Nhiều sáng tạo trong phát triển văn học, nghệ thuật của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Sau 15 năm, Hà Nội có nhiều chuyển biến tích cực về phát triển văn học, nghệ thuật với những khuynh hướng mới, sự phát triển các mô hình không gian sáng tạo… đã góp phần thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
![Nhiều sáng tạo trong phát triển văn học, nghệ thuật của Thủ đô - Ảnh 1. Nhiều sáng tạo trong phát triển văn học, nghệ thuật của Thủ đô - Ảnh 1.](https://tl.cdnchinhphu.vn/thumb_w/640/344445545208135680/2023/9/11/van-hoa-1694425229583225756139.jpg)
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Thành ủy Hà Nội đánh giá, Hà Nội đã tập trung phát triển mạnh mẽ nguồn lực văn hóa sẵn có của Thủ đô, trong đó văn học, nghệ thuật giữ vị trí, vai trò quan trọng.
Sự sáng tạo đã tạo ra nguồn lực và động lực mới cho văn học, nghệ thuật
Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch "Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc", thể hiện qua các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự phát triển của Thành phố và con người của mảnh đất hơn một nghìn năm văn hiến được thể hiện qua các loại hình: Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc, nghệ thuật Múa...
Việc sáng tạo, sáng tác trên chất liệu truyền thống hay đổi mới, cách tân thì các tác phẩm vẫn luôn phản ánh chân thực cuộc đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của Nhân dân; sáng tác về đề tài lịch sử, chiến tranh hay cuộc sống đương đại, các tác giả đều đã dựa trên nền tảng mỹ học truyền thống để lý giải và tìm câu trả lời cho những vấn đề của dân tộc, nhân sinh, góp phần đẩy lùi cái ắc, cái xấu, cái lạc hậu, thấp hèn, vì sự tiến bộ và phát triển của xã hội, mang đến cho cuộc sống những giá trị nhân văn tốt đẹp, trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm.
Những năm qua, nền văn học nghệ thuật Thủ đô không tách rời dòng chảy văn học nghệ thuật Việt Nam, do đó, bên cạnh khuynh hướng kế thừa, phát triển truyền thống, còn có sự xuất hiện khuynh hướng mới.
Đó là, khuynh hướng cách tân, hình thức đang ngày càng được các tác giả, đặc biệt là các tác giả trẻ tìm tòi, thể nghiệm, qua đó thể hiện sự nhạy bén với cái mới, tìm kiếm những phương thức biểu đạt mới như là một đòi hỏi tất yếu của sự sáng tạo. Bước đầu sự tìm tòi, đổi mới đã thu được những kết quả đáng ghi nhận, khẳng định sự nhập cuộc và phát triển không ngừng của văn học, nghệ thuật để mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới.
Đáng chú ý nhất hiện nay chính là khuynh hướng thị trường với những tác động ngày càng sâu sắc đến đời sống văn học nghệ thuật. Mặt tích cực của nó là tạo ra nhiều nguồn lực và động lực mới cho văn học nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định giá trị to lớn hơn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới, nhất là bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ.
Với ưu thế của các nền tảng số, không gian mạng, âm thanh trực tuyến tạo ra nhiều hình thức phát hành, xuất bản mới như sách điện tử, phim chiếu trên mạng, nhạc số... đã tạo cơ hội cho không ít nghệ sĩ thử nghiệm sáng tác bằng tiếng nước ngoài, hoặc chọn thị trường quốc tế để công bố tác phẩm. Cùng với đó là sự xuất hiện một số trào lưu, xu hướng nghệ thuật và sự nở rộ của hình thức "tự xuất bản" trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử.
Đặc biệt, từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện với diễn biến phức tạp, không ít cá nhân, hoặc tập thể người làm nghệ thuật tập trung vào các phương thức phát hành, xuất bản phi truyền thống... điều đó cho thấy sự sáng tạo, "thích ứng linh hoạt" của nhiều người làm nghệ thuật.
Thay vì các nghệ sĩ biểu diễn ở nhà hát theo cách truyền thống thì biểu diễn trực tuyến trên nền tảng kỹ thuật số với "Nhà hát online", "Phòng trưng bày online", các vở diễn, chương trình có thể đến được với khán giả trong và ngoài nước, bất chấp dịch bệnh bằng hình thức ghi hình trực tuyến phát sóng trên truyền hình cũng thu hút một lượng khán giả hưởng ứng.
Nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước
Đặc biệt, việc Thành phố Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO và Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa với định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là điểm đột phá chiến lược, đã mở ra cơ hội mới, diễn đàn, sân chơi rộng lớn để phát huy giá trị các di sản văn học nghệ thuật, để văn học nghệ thuật Thủ đô Hà Nội ngày càng khẳng định vai trò, vị thế của mình, thúc đẩy khát vọng vươn lên, tiến tới định vị thương hiệu văn học nghệ thuật Thủ đô, của Việt Nam trên bản đồ điểm sáng văn học nghệ thuật toàn cầu.
Theo Thành ủy Hà Nội, điểm nhấn trong hoạt động sáng tạo của Thành phố Hà Nội là Hà Nội với bề dày ngàn năm văn hiến, có kho tàng di sản phong phú và đa dạng, là Thủ đô và trái tim của cả nước, là một trong những thành phố tổ chức nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế quan trọng của cả nước. Chính điều này là tiền đề tạo ra thương hiệu mới cho Thành phố, nhất là sự kiện Hà Nội chính thức là thành phố đầu tiên của Việt Nam, Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á tham gia vào Mạng lưới các "Thành phố sáng tạo" của UNESCO, lấy "thiết kế sáng tạo" là mục tiêu xây dựng và phát triển.
Một điểm nhấn quan trọng nữa là việc Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó chủ yếu là các ngành/lĩnh vực nghệ thuật: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo.
Hà Nội hiện là địa phương có nhiều không gian sáng tạo nhất cả nước với khoảng hơn 200 không gian sáng tạo - nơi nuôi dưỡng và phát triển các tài năng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.
Thành phố đã tạo ra rộng khắp các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật như: Không gian đi bộ hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã, Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, Hoàng thành Thăng Long, công viên Lý Thái Tổ, công viên Thống Nhất, các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà văn hóa… Nhờ đó đã gây được ấn tượng mạnh đối với người dân Thủ đô, thu hút sự quan tâm của các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế, đó là sự phát triển tạo ra không khí văn hóa, nghệ thuật sáng tạo bao trùm Thành phố.
Cùng với đó là sự phát triển các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cộng đồng (khoảng gần 200 không gian sáng tạo) hoạt động khá hiệu quả, thu hút cộng đồng tham gia sáng tạo văn hóa: The vuon, Hanoi Creative City, Heritage space..., đây được xem là nền tảng tiền đề quan trọng để khai thác và phát huy tối đa sức sáng tạo, sự đóng góp của cộng đồng, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành "Thành phố sáng tạo", góp phần thúc đẩy nền văn học nghệ thuật Thủ đô phát triển nhanh, bền vững.
Gia Huy