Phòng chống cháy nổ: Phòng ngừa và chủ động trong từng hộ gia đình
(Chinhphu.vn) - Trong công tác phòng, chống cháy nổ, Hà Nội yêu cầu lấy phòng ngừa là chính, đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng địa phương, cơ sở để loại trừ và giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ.
Gần 300 vụ cháy trong 9 tháng năm 2022
Báo cáo về tăng cường công tác phòng chống cháy nổ trên địa bàn tại hội nghị trực tuyến của Thường trực Thành uỷ Hà Nội chiều 28/8, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 (tính từ 15/12/2021 - 14/9/2022) trên địa bàn xảy ra 288 vụ cháy.
Trong đó, có 6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 117 vụ cháy trung bình, 151 vụ chảy nhỏ, 3 vụ cháy rừng. Thiệt hại khiến 20 người chết và 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng.
So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2021, tăng 5 vụ cháy, tăng 9 người chết, giảm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản giảm khoảng 6,9 tỷ đồng.
Trong đó, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện 190 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 4 vụ và đang điều tra, làm rõ 82 vụ.
Trong công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, trên địa bàn Thành phố đã xây dựng, duy trì 86 mô hình an toàn về PCCC và CNCH. Bước đầu, các mô hình này được triển khai đến cấp xã, khu dân cư, tô dân phố và từng người dân đã phát huy rất hiệu quả phương châm 4 tại chỗ như phát động phong trào "mở lối thoát hiểm, thoát nạn thứ 2"; mô hình "tổ liên gia PCCC"; mô hình "điểm chữa cháy công cộng".
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trong 9 tháng đầu năm 2022 đã tổ chức 241 đoàn kiểm tra liên ngành và kiểm tra 1.975 lượt cơ sở. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra định kỳ, đột xuất 28.943 lượt cơ sở và phát hiện 2.870 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Từ đó, ban hành 2.165 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục, xử phạt 17,8 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 355 cơ sở và đình chỉ hoạt động 375 cơ sở, công khai danh tính các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Thời gian tới, Công an Thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC, CNCH và các hoạt động sản xuất, kinh doanh có điều kiện trên địa bàn TP. Tiếp tục hoàn thiện và ban hành Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nâng cao ý thức tự giác thực hiện của từng cơ quan, người dân
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác PCCC, cứu hộ, cứu nạn tuy có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.
Tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp trong những năm qua và có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và thiệt hại, các vụ cháy lớn, gây thiệt hại về người và tài sản vẫn xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về công tác PCCC của người đứng đầu các cấp, các ngành và nhân dân ở một số nơi còn hạn chế; ý thức phòng ngừa, kỹ năng thoát hiểm của một số bộ phận người dân chưa cao, dẫn việc xảy ra những vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại về người và của.
Công tác phòng cháy ở một số cơ quan, đơn vị, hộ gia đình, cá nhân; đặc biệt là các cơ sở kinh doanh (karaoke, vũ trường, quán bar, các điểm trông giữ phương tiện tại nhà...) chưa được quan tâm đúng mức, chưa nắm được phương pháp chữa cháy tại chỗ, không tự tổ chức cứu chữa được khi xảy ra cháy, nổ.
Nhiều nơi chưa có phương tiện chữa cháy hoặc đã được trang bị song không thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng dẫn đến hệ thống bị xuống cấp, không hoạt động khi xảy ra sự cố.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần chủ động thực hiện 04 phương châm trong phòng cháy, chữa cháy tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ), lấy phòng ngừa là chính, đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC trong từng khu dân cư, từng hộ gia đình, từng địa phương, cơ sở để loại trừ và giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ.
"Phải xây dựng, duy trì và bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy tại chỗ để chủ động phòng ngừa và chữa cháy kịp thời, có hiệu quả', bà Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh.
Ngoài ra, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về PCCC, nâng cao ý thức tự giác thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, người dân, coi việc PCCC là trách nhiệm, quyền lợi của mình; kiến thức, kỹ năng để cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt việc phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.
Có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo đúng quy chuẩn an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, trong đó ưu tiên trang bị, ứng dụng công nghệ cảnh báo khói, báo cháy, thoát nạn, thoát hiểm ... tại nhà dân và những cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ...
Gia Huy