Phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của Thủ đô
(Chinhphu.vn) - Các cơ sở giáo dục chất lượng cao của TP. Hà Nội đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của Thành phố; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Trong 10 năm qua, các cơ sở giáo dục chất lượng cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của Thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh
Nhiều kết quả đáng ghi nhận
Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục của TP. Hà Nội của Ban Văn hóa-xã hội (HĐND TP. Hà Nội) cho thấy, phát triển trường chất lượng cao là một chủ trương lớn của ngành giáo dục Thủ đô; nhất là khi mô hình trường chất lượng cao được quy định tại Điều 12, Luật Thủ đô năm 2012. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện (từ năm 2013), toàn Thành phố có 22 trường mầm non, phổ thông được công nhận chất lượng cao (trong đó, 17 trường công lập và 5 trường ngoài công lập).
Kết quả giám sát cho thấy, hầu hết các trường chất lượng cao có cơ sở vật chất khang trang, đầu tư trang thiết bị phục vụ phương pháp giáo dục tiên tiến; phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng đầy đủ; hệ thống sân chơi, thư viện, phòng thể chất đạt chuẩn... bảo đảm điều kiện học tập và phát triển toàn diện cho học sinh.
Công tác tuyển sinh được ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và xét tuyển trực tuyến. Đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn cao, nhiều trường có tỷ lệ giáo viên trên chuẩn đạt 95-100%; nhiều giáo viên có trình độ thạc sĩ, một số trình độ tiến sĩ. Phương pháp giảng dạy luôn được đổi mới, tích cực, cá nhân hóa, học qua trải nghiệm, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Công tác tuyển sinh được ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký và xét tuyển trực tuyến.Ảnh: VGP/Thanh Tùng
Giáo viên được quan tâm, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, ứng dụng CNTT và các phương pháp dạy học hiện đại như STEAM, Montessori, Cambridge...Chất lượng học tập tốt, tỷ lệ học sinh giỏi cao, đạt nhiều giải thưởng cấp quận, thành phố, quốc gia; các chương trình phát triển thể chất, kỹ năng sống, ngoại ngữ, giáo dục STEAM, phát triển tư duy logic được triển khai rộng rãi…
Nhìn chung, các cơ sở giáo dục chất lượng cao đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, phát huy vai trò giáo dục mũi nhọn của Thành phố; qua đó, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Quan tâm cơ chế chính sách cho cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao
Bên cạnh những kết quả nổi bật, mô hình giáo dục chất lượng cao cũng đang bộc lộ một số hạn chế, khó khăn. Cụ thể, Thành phố đặt ra mục tiêu xây dựng và công nhận 20 trường chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, song từ năm 2016 đến nay, chỉ có 12/20 trường được công nhận (đạt 60% so với kế hoạch). Không những vậy, nhiều địa phương vẫn chưa xây dựng được trường chất lượng cao theo kế hoạch; chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể khuyến khích, thu hút cơ sở giáo dục ngoài công lập đăng ký, xây dựng mô hình trường chất lượng cao.
Đặc biệt, một số trường công lập chất lượng cao không duy trì được ưu thế, giảm sức hút; trong đó, 7/7 trường mầm non chất lượng cao đều có tỷ lệ tuyển sinh qua các năm thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra. Chính việc không tuyển đủ chỉ tiêu khiến nguồn thu học phí không bảo đảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến quy mô triển khai chương trình, việc đầu tư cơ sở vật chất, trả lương đội ngũ và duy trì các hoạt động nâng cao chất lượng…
Để khắc phục những bất cập, tồn tại nêu trên, Đoàn giám sát Ban Văn hóa-Xã hội HĐND Thành phố kiến nghị, UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất HĐND Thành phố ban hành nghị quyết thể chế hóa quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 về cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao; trong đó, quan tâm cơ chế đầu tư ban đầu, cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học đối với các trường công lập chất lượng cao.
Mặt khác, UBND Thành phố cần chỉ đạo rà soát hệ thống các trường chất lượng cao hiện nay; xem xét xây dựng đề án phát triển trường chất lượng cao trong thời gian tới.
Trong đó, quan tâm bố trí, phát triển cụm trường chất lượng cao từ bậc mầm non đến THPT trên cùng một địa bàn, khu vực nhằm bảo đảm tính liên thông trong giáo dục, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, phân cấp, ủy quyền phù hợp đối với trường chất lượng cao khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Đồng thời, quan tâm các tiêu chí cụ thể để xây dựng các cơ sở giáo dục chất lượng cao có ưu thế vượt trội, khác biệt, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Đoàn giám sát đề nghị, quan tâm hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của một số trường chất lượng cao, trong đó cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế cụ thể đối với các trường chất lượng cao về vị trí việc làm, tuyển dụng, tiếp cận các chương trình giáo dục quốc tế tiên tiến, liên kết đào tạo, tuyển sinh...
Riêng đối với các trường thực hiện mô hình chất lượng cao, phải thực hiện cam kết bảo đảm chất lượng giáo dục tương xứng với mức thu học phí áp dụng; công bố công khai mức thu học phí đến toàn thể phụ huynh học sinh, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, tạo thuận lợi trong việc quản lý và giám sát thu chi học phí.
Ngoài ra, các trường cần chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục; quan tâm đầu tư, tăng cường các điều kiện cơ sở vật chất, đồ dùng, đồ chơi, học liệu, thiết bị dạy học; rà soát, đảm bảo tiêu chí trường chất lượng cao; tổ chức tự kiểm định và công bố kết quả tự kiểm định theo các tiêu chí cơ sở giáo dục chất lượng cao hằng năm; xây dựng trường học thông minh; bảo đảm môi trường học tập thân thiện, an toàn, khuyến khích sự sáng tạo để thực hiện hiệu quả chương trình chất lượng cao của trường…
Minh Anh