Phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ

02/01/2023 2:09 PM

(Chinhphu.vn) - Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hà Nội chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về nhiệm vụ của ngành giao thông vận tải Hà Nội trong năm 2023; đồng thời nhấn mạnh để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ.

Để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường.

Năm 2022, đánh dấu một năm đầy nỗ lực các các cấp, các ngành trong triển khai các nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội. Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của Ngành giao thông vận tải Thủ đô trong năm qua?

Ông Nguyễn Phi Thường: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 23.439,61 km đường giao thông; trong đó, Sở GTVT quản lý 2.331,72 km và UBND cấp huyện quản lý 21.107,891 km. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt khoảng 10,35%. 

Năm qua, vận tải hành khách công cộng tiếp tục cải thiện năng lực và chất lượng phục vụ, tỷ lệ vận chuyển năm 2022 ước đạt 18,5%. Hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố gồm 154 tuyến (132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City Tour). Mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng hiện đạt khoảng 17,8%.

Năm 2022, lực lượng chức năng đã giải quyết 08 điểm ùn tắc giao thông; không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài; xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới; giải quyết các điểm đen về tai nạn giao thông.

Công tác quản lý, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; công tác duy tu, sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu giao thông đảm bảo chất lượng, hiệu quả, kịp thời khắc phục, sửa chữa những hư hỏng, không để xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông nguyên nhân do hạ tầng xuống cấp. 

Công tác đầu tư công: Đã đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Sở và đưa vào nghiệm thu khai thác sử dụng. Kịp thời xử lý, tham mưu đề xuất giải quyết các phương án khắc phục sự cố đường bộ theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Đáng chú ý, trong năm Sở GTVT đã chỉ đạo, phối hợp với lực lượng công an Thành phố, Công an các quận, huyện, thị xã, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách; hoạt động vận tải hàng hóa; đã xử lý các điểm trông giữ xe, bãi đỗ xe không phép, sai phép; tổ chức giải tỏa, xử lý các trường hợp lấn chiếm lòng đường, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, tập kết vật tư, vật liệu... gây mất an toàn giao thông.

Để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ - Ảnh 2.

Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp song thực tế, giao thông tại nhiều khu vực, nút giao rất khó khăn do ùn tắc thường xuyên kéo dài trong giờ cao điểm do nhiều nguyên nhân. Ảnh: VGP/Minh Anh

Mặc dù đã đạt được nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác phát triển hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn giao thông năm vừa qua, tuy nhiên, giao thông Hà Nội vẫn trong tình trạng ùn tắc, nhiều điểm đen mới phát sinh... Theo ông, nguyên nhân chính ở đây là gì?

Ông Nguyễn Phi Thường: Tính đến nay, tổng số phương tiện giao thông trên địa bàn là gần 7,8 triệu phương tiện ( 7.784.657), bao gồm hơn 1 triệu xe ô tô, hơn 6,5 triệu xe máy, gần 183 nghìn xe máy điện, chưa kể còn khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô. Như vậy, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng từ 4% - 5%/năm. 

Với việc phương tiện giao thông gia tăng nhanh, tình trạng ùn tắc trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Do đó, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với Công an Thành phố, UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan tập trung xử lý được 8/35 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm. Song thực tế hiện nay, giao thông tại nhiều khu vực, nút giao rất khó khăn do ùn tắc thường xuyên kéo dài trong giờ cao điểm. Có thể kể đến một số nguyên nhân cơ bản sau:

Thứ nhất, quá tải hệ thống hạ tầng giao thông; số lượng phương tiện giao thông đều tăng hàng năm, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường cao, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ không theo kịp dẫn đến quá tải.

Thứ hai, ý thức của của một bộ phận người dân khi tham gia giao thông chưa cao, theo thói quen không tuân thủ nghiêm các quy định của Luật Giao thông đường bộ.

Thứ ba, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ theo quy hoạch, trong đó tập trung đầu tư đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường vành đai; các tuyến trục chính có tính kết nối: Nguyễn Hoàng Tôn; Nguyễn Tam Trinh; Lĩnh Nam; Đường 70...; các cầu qua sông Hồng (Cầu Trần Hưng Đạo; Cầu Tứ Liên...) và các cầu khác qua sông để tăng tính kết nối.

Thứ tư, nhiều công trình được thực hiện trên địa bàn thành phố, đặc biệt khu vực trung tâm, quá trình tổ chức thi công các công trình trên đường giao thông gây thu hẹp mặt cắt các tuyến đường, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Thứ năm, các tuyến đường giao thông trục chính, các cầu lớn có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, các nút giao, trục đường có nhiều giao cắt với các ngõ, đường ngang gây xung đột giao thông dẫn đến chỉ cần xảy ra một sự cố va chạm giao thông, tai nạn giao thông cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.

Thưa ông, Hà Nội sẽ làm gì để khắc phục được những nguyên nhân trên đây để có thể chấm dứt được tình trạng giao thông ùn tắc trong nhiền năm qua?

Ông Nguyễn Phi Thường:  Theo tôi, để giảm thiểu ùn tắc, việc phát triển hạ tầng giao thông vẫn là giải pháp căn cơ. Tại Hà Nội thời gian gần đây nhiều công trình giao thông đã được đầu tư xây dựng góp phần nâng cao năng lực giao thông Thủ đô, tăng tính kết nối, thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển.

Tuyến đường Vành đai 2 trên cao của Hà Nội là ví dụ. Vành đai 2 là tuyến đường vành đai khép kín, đi qua nhiều quận trung tâm của Hà Nội, kết nối với Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài nên thường xuyên phải đón lượng phương tiện rất lớn. Đường Vành đai 2 trên cao từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở khi hoàn thành sẽ cùng tuyến đường dưới thấp góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, tăng năng lực lưu thông, giúp phương tiện đi lại thuận tiện hơn. Hiện nay, các gói thầu xây lắp của dự án đã cơ bản hoàn thành. Quá trình triển khai, các đơn vị thi công thực hiện theo hình thức "cuốn chiếu", đoạn trên cao triển khai đến đâu, phần đường dưới thấp cũng hoàn thành theo để bảo đảm khi đưa vào khai thác được đồng bộ.

Với tuyến đường Vành đai 2 khi đưa vào khai thác sẽ tăng đáng kể năng lực lưu thông. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là nút giao Ngã Tư Sở hiện thường xuyên xảy ra ùn tắc, trở thành nút cổ chai khi lượng phương tiện đổ về quá lớn. Điều này đặt ra nhu cầu cần tiếp tục nối dài Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy.

Hiện Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là một trong những dự án trọng điểm Quốc gia được triển khai trên địa bàn Thành phố và một số địa phương lân cận. Dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng vành đai liên vùng kinh tế trọng điểm, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Với vai trò của mình, Sở GTVT Hà Nội sẽ tăng cường đẩy mạnh công tác triển khai tuyến đường Vành đai 4. Sở cũng xác định rõ Vành đai 4 sẽ góp phần dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, là cơ sở để thực hiện công tác quy hoạch đô thị, phát triển hạ tầng giao thông đi trước một bước, tạo ra trục giao thông quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ liên kết ngành, liên kết vùng và kết nối đa chiều của các đô thị, tổ chức lại cơ cấu dân cư.

Sở GTVT cũng sẽ tăng cường phối hợp các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là hoàn thành đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sát Nhổn - Ga Hà Nội và các dự án trọng điểm để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, tăng khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị tăng khả năng kết giao thông, tỷ lệ diện tích đất giao thông, đất đô thị.

Đồng bộ nhiều giải pháp giảm ùn tắc giao thông trong năm 2013

Riêng trong năm 2023, nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông, Sở GTVT vừa qua đã tham mưu UBND Thành phố kế hoạch về việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố năm 2023. Kế hoạch được xây dựng và triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm ùn tắc; gắn trách nhiệm của giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên toàn địa bàn thành phố và địa bàn từng quận, huyện, thị xã.

Đặc biệt là thực hiện tốt việc tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao quan trọng trên địa bàn; phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, nhất là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân Quý Mão và các kỳ nghỉ lễ khác trong năm 2023.

Kế hoạch đề ra 3 chỉ tiêu chủ yếu. Thứ nhất, vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng phục vụ hiệu quả; phấn đấu phục vụ 21,5 - 23% nhu cầu đi lại của người dân.

Thứ hai, phấn đấu tiếp tục kiềm chế, giảm từ 5-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với năm 2022; phấn đấu không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trong năm 2023.

Thứ ba, tập trung giải quyết từ 8 đến 10 điểm ùn tắc giao thông; hạn chế xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; kịp thời xử lý những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc giao thông mới và các "điểm đen" về tai nạn giao thông.

UBND các quận, huyện, thị xã được giao tăng cường công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông do địa phương quản lý theo phân cấp (bố trí đầy đủ hệ thống an toàn giao thông; sơn kẻ, biển báo, bảo đảm tầm nhìn, mặt đường êm thuận...), không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng; chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm và tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt; tăng cường quản lý trật tự lòng đường, hè phố.

Chủ đầu tư các dự án chỉ đạo các đơn vị thi công tăng cường hướng dẫn, bảo đảm giao thông, có biện pháp khắc phục kịp thời khi xảy ra sự cố, đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công ngoài hiện trường, thu hồi rào chắn trả lại lòng đường phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ và các đơn vị liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất triển khai xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong tổng thể xây dựng thành phố thông minh, áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong tổ chức, điều hành giao thông; xây dựng hệ thống bản đồ số trong công tác tổ chức, điều hành giao thông, tích hợp về Trung tâm điều hành giao thông thành phố để thường xuyên cập nhật, chủ động phân tích, đưa ra những cảnh báo, phương án phân luồng giao thông hợp lý trên địa bàn Thủ đô.

Xin cám ơn ông!

Minh Anh ( thực hiện)

Top