Phát triển kinh tế từ dược liệu hữu cơ

01/03/2019 12:38 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những năm gần đây, phát triển cây dược liệu được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế của ngành trồng trọt trên địa bàn huyện Sóc Sơn tại các xã như: Bắc Sơn, Trung Giã, Xuân Giang... Đây cũng chính là vùng dược liệu hữu cơ lớn nhất của Hà Nội hiện nay và hứa hẹn sẽ mang lại nhiều đột phá trong phát triển kinh tế của vùng.

* Hà Nội phấn đấu tăng thêm diện tích trồng dược liệu 50 ha/năm

* Phát triển dược liệu: Cần có kế hoạch và khoanh vùng cụ thể

Phát triển dược liệu hữu cơ vừa bảo đảm nguồn nguyên liệu quý cho y học, vừa tạo cảnh quan môi trường sinh thái vùng - Ảnh: Thiện Tâm

Mang lại hiệu quả kinh tế cao

Bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong giai đoạn trước năm 2015, diện tích trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện gần 15 ha tập trung ở các xã: Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú. Chủng loại cây dược liệu chủ yếu là nhân trần (xã Hiền Ninh 10 ha), thanh hao hoa vàng 5 ha (xã Minh Trí, Minh Phú). Tuy nhiên, trong giai đoạn này, diện tích trồng vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, các tiến bộ kỹ thuật thâm canh cây dược liệu chưa được áp dụng vào sản xuất và đầu ra sản phẩm theo thị trường tự do. Mô hình trồng cây dược liệu chưa bền vững, thu nhập của người nông dân trồng cây dược liệu không ổn định và còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chính vì vậy, để phát triển cây dược liệu, từ năm 2015 đến 2018, huyện Sóc Sơn đã đầu tư hỗ trợ phát triển vùng sản xuất cây dược liệu trên địa bàn như hỗ trợ về giống, phân bón, mua máy sấy nhiệt lạnh cao cấp tại xã Bắc Sơn… Đồng thời huyện cũng đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn”. Song song với đó là phối hợp cùng Tổ tư vấn phát triển cây dược liệu thuộc Hội bảo tồn và phát triển Việt Nam từng bước xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cây dược liệu hữu cơ, góp phần hình thành chuỗi giá trị cho sản phẩm cây dược liệu hữu cơ trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Nhờ áp dụng tổng thể các biện pháp tác động thuật về giống thuần chủng, kỹ thuật thâm canh cây dược liệu hữu cơ, cơ giới hóa các khâu sản xuất, chế biến và sở hữu nhãn hiệu tập thể trong quảng bá sản phẩm đã đảm bảo năng suất cây dược liệu ổn định, tăng giá trị lên từ 1,5 - 2 lần giá trị của các loại cây dược liệu được trồng theo phương pháp hữu cơ so với cách canh tác trồng truyền thống về giá bán trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Nhờ vậy đã trực tiếp làm tăng thu nhập của người dân trồng cây dược liệu lên từ 280-420 triệu đồng/ha. Đời sống của người nông dân trồng cây dược liệu bước đầu đã được nâng cao, chất lượng cuộc sống được đảm bảo.

Đồng thời nhận thức về sản xuất sản phẩm dược liệu hữu cơ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được người nông dân trực tiếp sản xuất đồng thuận, hưởng ứng và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cây dược liệu hữu cơ.

Theo bà Vi Thị Bình Anh, có thể thấy hiệu quả từ trồng cây dược liệu hữu cơ đã từng bước khẳng định đây là hướng đi đúng, giúp giảm nghèo tăng khá, giàu cho các hộ nông dân trong công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thanh Tuyền, thành viên Hội Nghiên cứu trồng bảo tồn và phát triển cây dược liệu Việt Nam và cũng là một trong những người đầu tiên gắn bó với cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn, cho biết cây dược liệu đã có mặt ở xã Bắc Sơn từ hơn 4 năm nay nhưng mới thành lập chính thức Hợp tác xã trong thời gian gần đây. Sau khi thử nghiệm 100 cây dược liệu và chủ yếu trồng trà hoa vàng của Tam Đảo (vì Bắc Sơn thuộc hệ sinh thái của Tam Đảo) thì kết quả cho thấy, trà hoa vàng rất phù hợp với đất và khí hậu của Bắc Sơn nên trồng trà ra nhiều hoa hơn cả vùng Tam Đảo chính gốc.

Lúc đầu xây dựng và phát triển vùng dược liệu rất khó khăn, do người dân không đồng thuận. Nhưng sau khi thuyết phục thấy được những lợi ích quý báu của cây dược liệu hữu cơ đối với sức khỏe cũng như môi trường sinh thái, người dân trong vùng đã đồng ý cho thuê đất và phát triển vùng dược liệu từ 5 ha, đến nay đã có diện tích trồng lên gần 20 ha.

Từ vùng thảo dược Bắc Sơn, chị Tuyền đã phát triển thêm 2 vùng dược liệu khác trên địa bàn huyện là Trung Giã và Xuân Giang. Tại xã Bắc Sơn, với hình thức liên kết thuê đất và thuê chủ đất trồng, chăm sóc dược liệu, còn tại xã Trung Giã là hình thức liên kết với nông dân cùng đầu tư và tại xã Xuân Giang, là phối hợp với hợp tác xã địa phương để tổ chức trồng dược liệu. Trong đó có nhiều loại thảo dược quý hiếm như: Thất diệp nhất chi hoa, ngải rắn, lan kim tuyến vân đỏ, xáo tam phân…

Do phát triển sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ nên dược liệu trong vùng hoàn toàn không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật mà dùng các loại phân bón hữu cơ, thuốc thảo mộc để phòng ngừa, trị sâu, nấm bệnh cho cây.

Trồng dược liệu hữu cơ 100% không sử dụng phân bón hóa học - Ảnh: Thiện Tâm

Chính bởi chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm uy tín nên nguồn cung không đủ cầu. Thị trường tiêu thụ của vườn dược liệu chủ yếu được các doanh nghiệp, cơ sở bào chế dược phẩm thu mua để làm thuốc. Đồng thời cơ sở còn chế biến 25 sản phẩm từ thảo dược như: Trà ướp hoa, trà hoa, các loại thảo dược túi lọc tiện dụng, các loại tinh dầu, gối chườm, mỹ phẩm thảo dược… bán trực tiếp đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có những khách hàng nước ngoài như Nhật Bản cũng đã đến tham quan vườn và đặt hàng.

Kết quả này là sự nỗ lực cố gắng của chị và rất nhiều cộng sự tâm huyết, bởi theo chị Tuyền, nước ta rất giàu có về tài nguyên dược liệu đông y, đây được xem như “một thứ vàng mười” mà y học chưa khai thác hết. Chính vì vậy, phát triển dược liệu hữu cơ không chỉ cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, an toàn cho y học, bảo vệ sức khỏe con người mà còn góp phần nâng cao đời sống nhân dân- bảo đảm được hai tiêu chí là sức khỏe và kinh tế cho chính nhân dân trong vùng.

Cần nhân rộng vùng dược liệu

Tuy nhiên, cở sở hạ tầng phục vụ trong vùng sản xuất chuyên canh cây được liệu còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất lớn, do các vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu nằm ở vùng sâu, vùng xa thuộc các xã nghèo trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế (chủ yếu là thủ công, bán sản phẩm thô) do vậy ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị sản phẩm cây dược liệu.

Thị thường, giá trị xuất khẩu của ngành cây dược liệu Việt Nam nói chung có tiềm năng lớn nhưng để có hiệu quả cao, ổn định cần có sự quan tâm đầu tư lâu dài của các cấp, các ngành. Vì trồng các loại cây dược liệu phải so sánh hiệu quả kinh tế với các loại cây trồng khác để định hướng phát triển vùng quy hoạch chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ bền vững cần có sự tham gia của các hộ nông dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn.

Với những kết quả đạt được, theo bà Vi Thị Bình Anh, trong năm 2019 và giai đoạn tiếp theo, để phát triển vùng dược liệu an toàn, huyện Sóc Sơn sẽ tiếp tục mở rộng các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao ở những diện tích đất khó khăn canh tác các loại cây trồng khác đến năm 2020 đạt 30-50 ha (tại các xã vùng đồi gò và một số xã có điều kiện sản xuất cây dược liệu tiếp theo, nhằm bảo tồn gen và tạo ra sản phẩm xuất khẩu và là điểm thăm quan học tập).

Bên cạnh đó, huyện cũng rất mong Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ, UBND Thành phố Hà Hội, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở NN&PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho huyện Sóc Sơn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng và xúc tiến thương mại nhãn hiệu sở hữu tập thể “Cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn” trong sản xuất cây dược liệu giai đoạn 2018 - 2020.

Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích thâm canh trồng cây dược liệu hữu cơ chất lượng cao, hỗ trợ cơ giới hóa các khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm cây dược liệu hữu cơ Sóc Sơn.

Tăng cường công tác đào tạo quản lý, kỹ thuật chuyên ngành để nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, nông dân trong sản xuất và thâm canh cây dược liệu theo hướng hữu cơ, khuyến khích phát triển các loại cây dược liệu có nguồn gốc bản địa Việt Nam.

Thiện Tâm

Top