Nỗ lực cải cách, tạo thế và lực mới cho tăng trưởng bền vững

03/07/2025 4:46 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội đang nỗ lực toàn diện trong cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy hạ tầng và sắp xếp bộ máy hành chính, tạo thế và lực mới cho mục tiêu tăng trưởng bền vững.

Nỗ lực cải cách, tạo thế và lực mới cho tăng trưởng bền vững- Ảnh 1.

TP. Hà Nội sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Ảnh minh họa

Tăng trưởng GRDP quý I khá cao

Trong 6 tháng đầu năm 2025, tình hình thế giới liên tục xuất hiện nhiều diễn biến mới, khó khăn, thách thức hơn. Xung đột, căng thẳng leo thang, kéo dài tại Nga - Ukraina, Trung Đông… Chiến tranh thương mại toàn cầu diễn ra khi Mỹ áp thuế đối ứng lên nhiều nước trên thế giới, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn đã đáp trả mạnh mẽ.

Trong nước, TP. Hà Nội quyết liệt triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, tăng trưởng GRDP quý I khá cao tạo tiền đề thực hiện hoàn thành mục tiêu năm 2025 tăng trưởng 8% trở lên.

Cụ thể, GRDP quý I đạt được khá tích cực, tăng trưởng gấp 1,35 lần so với cùng kỳ và cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm. GRDP tăng 7,35% (cùng kỳ tăng 5,44%; kịch bản đề ra đầu năm là 7,21%). Trong đó, các ngành đều tăng khá cao: dịch vụ tăng 8,34% - gấp 1,4 lần cùng kỳ (5,98%), cao hơn kịch bản đầu năm (8,05%); công nghiệp tăng 5,36%, xây dựng tăng 5,9% - đều cao hơn cùng kỳ.

Cân đối thu - chi ngân sách được bảo đảm. Kim ngạch xuất, nhập khẩu phục hồi tích cực, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ.

Đặc biệt, thu hút FDI đạt kết quả ấn tượng, tạo động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Đến nay, thu hút vốn FDI của Thành phố đạt 61,47 tỷ USD - một con số cho thấy sức hấp dẫn đầu tư dài hạn của Thủ đô.

Công tác chuyển đổi số chuyển biến tích cực; Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) của Hà Nội tăng liên tục 3 năm, tăng 19 bậc từ năm 2021 đến nay; xếp hạng nhất trong cả nước về chỉ số công nghiệp CNTT, giữ vị trí thứ 2 trong bảy năm liên tiếp về chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, đứng đầu về chỉ số quản trị điện tử và dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024.

Đáng chú ý, TP. Hà Nội đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, đất đai...; đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn: khởi công dự án cầu Tứ Liên (tổng mức đầu tư gần 20,2 nghìn tỷ đồng); đẩy nhanh giải ngân các dự án như: đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô (đã giải ngân 16,4% kế hoạch vốn); đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) (đã giải ngân 51,2% kế hoạch vốn); Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai (đã giải ngân 19,6% kế hoạch vốn); tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long nối Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình (đã giải ngân 29,5% kế hoạch vốn) và dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá (đã giải ngân 37,2% kế hoạch vốn)…

Song song với phát triển hạ tầng, Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính. Thành phố đã sắp xếp, tinh gọn bộ máy quản lý từ cấp sở đến xã, với việc giảm 6 sở, 4 chi cục, 48 phòng cấp sở và 61 phòng cấp quận/huyện. Từ ngày 1/7, 126 xã, phường mới sẽ đi vào vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp, đánh dấu bước tiến quan trọng trong tinh gọn tổ chức và nâng cao hiệu quả điều hành.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số

Trong thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ, vận hành thông suốt, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.

Thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trên mọi lĩnh vực, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo môi trường minh bạch, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận khai thác thông tin.

TP. Hà Nội tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công 2025. Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường;

Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, cầu Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.

Cùng với đó, Thành phố sẽ thúc đẩy sản xuất công nghiệp, nâng cao hiệu quả, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thu hút các dự án đầu tư công nghiệp lớn có vai trò quan trọng nhằm gia tăng năng lực sản xuất trên địa bàn…

Diệu Anh

Top