Ô nhiễm không khí Hà Nội diễn biến phức tạp, người dân nên hạn chế ra ngoài

06/03/2024 10:32 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng 6/3, Hà Nội tiếp tục là thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo những số liệu thống kê của ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí IQ Air. Với những người sức đề kháng kém, người già, trẻ nhỏ nên hạn chế ra ngoài để bảo đảm sức khỏe.

Ô nhiễm không khí Hà Nội diễn biến phức tạp, người dân nên hạn chế ra ngoài- Ảnh 1.

Theo số liệu ghi nhận, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lúc 8h45 sáng 6/3 là 227, thuộc ngưỡng tím. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Theo số liệu ghi nhận, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lúc 8h45 sáng 6/3 là 227, thuộc ngưỡng tím - mức ô nhiễm đứng đầu trong danh sách hơn 100 thành phố số có chỉ số AQI cao nhất được Airv Visual theo dõi.

Sau Hà Nội là các thành phố Baghdad (I-rắc) với AQI 194, Yangon (Miến Điện) với AQI 179, Lahore (Pa-kit-xtan) với AQI 179.

Một số điểm đo có chỉ số ô nhiễm cao theo IQ Air là điểm tại Vinhome Riverside, HP7 (Hoàn Kiếm) với AQI 302, Quảng Khánh (Tây Hồ) với AQI 282, Ciputra (Tây Hồ) với AQI 264, Tô Ngọc Vân (Tây Hồ) với AQI 256, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm) với AQI 237.

Còn theo ứng dụng đo chỉ số ô nhiễm Pam Air, điểm đo tại Vườn Dâu - Trâu Quỳ (Gia Lâm) có chỉ số ô nhiễm 429 - đây là chỉ số ở ngưỡng nâu, gần mức kịch khung trong bảng chỉ số ô nhiễm là 500. Ngoài ra nhiều điểm đo khác có chỉ số ô nhiễm cao là Đội Cấn (Ba Đình) với AQI 254, Đại Mỗ (Nam Từ Liêm) có chỉ số AQI 243, TT Đông Anh (Huyện Đông Anh) có chỉ số AQI 296.

Trước đó, trong sáng 5/3, bầu trời thủ đô mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tham gia giao thông của người dân. Trên Air Visual, theo số liệu ghi nhận vào một số thời điểm sáng, không khí ở Hà Nội, chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội lúc 7h18 sáng 5/3 là 241, thuộc ngưỡng tím - ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ tất cả mọi người với khuyến cáo mọi người nên hạn chế ra ngoài.

Hiện nay, thời tiết tại Hà Nội và những tỉnh phía Bắc đang dần ấm dần lên. Tuy nhiên, hiện tượng sương mù, nồm ẩm lại bắt đầu xuất hiện gây khó chịu cho cuộc sống của người dân. Việc khu vực Hà Nội chìm trong sương mờ vào sáng sớm, tầm nhìn hạn chế khiến cho người dân ra đường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình di chuyển.

Các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội hôm nay gần như "biến mất" trong sương vào sáng sớm. Những ô cửa kính đều đọng rất nhiều nước.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cảnh báo, hiện tượng sương mù xảy ra nhiều nơi ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Người tham gia giao thông cần duy trì khoảng cách an toàn, tránh xe trọng tải lớn, bật đèn và đi số thấp, đều ga, tắt hết phụ tải, bình tĩnh xử lý khi có sự cố.

Sương mù ở Việt Nam thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa Đông. Đây là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chỉ số chất lượng không khí được tính theo thang điểm (khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Khi AQI ở mức 151 - 200, đây là mức xấu: Những người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. AQI 201 - 300 (Rất xấu): Mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn. AQI 301-500 (Nguy hại): Đây là mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe.

Khi AQI ở mức nguy hại, người dân được khuyến cao nên ở trong nhà, đóng cửa ra vào và cửa sổ. Nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Thùy Chi

Top