Những bác sĩ thầm lặng tận tâm vì sức khỏe nhân dân

27/02/2023 8:35 AM

(Chinhphu.vn) - Hướng đến ngày truyền thống thiêng liêng và cao quý của ngành Y tế- Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, gác lại niềm vui chung để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, có rất nhiều các y, bác sĩ vẫn đang lặng lẽ, âm thầm ngày đêm cống hiến, không quản ngại gian khổ, khó khăn để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Những bác sĩ thầm lặng tận tâm vì sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Bác sĩ Lê Văn Sơn đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Lê Văn Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Mê Linh cho biết, anh sinh ra và lớn lên trên mảnh đất của làng quê Văn Quan, xã Văn Khê, huyện Mê Linh. Ước mơ trở thành bác sĩ được anh ấp ủ từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Y Hải Phòng, anh Sơn về công tác tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK huyện Mê Linh. Để trở thành bác sĩ vững vàng về chuyên môn anh đã không ngừng học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm và cập nhật những kỹ thuật, tiến bộ mới của y khoa để có thể ứng dụng vào cứu chữa, chăm sóc cho người bệnh. Chính nhờ vậy, bác sĩ Sơn cùng các đồng nghiệp đã cứu chữa thành công cho rất nhiều bệnh nhân.

Là bệnh viện tuyến huyện nên việc cấp cứu thành công bước đầu cho người bệnh đóng vai trò hết sức quan trọng. Khoa Hồi sức tích cực có nhiệm vụ tiếp nhận, điều trị những người bệnh nặng nhất từ các khoa khác chuyển đến, với phương châm "tất cả vì người bệnh" và "cứu chữa cho người bệnh" là nhiệm vụ cao nhất của người bác sĩ. Chính vì vậy, dù công việc của Khoa có nhiều vất vả, áp lực và bận rộn "luôn chân luôn tay" nhưng bác sĩ Sơn vẫn sắp xếp linh hoạt để để học nâng cao chuyên môn, phục vụ tốt nhất cho bệnh nhân. Theo đó, đến năm 2013, bác sĩ Sơn đã tốt nghiệp Chuyên khoa I về Cấp cứu - Hồi sức.

Theo Giám đốc BVĐK  huyện Mê Linh Trần Quang Thịnh, bác sĩ Sơn đã được đào tạo bài bản, vững vàng về chuyên môn, đồng thời cũng rất tích cực cập nhật các kiến thức mới cũng như các quy định về điều trị. Mặc dù có nhiều áp lực nhưng điều đáng quý mà bác sĩ Lê Văn Sơn luôn có được chính là thái độ ân cần, gần gũi đối với bệnh nhân, trong những lúc nguy kịch bác sĩ vẫn giữ được sự bình tĩnh, quyết đoán và đã tiếp thêm được sức mạnh cho bệnh nhân. Điều đó đã góp phần không nhỏ vào thành công của các ca cấp cứu, trong đó có những ca nặng, phức tạp. Bác sĩ Lê Văn Sơn chính là tấm gương để các y, bác sĩ trẻ học tập trong rèn luyện y đức và trau dồi về y khoa…

Ngoài công tác chuyên môn, bác sĩ Lê Văn Sơn còn dành nhiều thời gian để nghiên cứu khoa học. Năm 2019, anh đã hợp tác với Thạc sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Quy - Phó Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK huyện Mê Linh cùng chủ nhiệm Đề tài "Nghiên cứu khoa học về Nội soi tiêu hóa, thận". Đề tài đã được đánh giá cao và được Ban Giám đốc áp dụng vào thực tiễn khám, chữa bệnh tại bệnh viện, đem lại hiệu quả cao trong khám điều trị cho bệnh nhân.

Nhờ sự lãnh đạo của bác sĩ Lê Văn Sơn, tập thể cán bộ, y, bác sĩ Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc của BVĐK Mê Linh đã dành được nhiều thành tích cao trong công tác khám, chữa bệnh… Năm 2021, Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc BVĐK  huyện Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đối với bác sĩ Lê Văn Sơn, trong 15 năm công tác với tinh thần trách nhiệm cao, ở cương vị nào bác sĩ cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vì vậy bác sĩ đã được UBND thành phố Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội tặng Bằng Khen, UBND huyện Mê Linh tặng nhiều Giấy khen và nhiều năm liền đạt danh hiệu Lao động tiên tiến.

Những bác sĩ thầm lặng tận tâm vì sức khỏe nhân dân - Ảnh 2.

Bác sĩ Trần Trung Kiên cùng đồng nghiệp phẫu thuật, điều trị cho người bệnh. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Cùng chung ước mơ cháy bỏng trở thành người thầy thuốc, bác sĩ Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Đức Giang cho biết, dù anh không sinh ra trong gia đình có truyền thống về nghề y, gia đình lại nhiều khó khăn. Nhưng với ước mơ được trở thành bác sĩ, anh đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn để học tập, bồi dưỡng kiến thức để thi đỗ vào ngành Y. Sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, anh tập trung vào chuyên ngành ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình và về công tác tại BVĐK Đức Giang.

Trong khoảng 20 năm công tác, bác sĩ Trần Trung Kiên luôn được các đồng nghiệp đánh giá là bác sĩ tận tâm, tận lực và cống hiến không ngừng nghỉ vì sự nghiệp ngành Y cũng như chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Với đặc thù của Khoa chấn thương chỉnh hình, nên trong khoảng 20 năm làm nghề anh đã chứng kiến nhiều trường hợp bị tai nạn khi tuổi đời còn rất trẻ, có những ca nặng phải trở thành tàn phế. Chính vì vậy, bản thân anh cũng như các đồng nghiệp luôn tự nhủ phải nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện nhiều hơn để nâng cao chuyên môn cũng như rèn rũa y đức để có thể cứu chữa được nhiều hơn, tốt hơn nữa cho các ca bệnh.

Theo đó, để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, trong hai năm 2007 và 2008, bác sĩ Kiên đã theo học cao học chuyên ngành chấn thương tại Học viện Quân y. Đồng thời anh còn thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn nghiệp vụ với các thầy, đồng nghiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Hay đến những đất nước có nền y khoa phát triển như: Pháp, Tây Ban Nha… để học hỏi, nâng cao chuyên môn cũng như cập nhật những kỹ thuật cao, kỹ thuật mới.

Ngoài ra, bác sĩ Kiên cũng tạo điều kiện để những đồng nghiệp trẻ của bệnh viện được học tập, nâng cao kiến thức… Bác sĩ cũng đã trực tiếp hoặc tham gia cùng các đồng nghiệp thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở; triển khai chuyển giao các kỹ thuật cao cho các bệnh viện tuyến huyện (BVĐK: Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn…).

Với những cống hiến, đóng góp của bác sĩ Trần Trung Kiên cùng đồng nghiệp, thời gian qua, tuy là bệnh viện hạng I của thành phố nhưng BVĐK Đức Giang đã triển khai được nhiều kỹ thuật cao trong chuyên ngành ngoại khoa, chấn thương chỉnh hình, như: Thay khớp háng, bơm xi măng, nội soi khớp gối, nẹp vít cột sống bằng robot, phẫu thuật sọ não… không thua kém các bệnh viện tuyến trung ương. Nhất là trong gian gần đây, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật dùng sóng cao tần để đốt, can thiệp bệnh đau khớp mãn tính, giúp bệnh nhân chưa phải thay khớp hoặc chưa muốn thay cải thiện được khả năng vận động. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc cứu chữa, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn Thủ đô.

Thiện Tâm

Top