Nhiều giải pháp để ngành công nghiệp Thủ đô lấy lại đà tăng trưởng
(Chinhphu.vn) - Ngành công nghiệp luôn giữ vai trò dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, trong năm 2023, sản xuất công nghiệp của Hà Nội vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi các doanh nghiệp liên tục thiếu đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Do đó, Thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngành công nghiệp Thủ đô lấy lại đà tăng trưởng.
Còn khó khăn, thách thức
Theo Sở Công Thương Hà Nội, do suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng. Ngoài thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường trong nước cũng giảm sút phần nào ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào tăng cao, nên hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt-Tiệp Nguyễn Văn Tuấn cho biết, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí, công nghiệp chế tạo gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ khi tổng cầu giảm sút mạnh. Cùng với đó là chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến sản phẩm giảm sức cạnh tranh…Do đó, nếu tiếp tục nhận được hỗ trợ thiết thực trong lãi suất, tiếp cận vốn vay, doanh nghiệp sẽ dễ dàng đón đầu và phục hồi sản xuất.
Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội (HANSIBA) cho hay, dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được, do các chính sách này còn nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện. Vì vậy, Thành phố nên nghiên cứu rút bớt thủ tục, chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ doanh nghiệp với tinh thần nhanh chóng, kịp thời nhất.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về vốn, năng lực tài chính. Do vậy, việc tiếp vốn cho doanh nghiệp là quan trọng, đặc biệt là nguồn vốn ưu đãi với lãi suất thấp, để phục hồi và đón đầu các cơ hội trong năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp không vay được vốn tín dụng vẫn còn nhiều.
Mặc dù doanh nghiệp đã có sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn chưa có khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại. Chưa kể lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, cơ khí... cần đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn dài.
Do vậy, doanh nghiệp cần được hỗ trợ để dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn. Các cơ quan cũng cần nghiên cứu để hạ các điều kiện tiếp cận vốn, cho vay linh hoạt hơn, đặc biệt là yêu cầu về tài sản thế chấp. Thêm vào đó là các giải pháp kết nối để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Kỳ vọng lấy lại đà tăng trưởng
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho rằng, với nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại trên toàn cầu, cùng các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành, sản xuất công nghiệp trong nước nói chung, của thành phố Hà Nội nói riêng đã có sự phục hồi và đón nhận thêm nhiều tín hiệu tích cực dù chưa thực sự đột biến.
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới được dự báo là cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2024, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên...
Thành phố sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện… tạo đà phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Ngược lại, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt, đề xuất chính sách, đầu tư công nghệ, kỹ thuật để đáp ứng các yêu cầu tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu…
Theo sát diễn biến của kinh tế thế giới, làm tốt thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng; hướng dẫn, hỗ trợ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng; đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do, giúp doanh nghiệp nắm rõ cơ hội để thúc đẩy đầu tư sản xuất, liên kết chuỗi.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh trong nước cũng là giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ trên thị trường nội địa, giảm hàng tồn kho. Kết nối doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài để tìm kiếm đối tác, đơn hàng, thị trường thông qua các hội nghị kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm...
Diệu Anh