Phát huy quyền giám sát của Nhân dân khi không tổ chức HĐND cấp phường

08/03/2023 1:59 PM

(Chinhphu.vn) - Qua các hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ các cấp của TP. Hà Nội tại các phường đã phát huy được vai trò, vị trí của mình trong việc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, UBND phường những tồn tại, hạn chế để khắc phục, xử lý.

Phát huy quyền giám sát của Nhân dân khi không tổ chức HĐND cấp phường - Ảnh 1.

Hội nghị đại biểu nhân dân xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở - Ảnh: MTTQ huyện Phúc Thọ

Tuyên truyền và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở qua nhiều nội dung cụ thể

Để đảm bảo quyền làm chủ và giám sát của Nhân dân, ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34 về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó quy định những nội dung phải công khai để Nhân dân biết; những nội dung Nhân dân bàn và quyết định; những nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định; những nội dung Nhân dân giám sát; trách nhiệm của chính quyền, cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn, của cán bộ thôn… trong việc thực hiện dân chủ ở cấp xã.

Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội Nguyễn Thị Lan Hương, bằng việc làm tốt những việc công khai các nội dung trên, thời gian qua cơ bản tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh phục hồi và phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, trước và khi thực hiện Nghị quyết 97 về việc thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội đã tổ chức tuyên truyền và giám sát thực hiện dân chủ ở cơ sở qua nhiều nội dung cụ thể.

Nội dung công khai để Nhân dân biết được thực hiện qua công khai về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phương án chuyển dịch cơ cấu kinh tế và dự toán, quyết toán ngân sách hằng năm của cấp xã; dự án, công trình đầu tư và thứ tự ưu tiên, tiến độ thực hiện, phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết và phương án điều chỉnh, quy hoạch khu dân cư trên địa bàn cấp xã; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp phường trực tiếp giải quyết các công việc của Nhân dân…

Bên cạnh đó, công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức cấp phường, của cán bộ tổ dân phố; kết quả lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp phường; nội dung và kết quả tiếp thu ý kiến của nhân dân đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của cấp xã mà chính quyền cấp xã đưa ra lấy ý kiến Nhân dân; đối tượng, mức thu các loại phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính khác do chính quyền cấp phường trực tiếp thu; các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến Nhân dân do chính quyền cấp phường trực tiếp thực hiện...

Nội dung Nhân dân bàn và quyết định được công khai thông qua hội nghị Đại biểu nhân dân hàng năm, Nhân dân phát huy vai trò làm chủ của mình trong việc bàn việc xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở để thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; bàn và quyết định các chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn xã, phường, thị trấn, đồng thời giám sát việc triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trong năm 2022, MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội đã phối hợp với chính quyền tổ chức trên 5.300 hội nghị đại biểu nhân dân tại các thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư bàn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, trong đó có 2.830 thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư tổ chức phát phiếu lấy ý kiến (đạt tỷ lệ 53%) và 2.516 thôn, làng, tổ dân phố tổ chức hội nghị (đạt tỷ lệ 47%).

Các ý kiến đóng góp đều đề xuất các giải pháp để cấp ủy, chính quyền, khu dân cư thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở cơ sở và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, thực hiện tang văn minh tiến bộ…

Nội dung Nhân dân tham gia ý kiến trước khi cơ quan có thẩm quyền quyết định Thông qua các hội nghị phản biện xã hội, hội nghị tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân, cử tri và Nhân dân đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, đồng thời tham gia đóng góp trực tiếp vào những quyết định, những vấn đề quan trọng của đất nước và Thủ đô.

Phát huy quyền giám sát của Nhân dân khi không tổ chức HĐND cấp phường - Ảnh 2.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Ảnh: MTTQ Việt Nam huyện Gia Lâm

Đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội, đổi mới, hình thức tiếp xúc cử tri

Trong hơn 1 năm thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam 175 phường trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức trên 450 cuộc giám sát trực tiếp, tập trung vào các vấn đề như công tác tiếp công dân, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo; công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra Nhân dân đã tổ chức giám sát trên 1.600 cuộc, kiến nghị xử lý 220 vụ việc, đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết 217 vụ việc (98,6%); Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tổ chức giám sát trên 500 cuộc, kiến nghị xử lý 48 vụ việc, đã khắc phục xử lý 45 vụ việc (93,75%).

Qua các hoạt động giám sát, Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường đã phát huy được vai trò, vị trí của mình trong việc đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân, kịp thời kiến nghị với cấp ủy, UBND phường những tồn tại, hạn chế để khắc phục, xử lý.

Cũng theo bà Nguyễn Lan Hương, Tuy việc phát huy quyền làm chủ và giám sát của Nhân dân đã đạt nhiều kết quả nhưng cũng đã bộc lộ một số tồn tại như: Việc công khai các nội dung có lúc, có nơi còn chưa kịp thời, chưa đúng quy định, có nội dung chưa công khai như trong việc công khai các dự án, công trình được đầu tư trên địa bàn để Nhân dân biết và chủ động giám sát. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự coi trọng công tác giám sát của Nhân dân, chưa tạo điều kiện để Nhân dân thực hiện quyền giám sát, chưa kịp thời giải quyết hoặc giải quyết chưa triệt để các kiến nghị của Nhân dân dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.

Sau khi thực hiện việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị, việc thực hiện quyền làm chủ và giám sát của Nhân dân tại những đơn vị không tổ chức HĐND phường gặp một số khó khăn, bất cập như sau: - Công tác giám sát của MTTQ và Nhân dân ở một số phường chưa được thực hiện nghiêm túc, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh; công tác giám sát của Nhân dân có lúc có nơi chưa đạt hiệu quả cao, việc thực hiện còn mang tính hình thức chưa phát huy được hết vai trò giám sát của Nhân dân.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội là một nhiệm vụ mới, khó và phức tạp, vì vậy, bà Nguyễn Lan Hương cho biết, Thành phố tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu trong việc phát huy quyền làm chủ và giám sát của Nhân dân; lắng nghe ý kiến Nhân dân, giải quyết kịp thời những kiến nghị, phản ánh của cử tri và Nhân dân; có chế tài xử lý nghiêm cơ quan, đơn vị, cá nhân vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, cản trở gây khó khăn đối với hoạt động giám sát của Nhân dân.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền việc thực hiện dân chủ ở cơ sở theo pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Từ đó, động viên Nhân dân phát huy vai trò làm chủ, giám sát việc thực hiện các mục tiêu chính trị - kinh tế - xã hội trên địa bàn phường khi không tổ chức HĐND phường.

Ngoài ra, tăng cường tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở nhất là các nội dung công khai thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân.

MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội cũng đẩy mạnh hoạt động phản biện xã hội, đổi mới, hình thức tiếp xúc cử tri, tạo điều kiện để người dân thực hiện vai trò làm chủ trong góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng cơ chế chính sách đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của Nhân dân, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân.

Gia Huy

Top