới.

Hội LHPN huyện Mê Linh đã chủ động xây dựng các kế hoạch tổ chức phong trào thi đua, đưa vào làm chỉ tiêu thi đua đánh giá cơ sở Hội cuối năm. Chỉ đạo mỗi cơ sở Hội xây dựng ít nhất 01 mô hình thực hiện "Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang". Tổ chức các buổi toạ đàm, nói chuyện chuyên đề, thảo luận nhóm về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh ở tổ dân phố, thôn, xóm về thực hiện nếp sống văn hoá trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, xây dựng môi trường cảnh quan sạch, đẹp,…đặc biệt là xây dựng mô hình "Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang", "Chi hội, tổ phụ nữ văn minh".

Từ đó, vận động cán bộ, hội viên và gia đình thực hiện tốt quy định của Nhà nước, của địa phương trong việc tổ chức lễ cưới bảo đảm trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của địa phương, dân tộc và phù hợp với hoàn cảnh gia đình.

Hội đã tổ chức hội thi tuyên truyền "Phụ nữ Mê Linh tài năng, ứng xử đẹp", trong phần thi kiến thức đã đặt ra một số câu hỏi cụ thể có liên quan đến công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới cho các thí sinh tham dự cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Đây là hình thức tuyên truyền được hội viên đánh giá là rất dễ để nhớ được và nhớ lâu về nội dung được đưa ra.

Hội tổ chức ra mắt mô hình "Chi hội Phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang" tại các Chi hội Phụ nữ trên địa bàn toàn huyện, đến nay đã nhân rộng được 36 mô hình tại 36 chi hội trên toàn huyện gắn với triển khai mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hội tổ chức biên soạn các tin bài bằng các hình ảnh minh họa sinh động dùng tuyên truyền trên hệ thống Zalo, Facebook của Hội để tận dụng lợi thế của mạng xã hội 4.0 tạo sự lan tỏa, rộng rãi đến cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình thực hiện, đồng thời tổ chức in và phát tờ rơi tuyên truyền về nội dung này đến từng gia đình hội viên trên địa bàn huyện. Kết quả, đến nay toàn huyện có 36 chi hội phụ nữ văn minh; hàng năm, Hội vận động được 78,2% đám cưới của các gia đình hội viên trong các chi hội phụ nữ văn minh thực hiện cưới tiết kiệm, tang văn minh.

Với mô hình "Tiết kiệm trong việc cưới", 10 năm qua, tại các chi hội phụ nữ đã vận động được 1.378/1.762 đám cưới tiết kiệm tổ chức ăn uống nội bộ gia đình 25 - 30 mâm, không tổ chức đón dâu 2 lần, không ăn lại mặt, không hút thuốc lá,… thực hiện thủ tục kết hôn đúng pháp luật, tổ chức hôn lễ vui vẻ, tiết kiệm. Mỗi đám cưới tiết kiệm được trên 30 triệu đồng. Mô hình thu hút đông đảo hội viên tham gia, tổng số tiền hội viên tiết kiệm được mỗi năm khoảng 235 triệu đồng, các chi hội trích số tiền đó ra giúp chị em phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ việc tuyên truyền vận động không phải lúc nào cũng thuận lợi do đây là công việc hệ trọng của mỗi gia đình, là việc riêng của mỗi cá nhân nên việc tuyên truyền cũng cần hết sức tế nhị, thân tình; rồi các đám cưới tiệc ngọt, tiệc trà… tuy nhận được nhiều tình cảm từ cộng đồng, song vẫn còn mang tính thí điểm, chưa thực sự được quan tâm duy trì, nhân rộng. Người dân tự giác tổ chức cưới tiệc ngọt, tiệc trà… chưa nhiều, vẫn còn có trường hợp tổ chức đám cưới linh đình gây lãng phí...

Vì vậy, Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo để việc tuyên truyền việc cưới văn minh gắn với các mô hình tiết kiệm và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Phát huy vai trò của các đồng chí chi hội trưởng, của các cán bộ, hội viên phụ nữ đều là những người giữ lửa cho hạnh phúc gia đình, có nhiều uy tín, có tiếng nói trong chi hội để làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền vận động.

Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Hội duy trì và phát hiệu hiệu quả 36 mô hình "Chi hội Phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang", mô hình "Tiết kiệm trong việc cưới" và đồng thời nghiên cứu để xây dựng mô hình mới phù hợp và hiệu quả nhất phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.

Gia Huy

Top