Nhiều kết quả nổi bật sau 1 năm tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động

03/11/2022 9:15 AM

(Chinhphu.vn) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường cho biết, sau 1 năm chính thức đi vào vận hành thương mại, đến nay tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã thu được nhiều kết quả nổi bật, góp phần xây dựng hệ thống vận tải công cộng hiện đại cho Thủ đô.

Nhiều kết quả nổi bật sau 1 năm tàu Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động - Ảnh 1.

Lượng khách đi lại thường xuyên là 5.000 - 6.000 người. Ảnh: VGP/Minh Anh

 Tạo dựng văn hóa giao thông văn minh

Cụ thể, từ 6/11/2021 đến 31/10/2022, tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông đã khai thác,vận hành 360 ngày an toàn, vận chuyển được gần 7,3 triệu lượt hành khách. Hiện trung bình mỗi ngày, tàu Cát Linh - Hà Đông có trên dưới 10.000 người đi vé tháng. Ngày bình thường có hơn 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần dao động từ 26.000 đến 28.000 lượt khách; lượng khách đi lại thường xuyên là 5.000 - 6.000 người.

Từ ngày 1/9/2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khai thác với tần suất 10 phút chuyến với 6 đoàn tàu; giờ cao điểm chạy 6 phút/chuyến với 9 đoàn tàu (lượng khách tăng khoảng 15%). Lượng khách đi trải nghiệm đến nay gần như bão hòa, còn hành khách sử dụng thường xuyên để đi làm, đi học liên tục tăng không ngừng.

"Kết quả thu được là kết quả tốt nhất trong kịch bản vận hành năm đầu đã được Bộ Giao thông vận tải thống nhất với UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty thực hiện. Đồng thời, kết quả này cũng hết sức quan trọng đánh dấu "vạn sự khởi đầu nan" của đường sắt đô thị trên "hành trình vạn dặm" chứng minh cho một phương thức vận tải công cộng khối lượng lớn, văn minh và hiện đại của thế giới", ông Vũ Hồng Trường nhấn mạnh.

Cũng theo Tổng Giám đốc Hanoi Metro, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động một thời gian và người dân nhận thấy tiện lợi, ổn định, không bị ảnh hưởng tắc đường... nên dần hình thành văn hóa tham gia giao thông công cộng bằng đường sắt đô thị. Đặc biệt, hành khách sử dụng đường sắt đô thị làm phương tiện đi lại đã chấp nhận đi bộ xa hơn trước đây và sau đó có thể chuyển loại hình xe buýt được kết nối ở các nhà ga trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trước đây, khi mới bắt đầu đi vào vận hành, trên tàu còn có hiện tượng người trẻ không nhường chỗ cho người lớn tuổi, hành khách chưa tự giác thực hiện các quy định về phòng dịch, còn xả rác ra tàu… Tuy nhiên, sau một thời gian dài, chính sự gương mẫu của những hành khách đi tàu văn minh cùng với sự nhắc nhở của nhân viên Công ty thì đến nay những hiện tượng trên đã được khắc phục, tạo nên một văn hóa tham gia giao thông văn minh, hiện đại.

"Tôi tin rằng văn hóa này không chỉ nằm ở tuyến Cát Linh - Hà Đông mà còn lan tỏa đến các tuyến đường sắt đô thị khác của Thành phố tới đây đi vào hoạt động. Và đặc biệt, nó còn lan tỏa sang các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt, taxi... Đây là một bài học hết sức quý giá. Tôi cho rằng, phương tiện vận chuyển hiện đại phục vụ văn minh thì những người sử dụng dịch vụ cũng sẽ tự thay đổi để cho phù hợp với cái chung", ông Vũ Hồng Trường cho hay.

Bước đầu tạo ra đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp

Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, chỉ sau gần một năm vận hành, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của công ty đã có sự lớn mạnh và trưởng thành nhanh chóng. Bước đầu tạo dựng được đội ngũ vận hành, khai thác đường sắt đô thị văn minh, chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo, lấy sự hài lòng của hành khách là niềm vui, là động lực để phấn đấu. Giai đoạn đầu vận hành Cát Linh - Hà Đông còn có chuyên gia ngoài vận hành, tất cả các tình huống, sự cố hoặc không bình thường đều phải phụ thuộc các chuyên gia đó trợ giúp, xử lý, nhưng đến nay toàn bộ tình huống, sự cố của tuyến đều do nhân viên của Công ty xử lý thành thạo.

Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết thêm, đây sẽ là lực lượng nòng cốt để tiếp nhận và vận hành tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội theo kế hoạch được Chính phủ và UBND Thành phố đề ra. Hơn nữa, Công ty đã có đủ nguồn lực và sự tự tin để sẵn sàng hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận hành tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Nhận định về sau một năm tuyến đường sắt đô thị số 2A đi vào hoạt động, ông Lê Trung Hiếu, Phó Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay, Cát Linh - Hà Đông đã đạt được bốn mục tiêu lớn: Thứ nhất là an toàn tuyệt đối; thứ hai là thu hút đông đảo hành khách, thuyết phục được người dân từ bỏ xe cá nhân để sử dụng vận tải công cộng; thứ ba là rút ra những bài học kinh nghiệm vô giá trong quản lý, vận hành đường sắt đô thị; thứ tư là xóa tan mọi ngờ vực, mọi dư luận trái chiều về đường sắt đô thị.

"Kết quả đó đã tạo động lực để các cấp, các ngành thành phố Hà Nội tập trung đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, sớm hoàn thiện xương sống của mạng lưới vận tải hành khách công cộng Thủ đô" - ông Lê Trung Hiếu nêu ý kiến.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường cũng nhấn mạnh, kết quả trên thực sự đã lấy được niềm tin của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Thành ủy - HĐND - UBND, các Sở, ban ngành Thành phố, đặc biệt là sự tin tưởng ủng hộ của người dân. Đây sẽ là động lực để Hà Nội đẩy nhanh tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị khác.

Ông Vũ Hồng Trường chia sẻ, sắp tới Hamoi Metro sẽ tiếp tục triển khai một số dịch vụ tiện ích, giá trị cao nhằm phục vụ hành khách tốt hơn tại các nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 2A. Đồng thời, nghiên cứu, nâng cấp hệ thống vé theo hướng tiện lợi hơn.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng chỉ ra 7 nhóm công việc phải làm để đảm bảo quản lý, vận hành tốt đường sắt đô thị, đó là: xây dựng mô hình tổ chức; tuyển dụng và đào tạo nhân lực; xây dựng quy trình duy tu, bảo dưỡng, vận hành toàn hệ thống; xây dựng chính sách giá vé; vận hành thử, tư vấn hỗ trợ vận hành khai thác giai đoạn đầu; chuẩn bị nguồn kinh phí trợ giá.

"Từ bài học thành công và kinh nghiệm của tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông, chúng tôi rất tự tin sẽ tiếp nhận, vận hành tuyến Nhổn - Ga Hà Nội hiệu quả, thành công", ông Vũ Hồng Trường nói.

Minh Anh

Top