Phát huy giá trị di tích lịch sử đền Sóc
(Chinhphu.vn) - Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc không chỉ lưu giữ, tuyên truyền những giá trị lịch sử trường tồn của dân tộc mà qua đó quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa của Thủ đô đến du khách trong nước và quốc tế.
Đền Sóc- nét đẹp linh thiêng
Khu di tích lịch sử đền Sóc nằm trên núi Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương- một trong tứ bất tử của dân tộc Việt Nam. Khu di tích lịch sử đền Sóc đã được xây dựng hơn 1.000 năm, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử và thời gian, qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc nghệ thuật độc đáo, cùng nhiều cổ vật có giá trị. Năm 1962, Quần thể di tích đền Sóc được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Đến ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định công nhận Quần thể di tích đền Sóc là Di tích Quốc gia đặc biệt. Quần thể di tích đền Sóc hiện nay gồm đền Trình, đền Mẫu, chùa Non Nước, chùa Đại Bi, đền Thượng, hòn đá Chồng, tượng đài Thánh Gióng và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.
Chùa Non Nước là một trong những ngôi chùa to, đẹp nhất Hà Nội, có bề dày trên 1.000 năm lịch sử. Đền Sóc - nơi có tượng Phật Tổ đúc bằng đồng cao 6,5m, nặng 30 tấn, là pho tượng đại Phật liền khối lớn nhất Đông Nam Á...
Điểm nổi bật nhất ở khu di tích là bức tượng Thánh Gióng tọa lạc trên đỉnh núi đá Chồng, được làm hoàn toàn từ đồng nguyên chất với kích thước khổng lồ: cao 11,07m, nặng 85 tấn. Bức tượng được khánh thành vào năm 2010, là một trong các công trình xây dựng nhằm kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
Đền Sóc hiện còn lưu giữ được 145 hiện vật có giá trị, niên đại trải dài từ thời Lê, tập trung vào triều Nguyễn, tiêu biểu như: hoành phi, câu đối, bia đá, lư hương, tượng thờ, hương án, ngai thờ, bát bửu, chân đèn, ngựa gỗ, chuông đồng... Đặc biệt là tấm bia bát giác thời Lê dựng trên núi, phía sau đền Thượng, là tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao, cung cấp nhiều thông tin về Thánh Gióng và phong tục tập quán, địa phương qua các thời kỳ.
Hội đền Sóc là sự tồn tại của nhiều lớp văn hoá - tín ngưỡng được gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Đó là tín ngưỡng thờ các hiện tượng tự nhiên - dấu chân ông Đổng - vị thần sấm sét, mưa dông, tín ngưỡng thờ thần mặt trời, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng thờ cây đá - một tín ngưỡng cổ xưa của người Việt... Hội đền Sóc được tổ chức từ ngày mùng 6 - 7 tháng Giêng (kỷ niệm ngày hoá của Thánh Gióng) ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đa diện, độc đáo, tiêu biểu của dân tộc. Năm 2010, UNESCO đã vinh danh Hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc-điểm đến du lịch, hấp dẫn
Thực hiện Kế hoạch số 34-KH/HU ngày 16/7/2021 của Huyện ủy về việc thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU ngày 17/03/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025"; Kế hoạch của UBND huyện Sóc Sơn căn cứ hướng dẫn của Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội về việc hướng dẫn triển khai mô hình "Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu" giai đoạn 2021-2025; triển khai mô hình điểm tại di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Sóc Sơn đã triển khai mô hình điểm tại Di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc.
Việc triển khai mô hình "Di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc - Điểm đến an toàn, hấp dẫn" đã góp phần xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trên địa bàn xã, tự nguyện tham gia việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế, xã hội lành mạnh và thuận lợi cho phát triển kinh tế cũng như các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa. Qua đó, giúp định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại các điểm di tích. Mô hình triển khai đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, phát triển du lịch; tuyên truyền nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa của địa phương tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Để di tích Quốc gia đặc biệt Đền Sóc trở thành nơi di tích lịch sử hấp dẫn du khách, công tác phục vụ đón tiếp du khách tại khu di tích đặc biệt được quan tâm chú trọng. Công tác đón và hướng dẫn khách là nhiệm vụ trọng tâm và luôn được duy trì, chủ động tại khu di tích. Mọi du khách đến tham quan và hành hương được phục vụ một cách tốt nhất, tạo mọi điều kiện để du khách có nhiều thời gian tham quan và thực hiện nghi lễ.
Đến nay, khu di tích đền Sóc Sơn có 05 hướng dẫn viên hạng III và 07 hướng dẫn viên hạng IV. Hướng dẫn viên được tuyển chọn là viên chức, đeo thẻ, mặc đồng phục, được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn định kỳ; được sát hạch hàng năm và bài thuyết minh được xây dựng theo đúng nội dung quy định của khu di tích; được trang bị đầy đủ loa míc.
Để du khách thuận lợi hơn trong việc nắm bắt thông tin du lịch, các điểm thăm quan, cung đường, giá cả dịch vụ… Trung tâm đã cải tạo, nâng cấp, bổ sung đầy đủ hệ thống biển, bảng giới thiệu tại các khu vực đảm bảo đúng vị trí, tính thẩm mĩ, dễ nhìn; thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về lịch trình và các chương trình hoạt động trên hệ thống Website, trang thông tin của đơn vị.
Bên cạnh đó, công tác an ninh trật tự được đảm bảo, 100% du khách về tham quan, được an toàn tuyệt đối, không lộn xộn, không chen lấn, xô đẩy, ùn tắc. Kiên quyết xử lý các hành vi đeo bám, chèo kéo, ép giá, bắt chẹt khách du lịch. Hệ thống camera an ninh toàn bộ khu vực hoạt động liên tục đảm bảo an ninh 24/24h. Công tác an ninh trật tự được đánh giá là an toàn tuyệt đối; phòng cháy chữa cháy được đảm bảo, không để xảy ra hiện tượng mất an toàn cháy nổ.
Trong đền và các ban thờ được bảo vệ an toàn, vệ sinh sạch sẽ, gọn gàng, trang nghiêm, linh thiêng nơi thờ tự, du khách không thắp hương trong các đền, không có hiện tượng cúng thuê, đốt vàng mã giảm đáng kể. Không có hiện tượng mê tín dị đoan, xóc thẻ, ăn xin…
Khu du lịch – di tích đền Sóc Sơn không tổ chức thu phí tham quan du lịch, chỉ tổ chức trông giữ phương tiện, phí trông giữ phương tiện đảm bảo theo quy định hiện hành của nhà nước; các hộ kinh doanh cam kết niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại khu di tích.
Việc triển khai mô hình đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của địa phương, phát triển du lịch, tuyên truyền nâng cao nếp sống văn hóa, văn minh, quảng bá mạnh mẽ các giá trị văn hóa của địa phương tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Minh Thúy