Nhiều chỉ tiêu của chương trình an sinh xã hội vượt kế hoạch

05/04/2024 3:50 PM

(Chinhphu.vn) - Nhiều chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội vượt kế hoạch, trong đó có các hỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2024 gồm: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu...

Nhiều chỉ tiêu của chương trình an sinh xã hội vượt kế hoạch- Ảnh 1.

Trong quý I/2024, các Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình an sinh xã hội... - Ảnh: VGP/GH

Ngày 5/4, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì Hội nghị giao ban quý I/2024 của Ban chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025".

Theo Ban chỉ đạo Chương trình 08, trong quý I/2024, các Đoàn giám sát đánh giá cao công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các sở ngành, địa phương và tầm quan trọng, tính nhân văn, ý nghĩa của Chương trình.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo, Thành phố luôn quan tâm, dành nguồn lực để thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, đặc biệt là các chính sách đặc thù của thành phố góp phần đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. 

Năm 2023, kinh phí ngân sách cấp thành phố bố trí 7.035,474 tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên (bao gồm kinh phí bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện). Ngoài ra kinh phí thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU còn được bố trí lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ khác có liên quan của UBND TP.

Kết quả thực hiện 27 chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU cho thấy, đã có 17/27 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025; có 3/27 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch năm 2024; có 5/27 chỉ tiêu dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2024. Hiện còn 2/27 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

Có 3 chỉ tiêu hoàn thành và vượt kế hoạch năm 2024 gồm: Tỷ lệ xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; tỷ lệ người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 0,03%, cơ bản không còn hộ nghèo; có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, có 5 quận không còn hộ cận nghèo. Tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân đến quý 1/2024 đạt đạt 125,86% kế hoạch năm 2024 và đạt 121,67% mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ. Tương tự, số bác sỹ/vạn dân đạt 111,64% kế hoạch năm 2024 và đạt 108,67% mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ.

Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất đạt 105,6% kế hoạch năm 2024 và đạt 104,35% mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất đạt đạt 101,12% kế hoạch năm 2024 và hoàn thành 100% mục tiêu đến cuối nhiệm kỳ)...

Có 5 chỉ tiêu đang phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2024 gồm giải quyết việc làm; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế; tuổi thọ bình quân; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế.

Hiện Chương trình còn 2 chỉ tiêu gặp khó khăn trong quá trình thực hiện là tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe đến quý 1/2024 đạt khoảng 85%; Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tham gia Chương trình sữa học đường chưa có tiêu chí, hướng dẫn đánh giá.

Cũng theo Ban chỉ đạo, việc thực hiện Chương trình 08-CTr/TU còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc như: Mức thu nhập của người dân vùng dân tộc thiểu số còn thấp so với bình quân chung toàn thành phố; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao hơn các địa phương khác. Chưa có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư đối với các dự án chợ dân sinh, chợ đầu mối; việc xã hội hóa trong phát triển các hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ … còn thiếu cơ chế chính sách khuyến khích.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhận định, các đơn vị liên quan cần đánh giá thêm phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới gắn với từng đầu việc để kiểm đếm, theo dõi tiến độ thực hiện; đánh giá nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc.

Các đơn vị chủ trì thực hiện Chương trình 08 cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, vận động để các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội, doanh nghiệp, người dân cùng đồng thuận tham gia vì ngoài 27 chỉ tiêu còn rất nhiều việc làm để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Khi huy động được sự tham gia của nhiều lực lượng sẽ lan tỏa, tăng cường hiệu quả Chương trình.

Đối với Sở Y tế, cần tập trung triển khai chỉ tiêu quản lý sổ khám sức khỏe điện tử, Chủ tịch HĐND TP đề nghị xây dựng cơ chế chính sách để khám sức khỏe cho toàn dân. Rà soát đối tượng người dân chưa được khám sức khỏe để có số liệu cụ thể. Từ đó có cơ sở vận động, khuyến khích triển khai bao phủ việc khám sức khỏe, quản lý sức khoẻ cho người dân. Với nhiệm vụ triển khai các dự án bệnh viện, Sở Y tế phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư rà soát dự án khó khăn, vướng mắc để UBND TP tập trung tháo gỡ.

Các sở, ngành cùng phối hợp để rà soát cơ chế chính sách để tạo điều kiện thực hiện nâng cao phúc lợi xã hội, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống của nhân dân. 

Gia Huy

Top