Nỗi lo nước không bảo đảm chất lượng của người dân KĐT Thanh Hà

21/10/2023 9:06 AM

(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng Khu đô thị Thanh Hà thiếu nước sạch, chất lượng nước không bảo đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã yêu cầu Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị tập trung mọi biện pháp nhanh nhất để bổ sung nguồn nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và có giải pháp bảo đảm cấp nước ổn định lâu dài cho người dân.

Nỗi lo nước không bảo đảm chất lượng của người dân KĐT Thanh Hà - Ảnh 1.

Nguồn nước ở KĐT Thanh Hà có màu đen, đục làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Từ đầu tháng 10 đến nay, cư dân sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, thuộc địa bàn quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Hà Nội liên tục phản ánh việc thiếu nước sạch và chất lượng nước không bảo đảm, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Sự việc càng trở nên trầm trọng hơn khi Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà, đơn vị cung cấp nước cho khu đô thị dừng việc khai thác, cấp nước cho các tòa nhà bắt đầu từ ngày 14/10 khiến lượng nước cấp cho cư dân bị thiếu hụt nghiêm trọng.

Dự án Khu đô thị Thanh Hà được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2008 và UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch năm 2015, với tổng nhu cầu dùng nước sinh hoạt khoảng 27.000 m3/ngày đêm. Tổng Công ty Công trình giao thông 5-CTCP đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Công ty CPPT) để triển khai dự án.

Năm 2017, Công ty CPPT địa ốc Cienco 5 ký hợp đồng với Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà để đầu tư xây dựng, vận hành quản lý, ưu tiên kinh doanh hệ thống cấp nước phục vụ cho toàn bộ cư dân trong Khu đô thị Thanh Hà, đưa vào vận hành cấp nước sinh hoạt từ tháng 7/2017 và đề xuất xây dựng trạm cấp nước cục bộ trong Khu đô thị Thanh Hà.

Để cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà, UBND thành phố Hà Nội đã cho phép Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà triển khai trạm cấp nước cục bộ công suất 10.000 m3/ngày đêm với chất lượng nước theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, lượng nước còn lại được cấp từ hệ thống cấp nước tập trung của thành phố.

Tuy nhiên đến nay, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà mới đầu tư xây dựng một trạm xử lý nước ngầm theo tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, với công suất 5.000 m3/ngày đêm. Để bảo đảm chất lượng nước, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà khai thác nước ngầm với sản lượng khoảng 1.500 m3/ngày đêm và bổ sung nguồn nước từ Nhà máy nước sông Đuống để cấp nước cho Khu đô thị Thanh Hà.

Việc khai thác, xử lý nước ngầm và công tác vận hành hệ thống cấp nước chưa đúng tiêu chuẩn, dẫn đến tình trạng nước không bảo đảm chất lượng và thiếu hụt.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước sạch không bảo đảm chất lượng và thiếu hụt, đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà cho biết, do nước sạch từ các đơn vị khác cung cấp không đủ, cho nên đơn vị này đã sử dụng nước giếng khoan để cấp bù cho các hộ dân. Vì thay đổi lưu lượng và việc bổ sung nước sạch quá gấp, cho nên đơn vị chưa kịp thời xử lý các vấn đề về chất lượng.

Theo quy định pháp luật về quản lý đầu tư phát triển đô thị, chủ đầu tư dự án có trách nhiệm tổ chức khai thác cung cấp dịch vụ đô thị, bảo đảm phục vụ nhu cầu của dân cư đến ở theo đúng mục tiêu của dự án. Vì thế, việc bảo đảm nước sạch phục vụ người dân Khu đô thị Thanh Hà thuộc trách nhiệm chủ đầu tư dự án.

Để bảo đảm cấp nước ổn định cho người dân Khu đô thị Thanh Hà, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Công ty Nước sạch Hà Đông phối hợp Công ty cổ phần Nước mặt sông Đuống, Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà, Công ty CPPT địa ốc Cienco 5, Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà, Công ty cổ phần Nước sạch Nam Hà Nội điều tiết nguồn nước cấp ổn định cho Khu đô thị Thanh Hà.

Công ty CPPT địa ốc Cienco 5 phối hợp Công ty cổ phần Nước sạch Thanh Hà khẩn trương xây dựng kế hoạch cải tạo Trạm cấp nước cục bộ trong khu đô thị bảo đảm công suất thiết kế và chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế, hoàn thành trước ngày 31/1/2024.

Ngay sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội, từ chiều 18/10, các đơn vị chức năng đã nhanh chóng phối hợp, điều tiết lưu lượng nước sạch cấp cho Khu đô thị Thanh Hà tăng lên hơn 110 m3/giờ, tương đương 2.500-2.600 m3/ngày đêm.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong một đến hai ngày tới, lượng nước sạch cấp cho Khu đô thị Thanh Hà sẽ tiếp tục tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Người dân KĐT Thanh Hà vẫn thiếu nước sinh hoạt

Theo một nhân viên kỹ thuật Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà, sau khi có sự hỗ trợ nguồn cung nước từ Nhà máy nước mặt Sông Đuống, đơn vị này đã triển khai cấp nước luân phiên cho hơn chục tòa nhà trong buổi sáng và buổi chiều sẽ tiếp tục thực hiện cấp nước.

Đến chiều ngày 20/10, ghi nhận của phóng viên cho thấy nước sạch đổ về các toà chung cư thuộc Khu đô thị Thanh Hà từ 18h ngày 18/10, tuy nhiên do lượng nước ít nên các tòa nhà bị mất nước luân phiên. Bên cạnh đó, người dân Khu đô thị Thanh Hà cũng nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, trong tối ngày 19/10, một số xe bồn chở nước chuyên dụng đến cung cấp nước sạch cho cư dân đến khoảng 1h sáng ngày 20/10. Thậm chí có một số gia đình là cư dân ở KĐT Thanh Hà có điều kiện đã chung tay góp tiền để mua nước sạch hỗ trợ cho người dân.

Chị Phạm Thị Dung, trú tại tòa HH03C cho biết, 2 ngày nay nhà chị được cấp nước trở lại, tuy nhiên mỗi ngày chỉ được cấp khoảng 2 tiếng. Người nhà chị phải tranh thủ thời gian đó để vệ sinh, giặt giũ quần áo, lấy thùng, chậu để đựng, trữ làm nước sinh hoạt.

Gia đình anh Nguyễn Ngọc Long, ở toà HH02A cho biết, từ đêm 19/10, tòa nhà anh được cấp nước, nhưng nước rất yếu, nước bơm khoảng 30 phút nhưng nhà anh chưa kịp tích trữ đủ nước thì đã bị ngắt.

Gia đình chị Lâm Nhung, cư dân ở tòa HH02C thì may mắn hơn nhiều hộ dân khác khi nước đã về toà nhà chị từ đêm 19/10 và duy trì đến hiện tại. Tuy nhiên, chị N. lại có mối lo mới vì nước được cấp có màu đục. 

Chia sẻ với phóng viên, chị Trần Thị An, đại diện Ban lâm thời Khu đô thị Thanh Hà, ở tòa HH03D cho biết, hiện nước sạch cấp cho người dân đang thiếu trầm trọng, lịch phân chia nước không hợp lý dẫn đến việc nhiều người dân không đủ nước sinh hoạt, hàng quán phải đóng cửa, kinh doanh sụt giảm. Nhiều gia đình phải mua nước đóng chai để làm nước nấu ăn. Điển hình như gia đình chị, mỗi ngày chị phải dùng hết 200 nghìn đồng tiền nước đóng bình, chai.

Chị Trần Thị An cho biết, hiện một số toà nhà đã có nước trở lại, nhưng lượng nước vẫn ít, nỗi lo thiếu nước chưa hết thì lại dấy lên nỗi lo về chất lượng nước, bởi số nước hứng được ít ỏi hiện nay có màu xanh khác lạ khiến chị e ngại khi phải sử dụng. 

Theo chị An, trước khi mất nước cư dân đã phản ánh về nguồn nước nhiễm độc với các chỉ số amoni, asen, nitrit, nitrat, clo dư, pecmangan… tăng cao gấp mấy chục lần. Chất lượng nước trước đây không bảo đảm trước đây khiến cho nhiều người dân bị ảnh hưởng sức khỏe, như bị nổi mẩn ngứa, mề đay dị ứng, viêm nhiễm phụ khoa, đau mắt, chóng mặt, buồn nôn… "Sau đó, cư dân đã nhiều lần đề nghị trước khi cấp nước mới cần sục rửa đường ống, các bể chứa nhưng Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà không giải quyết. Đặc biệt điều khiến người dân không khỏi lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m", chị An cho hay.

Trước mắt, để giải quyết nỗi lo về chất lượng nước cho người dân, chị An đề xuất, trước khi đưa nguồn nước mới về, bất kể nguồn nước từ sông Đuống, sông Đà nên xử lý toàn bộ đường ống để làm sạch đường ống.

Ông Lê Văn Du, Phó trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã trực tiếp đôn đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông phối hợp với Công ty CP Nước mặt sông Đuống và Công ty CP Viwaco phối hợp điều tiết đưa nguồn bổ sung nguồn từ Nhà máy nước mặt sông Đuống để điều tiết cung cấp cho khu đô thị Thanh Hà.

Hiện nay, các đơn vị đã cung cấp công suất 2.247m3/ngày đêm và hiện nay cũng tiếp tục để điều tiết tăng nguồn cung từ Nhà máy nước mặt sông Đuống. Với nhu cầu sử dụng nước và khả năng cung cấp nước đạt được, việc cung cấp nước trong khu đô thị hiện nay vẫn phải thực hiện giải pháp cấp nước luân phiên và bảo đảm đáp ứng nhu cầu sử dụng tối thiểu của người dân.

Theo ông Du, với kịch bản như hiện nay từ 2.200 - 2.600m3/ngày đêm, và thời gian cấp nước luân phiên quay lại khoảng 30 tiếng. Nguồn nước cấp duy nhất là nước mặt sông Đuống thông qua hệ thống cấp nước của Hà Đông về khu đô thị Thanh Hà để cung cấp cho người dân.

Ông Du cho biết, hiện Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà phối hợp với các ban quản trị, ban quản lý tại các tòa nhà để thực hiện điều tiết nước về các bể chứa dưới hầm và trên mái để cung cấp cho người dân vào thời gian cao điểm, những thời gian thấp điểm, nhu cầu sử dụng thấp thì sẽ dừng việc cung cấp nước.

Ông Du khuyến cáo, trong thời điểm hiện nay chưa cấp nước liên tục, người dân sử dụng tiết kiệm và sử dụng các trang thiết bị để tích trữ, sử dụng trong thời gian không cung cấp nước.

Thùy Chi

Top