Nỗ lực bình ổn hàng hóa trước giá xăng tăng
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình giá xăng tăng cao, ngành Công Thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, từ đầu tháng 6/2022 đến nay nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10%-30% so với thời điểm cuối tháng 5.
Cụ thể, giá bắp cải trắng tăng từ 12.000 đồng lên 20.000 đồng/kg; cải xanh từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/mớ; cà chua từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng/kg.
Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng trứng gia cầm, hiện trứng gà ta lên đến 55.000 đồng/1 chục, trứng gà công nghiệp lên 37.000 đồng/1 chục. Trên các sàn thương mại điện tử, trứng gà loại 2 được bán 35.000 - 38.000 đồng/1chục, loại 1 có giá 45.000 - 48.000 đồng/1chục.
Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mỳ tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự, trong đó, mặt hàng dầu ăn tăng 10%-20% so với thời điểm đầu năm. Nếu như trước Tết Nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai, nhưng hiện mặt hàng này được bán với giá 60.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/1 lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.
Đại diện hệ thống WinMart cho biết, để hỗ trợ người tiêu dùng, hệ thống siêu thị WinMart liên tục tổ chức chương trình giảm giá mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu. Đơn cử, nước mắm cá cơm TP 67.000 đồng còn 52.500 đồng/chai 610ml, dầu ôliu Oilvoil 92.500 đồng còn 78.600 đồng/chai; dầu đậu nành Simply từ 149.500 đồng còn 125.300 đồng/chai 2 lít.
Nhằm giúp người tiêu dùng tiết kiệm mua sắm giữa thời điểm "bão giá", hiện 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên cả nước tổ chức chương trình khuyến mại "Mua nhiều ưu đãi lớn", qua đó giảm giá 15% cho mặt hàng thực phẩm, rau xanh. Đồng thời siêu thị Co.opmart đưa ra thị trường sản phẩm nhãn riêng Co.op Select với giá thấp hơn 20% sản phẩm tương tự.
Theo các chuyên gia kinh tế, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2022 là rất lớn, bởi ngoài ảnh hưởng của giá xăng dầu, thì nhóm hàng thực phẩm và nguyên liệu đầu vào tăng giá cũng gây áp lực lên lạm phát.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ,PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế Học viện Tài chính nhấn mạnh, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có tác động lan tỏa làm đẩy giá một số mặt hàng khác trong đời sống tăng theo. Song, tốc độ tăng giá các loại hàng hóa hiện tại đang quá nhanh, nhiều loại hàng hóa bị định giá lại, tạo nên mặt bằng giá mới.
Để bảo đảm ổn định thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, từ đó có biện pháp điều tiết kịp thời. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Ngoài ra, phối hợp với sở công thương các địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng để kịp thời có biện pháp điều hành hoặc có kiến nghị, đề xuất hợp lý nhằm bình ổn thị trường.
Về phía địa phương, để ngăn chặn hiện tượng tăng giá bất hợp lý, nhất là mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, ngành Công Thương Hà Nội sẽ cùng các doanh nghiệp nỗ lực bình ổn giá, không để xảy ra hiện tượng khan hiếm hàng hóa.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng tập trung kết nối cung cầu, bảo đảm sản xuất; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, giảm nguồn cung hàng hóa từ các tỉnh để giảm chi phí kho bãi, qua đó hạn chế tối đa việc tăng giá hàng hóa.
Diệu Anh