Phân cấp, uỷ quyền: Tăng chủ động cho địa phương, cải thiện 'điểm nghẽn' trong cải cách
(Chinhphu.vn) - Nhiều kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp đã đặt vào Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn Hà Nội vừa được HĐND Thành phố thông qua. Đề án đã phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ để tăng tính chủ động cho địa phương, cải thiện 'điểm nghẽn' về cải cách hành chính, thúc đẩy giải ngân đầu tư công…
Phân cấp nhiều nhiệm vụ cho các cấp, tránh ôm đồm nhiệm vụ
Đầu tuần qua, tại kỳ họp thứ 9 (kỳ họp chuyên đề), đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn Hà Nội.
Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền thành phố; là giải pháp quan trọng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Nội dung trọng tâm của Đề án là xây dựng mục tiêu, nguyên tắc về phân cấp, ủy quyền. Các mục tiêu, nguyên tắc đã được xây dựng rất kỹ lưỡng để đảm bảo đúng luật, khoa học, phù hợp với đặc thù của Hà Nội. Thành phố cũng xác định các nội dung trọng tâm về phân cấp, ủy quyền và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Hà Nội tăng tính chủ động cho các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có năng lực tổ chức triển khai. Tăng cường ủy quyền triệt để cho cấp huyện để phát huy tính tự chủ trong triển khai nhiệm vụ.
Kỳ họp vừa qua cũng bổ sung phân cấp đối với 9 nhiệm vụ so với quy định phân cấp hiện hành liên quan đến: Quản lý tượng đài, tranh hoành tráng; cấp điện chiếu sáng ngõ, ngách cho các quận; lĩnh vực di tích; chợ; nước sạch ở vùng sâu vùng xa; xử lý nước thải tại các khu dân cư không kết nối được với hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung; bến xe, bãi đỗ xe; đèn tín hiệu giao thông; trường THPT.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Văn Quân cho biết: "Hà Nội thực hiện phân cấp, ủy quyền dựa trên nguyên tắc tất cả những gì mà cấp quận, huyện có thể thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn, sẽ phân cấp cho cấp dưới thực hiện, tránh ôm đồm nội dung".
Để triển khai Đề án, Hà Nội tiếp tục xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, quy trình tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện phân cấp theo ngành, lĩnh vực tại các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn và xử lý các vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện.
Ngoài ra, tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế; rà soát về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, định mức phân bổ ngân sách và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách của Thành phố; rà soát về thủ tục hành chính để đảm bảo nguồn lực thực hiện phân cấp, giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính.
Trong kỳ họp vừa diễn ra, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao Thường trực HĐND, UBND Thành phố trong việc phối hợp chuẩn bị các báo cáo, đề án, tờ trình công phu, bài bản, khoa học, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thành ủy và các ý kiến đóng góp, thảo luận của các vị đại biểu HĐND Thành phố.
Trong quá trình tổ chức thực hiện tiếp theo, HĐND Thành phố đề nghị UBND Thành phố tiếp tục rà soát các nội dung, nhiệm vụ, thủ tục hành chính để đảm bảo việc phân cấp, ủy quyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả; tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đảm bảo hoạt động của các cấp chính quyền ổn định, thông suốt và hiệu quả.
Tăng tính chủ động, giảm bớt TTHC
Nhiều kỳ vọng về quá trình triển khai Đề án trong thời gian tới đã được đại biểu HĐND TP. Hà Nội chia sẻ. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội Vũ Đức Bảo, Đề án là cuộc cách mạng về phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền của Thành phố.
Về quá trình triển khai Đề án sắp tới, đặc biệt là quá trình phân cấp, uỷ quyền, ông Vũ Đức Bảo cho rằng, Đề án là nguyên tắc chung, còn quan trọng nhất là kết quả thực hiện. Cụ thể, Thành phố cần cơ chế về tổ chức thực hiện, cơ chế cụ thể ở một dự án đầu tư khi phân cấp thì chủ trương đầu tư, dự toán, thẩm định, thiết kế… sẽ triển khai ra sao. Thành phố dự kiến thực hiện phân cấp, uỷ quyền sâu ở một số sở, ngành, đặc biệt là vấn đề phối hợp liên ngành khi xin ý kiến các nội dung thuộc nhiệm vụ.
Ông Vũ Đức Bảo cũng nêu vấn đề định biên biên chế khi triển khai phân cấp, uỷ quyền cho các quận, huyện, thị xã và các đơn vị sẽ có nơi sẽ thiếu người khi phân cấp. Vì vậy, Thành phố có chủ trương và đánh giá lại tổng biên chế toàn Thành phố liên quan đến vấn đề phân cấp, uỷ quyền khi triển khai Đề án.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Sơn Hà cho rằng, Hà Nội triển khai Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền sẽ tăng tính chủ động cho những đơn vị, cơ quan được phân cấp, được uỷ quyền, giảm bớt TTHC cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền bởi nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào Hà Nội nhưng còn khó khăn về thủ tục, trong khi đó, các địa phương lân cận lại có sự hỗ trợ nhiều hơn. Nếu Hà Nội không cải thiện về TTHC có thể làm mất nguồn lực vào các địa phương bên cạnh, do vậy cần xem xét kỹ hơn ở việc phân cấp để tận dụng nguồn lực đầu tư.
Đại biểu Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội kỳ vọng Nghị quyết thay thế về phân cấp ủy quyền lần này sẽ sâu, rộng và kỹ hơn để các cấp chủ động thực hiện theo tinh thần đẩy mạnh tới cơ sở. Thành phố cũng cần sớm ban hành và tăng cường tập huấn nghiệp vụ, định kỳ có sơ kết, tổng kết với từng địa phương và từng nội dung phân cấp.
Ở góc độ địa phương, Bí thư thị uỷ Sơn Tây Trần Anh Tuấn cho rằng, triển khai Đề án sẽ chủ động cho địa phương trong quản lý nhà nước, điều chỉnh và giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ tịch huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đánh giá, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền trên địa bàn TP. Hà Nội có tính phân cấp mạnh mẽ, đồng bộ, khoa học, có tính thực tiễn cao. Tuy nhiên khi triển khai cần chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi bởi tăng thẩm quyền cho quận, huyện thì phải chú ý về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, quan tâm đến nguồn nhân lực cho các địa phương.
Phó Bí thư Thường trực huyện uỷ Thanh Oai Nguyễn Minh Hùng cho rằng cần nâng cao năng lực thực hiện của cơ quan nhận uỷ quyền, đơn vị được phân cấp. Năng lực thực hiện cần được đẩy mạnh qua tăng cường cải cách hành chính, cụ thể cần xây dựng quy trình nội bộ ở các phòng ở cấp huyện. Quy trình nội bộ giữa các phòng, ban cần được xây dựng cụ thể, áp dụng CNTT vào quá trình thực hiện thì sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các đơn vị.
Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP. Hà Nội) Nguyễn Nguyên Quân nhấn mạnh, Đề án phân cấp quản lý nhà nước, uỷ quyền của Hà Nội lần này gắn đồng bộ với rà soát, phân cấp, uỷ quyền về TTHC. Đây chính là "điểm nghẽn" còn tồn tại ở các quận, huyện. Vì vậy, với Đề án lần này khi thực hiện phân cấp, uỷ quyền sẽ khắc phục được những vấn đề cơ bản còn hạn chế trong cải cách hành chính.
Gia Huy