Quy hoạch Thanh Oai thành đô thị xanh, khu sinh thái đáng sống

18/03/2024 7:33 PM

(Chinhphu.vn) - Với định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội, huyện Thanh Oai tập trung khai mở những lợi thế, bảo tồn văn hóa truyền thống, nhằm tạo ra những tiền đề để xây dựng đô thị xanh, sinh thái đáng sống của Thủ đô.

Nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển trong tương lai

Trong thời gian qua, công tác lập quy hoạch vùng huyện được huyện Thanh Oai triển khai quyết liệt trên cơ sở kế thừa, tiếp thu các quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngay sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, huyện Thanh Oai đã xây dựng các dự án nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, dự án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn thu để xây dựng hạ tầng.

Quy hoạch Thanh Oai thành đô thị xanh, khu sinh thái đáng sống- Ảnh 1.

Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Ảnh minh họa

Từ quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, huyện đã nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch thành phố, khai thác các thế mạnh của địa phương. Trên cơ sở quy hoạch chung, huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã lập đồ án quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030, bảo đảm phù hợp, khớp nối với các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; lập quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã và điểm dân cư nông thôn, tỉ lệ 1/500.

Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch số 158/KH-UBND ngày 29-5-2023 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thanh Oai đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị được duyệt; các đề án phát triển sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện định hướng và đề xuất các nội dung điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo, phù hợp với đề án đã được UBND thành phố phê duyệt.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030, Thanh Oai đã đề xuất, kiến nghị thành phố, các sở, ngành xem xét chấp thuận cho phép cập nhật một số nội dung cho công tác lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai và các nội dung tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Do đó, huyện đã xin bổ sung phát triển quy hoạch đô thị; bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp; nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc trục phát triển phía Nam và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Đồng thời, quy hoạch phát triển du lịch sinh thái ven sông Đáy; quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông.

Ngay sau khi trình bổ sung các quy hoạch với điều kiện hiện tại, nhiều địa phương trong huyện kỳ vọng về sự phát triển trong tương lai.

Cụ thể, huyện đã cập nhật bổ sung phát triển đô thị khu vực phía Tây tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện và dự kiến khu vực phát triển đô thị hơn 2.000ha.

Đồng thời, định hướng phát triển khu vực đô thị thị trấn Kim Bài, mở rộng vùng phát triển về khu vực các xã xung quanh. Ngoài ra, cho phép bổ sung phát triển đô thị dọc kênh Yên Cốc và phát triển đô thị xanh kết hợp sinh thái hai bên bờ kênh Yên Cốc.

Bên cạnh đó, nghiên cứu khai thác quỹ đất dọc trục phát triển phía Nam và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Trục phát triển kinh tế phía Nam, trục kinh tế huyện Thanh Oai và đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là trục giao thông chiến lược của Thủ Đô cũng là trục động lực kinh tế chính của huyện. Các trục giao thông này có vai trò liên kết không gian kinh tế của huyện và thành phố. Để khai thác hết tiềm năng và lợi thế, huyện đề xuất nghiên cứu một số vùng động lực kinh tế xoay quanh các xã ven vành đai.

Không chỉ bổ sung các quy hoạch đô thị, nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng xã, thị trấn trên địa bàn, Thanh Oai còn bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông, nhằm tăng tính kết nối, thúc đẩy giao thương.

Huyện đã định hướng nâng cấp các mặt cắt tuyến đường kết nối chính trên địa bàn như: Đường trục phát triển phía Nam (Cienco 5) mặt cắt hiện trạng là 40m, đề xuất điều chỉnh mặt cắt đường cao tốc 80-120m; tuyến tỉnh lộ 427, 429 đề xuất quy hoạch mặt cắt ngang rộng 40-50m. Bổ sung một số tuyến đường kết nối Đông Tây trên địa bàn Thanh Oai với các huyện: Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa.

Với những quy hoạch chi tiết, quy hoạch mở phù hợp với quy hoạch chung thành phố, đặc biệt là các quy hoạch có tính khai mở những lợi thế, bảo tồn văn hóa truyền thống, huyện Thanh Oai đang tạo những tiền đề để xây dựng đô thị xanh, sinh thái đáng sống của Thủ đô.

Hiện thực hóa khát vọng trở thành quận sinh thái

Để điều chỉnh quy hoạch phù hợp sự phát triển của huyện, tiến tới hiện thực hóa khát vọng trở thành quận sinh thái vào năm 2028, huyện Thanh Oai kiến nghị, đề xuất UBND thành phố, các sở, ngành chỉ đạo, hướng dẫn, gỡ vướng trong công tác quy hoạch, giao thông, phát triển đô thị, hệ thống cấp nước sạch, đất đai, xây dựng, giải phóng mặt bằng, lĩnh vực điện, đầu tư công và hoạt động quân sự - quốc phòng.

Đặc biệt, huyện Thanh Oai kiến nghị, đề xuất về Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, để thực hiện tốt công tác định hướng quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai, huyện Thanh Oai đề xuất cập nhật đưa vào đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, huyện đề xuất điều chỉnh, bổ sung tính chất và chức năng của huyện Thanh Oai và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô: "là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại cho khu vực trung tâm thành phố, đang có xu hướng phát triển lên quận giai đoạn 2028 – 2030; là vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề, phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics quan trọng phía Nam Thủ đô; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao quan trọng của Thủ đô.

Huyện đề xuất định hướng quy hoạch khu trung tâm huyện Thanh Oai mở ra các xã giáp ranh lân cận với thị trấn Kim Bài như Thanh Mai, Tam Hưng, Đỗ Động, Kim Thư, Kim An; định hướng quy hoạch trụ sở trung tâm hành chính huyện tại thị trấn Kim Bài, Thanh Mai.

Bên cạnh đó, định hướng quy hoạch 2 khu công nghiệp trong có có 1 khu tại các xã Thanh Văn – Tân Ước với quy mô 350ha, 1 khu tại xã Xuân Dương khoảng 150ha; định hướng phát triển du lịch với quy hoạch sân golf 300ha tại xã Kim An và một phần thuộc xã Kim Thư, thị trấn Kim Bài.

Thanh Oai cũng đề xuất định hướng phát triển hệ thống khung giao thông trên địa bàn huyện. Trong đó, huyện kiến nghị UBND TP. Hà Nội xác định 1 vị trí trung tâm thông quan trên tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thanh Oai.

Đề nghị UBND TP. Hà Nội định hướng quy hoạch không gian ngầm kết nối trung tâm TP với tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua huyện Thanh Oai và tuyến đường trục phía Nam đi các khu du lịch tâm linh như Tam Chúc, chùa Hương, chùa Bái Đính; định hướng quy hoạch tuyến đường Phương Trung – Đỗ Động thành tuyến đường tỉnh kết nối các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín; tuyến giao thông kết nối Đông Tây tuyến Thanh Mai – Mỹ Hưng.

Định hướng phát triển hệ thống cấp nước, huyện được sử dụng 100% nước sạch từ nguồn nhà máy nước mặt sông Đà và nhà máy nước Hà Đông. Huyện cũng đề nghị điều chỉnh quy hoạch đường điện cao thế 500KVA giáp hành lang an toàn giao thông đường Vành đai 4.

Đánh giá về những tiềm lực của huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Thanh Oai có vị trí chiến lược trong phát triển phía Tây Nam Hà Nội. Những năm qua, Thanh Oai phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực. Đối với các mục tiêu năm 2024 về kinh tế - xã hội, huyện cần bám sát để thực hiện, đặc biệt là tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất để tăng nguồn đầu tư.

Ngoài ra, Thanh Oai cần tập trung rà soát, bổ sung quy hoạch cho phù hợp điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô trên cơ sở phát huy nguồn lực về địa lý, thổ nhưỡng. Với mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sinh thái, là hành lang xanh của Thủ đô, các phân khu quy hoạch cần tính đến liên kết, kết nối về hạ tầng giao thông, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển. Đồng thời, huyện cần đẩy mạnh tiến độ giao đất tái định cư Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; giải quyết tồn đọng trong vi phạm đất đai...

Về việc Thanh Oai đề xuất TP. Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai và các nội dung tích hợp vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn nhấn mạnh: Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai phải thực hiện đúng theo Luật Xây dựng và căn cứ vào điều chỉnh tổng thể của quy hoạch chung xây dựng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000 theo quyết định số 4464/QĐ-UBND ngày 27/8/2014 của UBND TP. Hà Nội. Quy hoạch phải mang tính kế thừa, hợp lý, phù hợp với quy hoạch Thủ đô.

Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn cơ bản thống nhất, tán thành với định hướng quy hoạch của huyện nêu tại Quy hoạch vùng huyện Thanh Oai. Đồng thời, yêu cầu Viện Quy hoạch - Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc hỗ trợ, hướng dẫn huyện Thanh Oai khẩn trương hoàn thiện một số nội dung định hình các khu chức năng. Trong đó, nghiên cứu thêm định hình phát triển vùng phía Nam của huyện, chẳng hạn như mở rộng diện tích phát triển công nghiệp). Hay tập trung phát triển các dải đô thị theo 3 trục: trục QL21B, trục kênh Yên Cốc và trục phát triển phía Nam của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng đề nghị các sở, ngành đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng giao thông, đô thị… cho địa phương.

Thùy Chi

Top