Phát huy giá trị làng nghề Thủ đô gắn với du lịch

16/01/2025 3:00 PM

(Chinhphu.vn) - Những chính sách hỗ trợ, kết nối, quảng bá xúc tiến du lịch là giải pháp để TP. Hà Nội giữ gìn và phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống. Việc gắn kết phát triển làng nghề với du lịch sinh thái không chỉ giúp quảng bá sản phẩm mà còn tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Phát huy giá trị làng nghề Thủ đô gắn với du lịch- Ảnh 1.

Các sản phẩm của làng nghề truyền thống Hà Nội đang ngày càng phát triển và được khách du lịch đón nhận. Ảnh: VGP/Bích Phương

Du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hà Nội là địa phương tập trung số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó, có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận, thuộc địa bàn 25 quận, huyện, thị xã.

Để phát triển bền vững, Hà Nội đã có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy làng nghề phát triển gắn với du lịch. Trong số tất cả các làng nghề tại Hà Nội, nhiều làng nghề nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín), khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên)…

Nằm nép mình nơi ngoại ô Hà Nội, làng nghề tăm hương truyền thốngQuảng Phú Cầu (Ứng Hòa, Hà Nội) là một bức tranh văn hóa sống động, nơi mỗi sân phơi hương đỏ rực kể câu chuyện trăm năm của một nghề thủ công gắn liền với tâm linh người Việt.

Mỗi bó tăm hương được sản xuất tại Quảng Phú Cầu không chỉ mang hương thơm, mà còn là sợi dây gắn kết tâm linh và văn hóa Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đến với Quảng Phú Cầu, du khách sẽ được hòa mình vào không gian lao động nhộn nhịp, chứng kiến quy trình sản xuất hương tỉ mỉ, từ vót tăm, nhuộm chân hương, se hương, phơi khô đến đóng gói.

Những sân phơi tăm hương đỏ rực như cánh đồng hoa khổng lồ dưới ánh nắng, tạo nên khung cảnh ấn tượng khó quên đối với bất kỳ ai ghé thăm, thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các nhiếp ảnh gia và những người yêu thích khám phá văn hóa. Nhờ đó, Quảng Phú Cầu dần trở thành điểm đến hấp dẫn, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của Ứng Hòa và Hà Nội trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế. Hiện nay, xã Quảng Phú Cầu có hai điểm du lịch làng nghề, thu hút 150-300 khách mỗi ngày, trong đó có nhiều khách nước ngoài.

Thực tế cũng cho thấy, phát triển loại hình du lịch làng nghề mang lại lợi ích kép về kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Nếu phát huy được hiệu quả tiềm năng của các làng nghề thì lợi ích mang lại là rất lớn.

Để khai thác phát triển du lịch làng nghề theo hướng bền vững, nhằm phát huy hiệu quả trên các mặt kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm tới công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa cũng như khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá dân gian truyền thống trong khu vực làng nghề, nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá của làng nghề, tạo sức hút với du khách.

Phát huy giá trị làng nghề Thủ đô gắn với du lịch- Ảnh 2.

Du khách thăm quan sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, triển lãm tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: VGP/Bích Phương

Phấn đấu đến năm 2050, phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch

Thời gian qua, Hà Nội xác định phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống đang là thế mạnh, vì vậy, Thành phố đã chủ động ban hành kế hoạch, dự án, đề án cụ thể xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch…

Cụ thể, ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh hoạt động phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề Hà Nội, trong đó có việc kết nối một số tour du lịch đưa khách đến tham quan, mua sắm tại phòng trưng bày. Đồng thời, hỗ trợ 30 cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ làng nghề, tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới với tổng số 186 sản phẩm được tạo ra, trong đó có 46 mẫu sản phẩm phục vụ du lịch…

Nhằm phục vụ khách du lịch Thủ đô, các sản phẩm của làng nghề truyền thống đang ngày càng phát triển và dần khẳng định vị thế, đặc biệt trong đó có các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng lưu niệm.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 282/QĐ-UBND về việc phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Theo Đề án, giai đoạn 2025-2030, Hà Nội phấn đấu khôi phục, bảo tồn được ít nhất 5 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới ít nhất 10 nghề và 25 làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển ít nhất 3 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 10 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm.

Đến năm 2050, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 10 nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới từ 10 nghề và 20 làng nghề, làng nghề truyền thống trở lên. Đồng thời, phát triển ít nhất 20 làng nghề gắn với du lịch, hình thành 20 tour tuyến du lịch làng nghề, trải nghiệm…

Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đặt ra 10 nhóm giải pháp, trọng tâm là quy hoạch làng nghề; đẩy mạnh tuyên truyền vận động và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với công tác bảo tồn và phát triển làng nghề. Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề.

Phát triển và ổn định nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề. Cải thiện điều kiện sản xuất và bảo vệ môi trường làng nghề. Thực hiện hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phát triển hệ thống cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề.

TP. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu gắn với phát triển sản phẩm OCOP. Phát triển làng nghề gắn với du lịch phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Chuyển đổi số cho các làng nghề. Đồng thời, tăng cường xã hội hóa nguồn lực thực hiện Đề án.

Có thể thấy, phát triển du lịch làng nghề đang là một hướng đi, được ưu tiên trong chính sách quảng bá và phát triển du lịch Thủ đô. Những lợi ích to lớn của việc phát triển du lịch làng nghề không chỉ thể hiện ở những con số tăng trưởng lợi nhuận kinh tế, ở việc giải quyết nguồn lao động địa phương mà hơn thế nữa, còn là một cách thức gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá của dân tộc, gìn giữ bản sắc, hình ảnh con người, vẻ đẹp văn hóa của mỗi địa phương ở Thủ đô.

Bích Phương

Top