Nhu cầu lao động Hà Nội tăng cao hơn vào dịp cuối năm
(Chinhphu.vn) - Trung tâm Dịch vụ việc làm (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) cho biết, từ nay đến cuối năm 2022, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng lên để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn (Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2023).
Cùng với đó, xu hướng tuyển dụng các tháng cuối năm cũng rất đa dạng. Những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ sẽ có nhu cầu tuyển dụng lớn; tiếp đến là các ngành liên quan đến sản xuất như cơ khí, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may da giày, xây dựng, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe, thương mại điện tử…
Theo Trung tâm, hiện nay Công ty Cổ phần Vinhome cần tuyển 10.000 lao động phổ thông làm việc tại các dự án, công trình xây dựng của công ty này tại phía Bắc. Các vị trí tuyển dụng gồm: Thợ xây, thợ trát, thợ sơn bả, phụ việc, mức lương từ 7 - 25 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Hanel cần tuyển 100 công nhân làm việc tại KCN Sài Đồng B (quận Long Biên); Công ty TNHH Durian cần tuyển hơn 300 công nhân may, kiểm hàng, cắt, là, nhân viên bảo trì, thợ sửa máy, kế toán… làm việc tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì); Chi nhánh khai thác tòa nhà đường sắt Hà Nội tuyển 50 nhân viên điều hành chạy tàu trên đường sắt quốc gia với mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng cùng hỗ trợ tiền ăn ca 730 nghìn đồng và các phụ cấp khác...
Nhận định về mức lương và đãi ngộ dành cho người lao động trong bối cảnh "khát" nhân lực như hiện nay, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, tùy từng vị trí việc làm và yêu cầu cạnh tranh, sẽ có những ngành nghề được người sử dụng lao động tăng lương.
"Các công ty sẽ áp dụng mức lương tương đối linh hoạt, thưởng hấp dẫn để thu hút người lao động đăng ký ứng tuyển và làm việc"- ông Vũ Quang Thành nói.
Để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, từ nay đến cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức nhiều phiên chuyên đề về tuyển dụng để kết nối người lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ông Thành, mấu chốt vẫn là làm sao tháo gỡ được vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. Để có được những lao động có chất lượng, tay nghề cao thì cần triển khai gắn giữa đào tạo với các cơ sở và doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia tư vấn về quản trị doanh nghiệp khác cũng cho rằng, để có thể thu hút, giữ chân người lao động trong bối cảnh nhu cầu tuyển dụng tăng cao mà việc tuyển dụng lại không dễ dàng, thì vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Cụ thể, doanh nghiệp cần có các chính sách hấp dẫn về tiền lương, thu nhập, chế độ khác để thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề.
9 tháng đầu năm 2022, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng 51.531 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 44% so với 9 tháng đầu năm 2021. Trong đó, có 53.250 lao động tạo được việc làm từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 2.504 tỷ đồng.
Minh Anh