Phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội
(Chinhphu.vn) - Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phục hồi kinh tế, thành phố Hà Nội hiện đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phát triển thị trường lao động một cách toàn diện, giúp người lao động có nhiều cơ hội việc làm, tạo tiền đề vững chắc, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Chỉ tiêu giải quyết việc làm tăng đáng kể
Nhằm cụ thể hóa Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025", năm 2022, UBND TP Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và các biện pháp cụ thể để hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Toàn Thành phố phấn đấu năm 2022 giải quyết việc làm mới cho 160 nghìn lao động; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%.
Thành phố tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động, góp phần huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, bảo đảm kết nối thị trường lao động trên địa bàn với thị trường lao động của cả nước.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, Thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho 153.523/160.000 lao động, đạt 96% KH năm, tăng 38.728 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 33,7% so với 8 tháng đầu năm 2021. Trong đó, tạo việc làm cho 51.024 lao động từ nguồn vốn ngân sách Thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tền là 2.388 tỷ đồng; số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 11.305 lao động; đưa 1.300 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đòng; số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 89.894 lao động. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức 124 phiên giao dịch việc làm với 3.073 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với 7.832 lao động được tuyển dụng.
Bên cạnh đó, 8 tháng đầu năm, Thành phố cũng đã tiếp nhận, thẩm định và ra quyết định hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 65.056 người, kinh phí hỗ trợ là 1.665 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 1.201 người.
Ngoài ra, đến nay các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn Thành phố đã tuyển sinh và đào tạo cho 158.358 lượt người, đạt 70,54% kế hoạch tuyển sinh năm 2022; tăng 140% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho hay, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; các lĩnh vực của ngành đều được chỉ đạo sát sao. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo được các quận, huyện, thị xã quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, trong đó chỉ tiêu giải quyết việc làm đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021 và gần hoàn thành kế hoạch giao trong năm 2022; chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động Quyết định 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh thực hiện theo, đem lại hiệu quả thiết thực cho người lao động. Nhìn chung, công tác thực hiện an sinh đối với các đối tượng xã hội trên địa bàn Thành phố cơ bản vẫn được duy trì tốt và bảo đảm.
Tiếp tục các giải pháp linh hoạt
Để hướng đến một thị trường lao động phát triển bền vững, UBND TP Hà Nội có kế hoạch thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động thành phố Hà Nội đến năm 2030". Theo đó, thành phố đặt mục tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 55-60% vào năm 2025 và đạt trên 60% vào năm 2030 (mỗi năm đào tạo nghề cho 230.000 lượt người; giải quyết việc làm cho ít nhất 160.000 người); tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80% vào năm 2025 và 90% vào năm 2030...
Hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, Thành phố đã đưa ra giải pháp trọng tâm là hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động... Trong đó, các đơn vị, địa phương của thành phố phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động theo sát nhu cầu của thị trường việc làm.
Trưởng phòng Dạy nghề (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội) Lê Minh Thảo cho biết, hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Thủ đô đang gắn kết với gần 600 doanh nghiệp để tuyển sinh, đào tạo nghề, bảo đảm người học sẽ có việc làm sau khi tốt nghiệp. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã phối hợp với Hiệp hội Thang máy Việt Nam và một số đơn vị liên quan thành lập Trung tâm Đào tạo ngành kỹ thuật thang máy.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám thông tin, thông qua việc triển khai đề án "Đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động huyện Đông Anh giai đoạn 2020-2025", huyện sẽ thường xuyên điều tra, cập nhật thông tin để việc đào tạo nguồn nhân lực bám sát thị trường việc làm, đặc biệt quan tâm đến những ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện và Thủ đô. Trong năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 17.526 người lao động, trong đó hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho 4.399 người.
Ngoài những cách làm kể trên, bà Bạch Liên Hương chia sẻ, Thành phố cũng chú trọng đến bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động bằng việc nâng cao tỷ lệ người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tăng cường hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên; tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm... Đặc biệt, đến năm 2025, Thành phố sẽ hoàn thành việc ứng dụng các phần mềm, hệ thống kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu và thực hiện chuyển đổi, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động... Đây chính là những yếu tố nền tảng để phát triển thị trường lao động một cách toàn diện, bền vững, giúp người lao động có nhiều cơ hội tốt hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh triển khai đề án "Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống sàn giao dịch việc làm TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo".
Bên cạnh các phiên tổ chức định kỳ, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hoạt động của hệ thống này thực sự là "cú hích" mạnh mẽ, góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động Thủ đô.
Khẳng định việc triển khai hiệu quả Chương trình số 08-CTr/TU sẽ góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, từng bước thay đổi bức tranh nông thôn, mới đây, đồng chí Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đã yêu cầu các quận, huyện cần đưa các nội dung của chương trình vào đời sống bằng nhiều giải pháp linh hoạt, khả thi. Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; tăng cường truyên truyền giúp người dân hiểu rõ những giá trị an sinh, nhân văn do chương trình mang lại, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận.
Minh Anh