Đẩy mạnh xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP và làng nghề Hà Nội
(Chinhphu.vn) - Hà Nội đã triển khai nhiều sáng kiến góp phần vào phát triển chương trình OCOP, trong đó Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) đóng vai trò quan trọng trong việc xúc tiến thương mại và tạo cầu nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Khó khăn trong thực hiên chương trình OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành động lực giúp các làng nghề và doanh nghiệp địa phương phát triển sản phẩm đặc thù, nâng cao giá trị kinh tế và xã hội của Thủ đô Hà Nội.
Hiện cả nước có hơn 13.368 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, trong đó Hà Nội dẫn đầu với trên 2.710 sản phẩm.
Hà Nội đặt mục tiêu có thêm ít nhất 2.000 sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP. Sản phẩm tham gia vào Chương trình OCOP vừa để tôn vinh vừa để nâng tầm, nâng giá. Những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của những vùng đất ở các địa phương nếu được "gắn sao" OCOP sẽ giúp cho sản phẩm vừa tăng giá trị kinh tế, vừa giúp quảng bá nét văn hóa vùng miền. Thành phố cũng sẽ phát triển các sản phẩm OCOP du lịch tại những nơi có lợi thế, gắn văn hóa và các sản vật địa phương để hình thành chuỗi du lịch...
Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể được Thành phố, huyện hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Thành phố Hà Nội, HPA và các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức các sự kiện, hội chợ, hội thảo, nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển các hoạt động dịch vụ thương mại, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng. Hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng, khuyến khích phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với các loại hình thương mại, dịch vụ điện tử, văn minh, hiện đại. Đến nay, Thành phố cũng đã phát triển được 107 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, tạo điều kiện để người tiêu dùng Thủ đô nhận diện và tiêu thụ.
Mặc dù chương trình OCOP đã giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản phẩm đặc trưng, nhưng đầu ra vẫn là một thách thức lớn.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Thành phố, bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình OCOP của Hà Nội vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế như số lượng sản phẩm OCOP 5 sao được công nhận chưa nhiều, mới có 6 sản phẩm được công nhận; một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề chưa thực sự mặn mà tham gia vào Chương trình; chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm còn nhiều hạn chế; thị trường tiêu thụ chưa thực sự được mở rộng...
Các vấn đề thường chủ thể OCOP ở các địa phương, trong đó có Hà Nội thường gặp khó khăn là thiếu kết nối với hệ thống phân phối hiện đại. Nhiều sản phẩm OCOP chưa đáp ứng yêu cầu của các siêu thị lớn như tiêu chuẩn chất lượng, bao bì, và khả năng cung ứng ổn định. Một số siêu thị yêu cầu phí mở mã hàng và chính sách ký gửi hàng hóa, gây áp lực tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ.
Vấn đề thứ hai là công tác quảng bá sản phẩm. Phần lớn các doanh nghiệp doanh nhân là chủ thể sản phẩm OCOP là người dân ở các làng nghề, có quy mô nhỏ, khả năng xúc tiến thương mại và tiếp cận thị trường còn hạn chế. Vì thế, kinh phí và kinh nghiệm quảng bá sản phẩm cho làng nghề đều thiếu. điều này dẫn đến thực trạng, dù nhiều sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng người tiêu dùng ít nhận diện được sản phẩm OCOP do thiếu các điểm giới thiệu và bán hàng chuyên biệt.
Một vấn đề tiếp theo là liên kết tiêu thụ chưa hiệu quả. Các nhà sản xuất và hệ thống phân phối chưa thiết lập được mối liên kết chặt chẽ để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
HPA tăng cường xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP
Trước những thực tế trên đây, HPA với vai trò là đầu mối kết hợp giữa xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đã triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường. Theo đó, thời gian qua, đã tiếp tục hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề để sản phẩm OCOP trở thành một thương hiệu mạnh được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ. Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm giúp các sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề tiếp cận nhiều thị trường tiềm năng hơn.
Trong Festival nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội lần thứ ba tổ chức từ ngày 20-24/12/2024, HPA phối hợp với UBND huyện Thanh Oai và Công ty CP Chợ đầu mối Nam Hà Nội tổ chức Festival nông sản, sản phẩm OCOP Hà Nội lần 3. Sự kiện quy tụ 150 gian hàng với hơn 1.000 dòng sản phẩm, bao gồm nản phẩm OCOP tiêu biểu như thực phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ và làng nghề truyền thống; các hoạt động trải nghiệm, dùng thử sản phẩm và giao lưu văn hóa nghệ thuật.
Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Bùi Duy Quang, Phó Giám đốc HPA, nhấn mạnh: "Festival không chỉ là cơ hội để các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm mà còn tạo điều kiện cho họ tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại, tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP".
Còn tại Hội chợ hàng OCOP năm 2024 diễn ra từ ngày 20-23/12/2024 tại Công viên Cầu Giấy, sự kiện có quy mô 90 gian hàng, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền và sản phẩm làng nghề truyền thống. Đây là cơ hội để các địa phương giới thiệu tiềm năng và thế mạnh sản phẩm; Kích cầu tiêu dùng dịp cuối năm, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc HPA chia sẻ: "Hội chợ hàng OCOP không chỉ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp người tiêu dùng nhận diện các sản phẩm OCOP chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng an toàn và bền vững".
Chương trình "Tự hào nông sản Việt Nam" từ ngày 28/11-1/12/2024, được tổ chức tại Công viên Long Biên, với sự tham gia của 150 doanh nghiệp, hợp tác xã từ 32 tỉnh, thành phố. Chương trình đã giới thiệu hơn 1.500 dòng sản phẩm như nông sản xanh và ứng dụng công nghệ cao; sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền.
Ngoài trưng bày, chương trình còn tổ chức các hoạt động dùng thử, trình diễn chế biến và quảng bá sản phẩm, giúp các doanh nghiệp kết nối với đối tác tiềm năng.
Phát triển tệ thống điểm bán hàng OCOP và Tăng cường kết nối chủ thể OCOP với hệ thống phân phối
Song song với quảng bá và xúc tiến thương mại, để giải quyết vấn đề tiêu thụ, Hà Nội đã triển khai kế hoạch phát triển hệ thống điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Tại nhiều quận huyện trung tâm và phát triển mạnh về thương mại, du lịch như quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ đã có nhiều Trung tâm giới thiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh trên cả nước. Với sự tiện lợi, nằm trong khu dân cư, nên hệ thống trung tâm này đã bán được nhiều hàng OCOP, tăng nhận diện sản phẩm tới nười tiêu dùng. Trong năm 2024, thành phố dự kiến mở thêm 10-20 điểm bán hàng, gắn với các khu du lịch, làng nghề. Hiện tại, Hà Nội đã có hơn 100 điểm bán hàng OCOP, trong đó có trên 20 điểm gắn với du lịch làng nghề.
Theo bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ: "Các điểm bán hàng OCOP không chỉ giúp người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn mà còn góp phần mở rộng hệ thống phân phối, kích cầu tiêu dùng và quảng bá sản phẩm."
Một trong những ưu tiên của HPA là kết nối nhà sản xuất với các hệ thống phân phối hiện đại. Các siêu thị lớn như Big C, Co.op Mart và Mega Market đã chủ động hỗ trợ doanh nghiệp OCOP như hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đảm bảo chất lượng và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Chương trình thu mua trực tiếp sẽ giúp giảm chi phí trung gian, tạo điều kiện cho sản phẩm OCOP tiếp cận người tiêu dùng với giá cả hợp lý.
Đặc biệt, các siêu thị cũng tổ chức nhiều chương trình quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng thông qua các chương trình khuyến mãi và tuần lễ giới thiệu sản phẩm địa phương.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP thông qua các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố trên cả nước. Cụ thể như đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế. Giới thiệu sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường tiềm năng ở châu Á và châu Âu. Nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ các doanh nghiệp OCOP áp dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất bền vững. Tăng cường hợp tác vùng, liên kết với các địa phương để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP, từ sản xuất đến tiêu thụ.
Với sự nỗ lực của HPA và sự phối hợp từ các cơ quan, địa phương, Hà Nội đang từng bước tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm OCOP. Những sáng kiến như Festival, Hội chợ và Chương trình "Tự hào nông sản Việt Nam" không chỉ giúp các doanh nghiệp OCOP quảng bá sản phẩm mà còn xây dựng mạng lưới kết nối tiêu thụ bền vững. Bên cạnh đó, các kế hoạch dài hạn sẽ tiếp tục đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, không chỉ trong nước mà còn trên thị trường quốc tế, góp phần khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của Hà Nội.
Minh Anh