Nhiều tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp

08/07/2024 4:47 PM

(Chinhphu.vn) - Theo Cục Thống kê TP. Hà Nội, nhờ có nhiều giải pháp, biện pháp tích cực giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nên bước sang quý II/2024, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Hà Nội có nhiều tín hiệu tích cực.

Nhiều tín hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp- Ảnh 1.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.Ảnh: VGP/Minh Anh

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II/2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn Thành phố tăng 5,1%; sản xuất, phân phối điện và cung cấp nước, xử lý rác, nước thải tăng 10,7%; khai khoáng tăng 2,3%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,1%; sản xuất và phân phối điện tăng 13%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,7%; khai khoáng giảm 3,6%.

Một số ngành chế biến, chế tạo có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 14,6%; sản xuất máy móc thiết bị tăng 13,8%; công nghiệp chế biến chế tạo tăng 9,1%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 8,8%.

Trong khi đó, một số ngành có chỉ số IIP giảm so với cùng kỳ như: Sản xuất xe có động cơ và chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,1%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc giảm 3,7%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 1,7%; sản xuất đồ uống giảm 0,6%.

Đối với chỉ số tiêu thụ sản phẩm toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 13,1% so với cùng kỳ, trong đó, bên cạnh một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ tăng như: Sản xuất thuốc, hóa được và dược liệu tăng 36,2%; sản xuất dệt tăng 31,6%; in, sao chép bản ghi tăng 30,6%;... thì một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm như: Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 39,2%; sản xuất da và sản phẩm liên quan giảm 22,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 6,1%; sản xuất kim loại giảm 5%.

Còn đối với chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính thời điểm 30/6/2024 giảm 30,1% so với cuối quý II/2023, trong đó một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh so với cùng kỳ như: Sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm 93,8%; sản xuất máy móc, thiết bị giảm 70,2%; dệt giảm 61,6%; phương tiện vận tải giảm 50,6%; sản phẩm thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 40,7%.

Một số ngành công nghiệp có chỉ số tồn kho tăng như: Sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 47,4%; trang phục tăng 26,5%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 19,3%; sản xuất kim loại tăng 15,6%; sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 13,9%.

Ngoài ra, nhờ tình hình sản xuất khả quan, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cũng giữ được ổn định, có lúc giảm nhẹ. Ước tính đến đến cuối tháng 6 năm 2024, lao động việc làm tại lĩnh vực công nghiệp tăng 0,3% so với cuối tháng trước và tương đương cùng thời điểm năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó lao động đang làm việc trong doanh nghiệp khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,2%; khu vực ngoài Nhà nước giảm 2,8%; khu vực Nhà nước tăng 1,2%. Chia theo ngành kinh tế, lao động đang làm việc trong ngành chế biến, chế tạo giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2023; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 0,4%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 1,8%; ngành khai khoáng tăng 18,9%.

Minh Anh

Top