Quyết liệt giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 1 trong năm 2023
(Chinhphu.vn) - Sáng 4/8, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện dự án xây dựng đường Vành đai 1 (đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục) trên địa bàn các quận Ba Đình, Đống Đa.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận cuộc kiểm tra. Ảnh: VGP/DA
Kiến nghị khẩn trương bàn giao nhà tái định cư cho các hộ dân
Theo báo cáo tại cuộc kiểm tra, trên địa bàn quận Ba Đình, dự án xây dựng đường Vành đai 1 dài 2.274m, đoạn đi qua quận dài 1.227m, trên địa bàn 3 phường Ngọc Khánh, Thành Công, Giảng Võ với 1.393 trường hợp thu hồi (gồm 1.372 hộ dân và 21 tổ chức), tổng diện tích đất thu hồi 111.361m².
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến đề nghị, Thành phố sớm ban hành các quyết định bán nhà, chỉ đạo các đơn vị quản lý nhà quỹ nhà 30T1, 30T2 Khu đô thị Nam Trung Yên và quỹ nhà CT3 Nghĩa Đô khẩn trương bàn giao nhà tái định cư cho các hộ dân; bàn giao nhà đưa vào sử dụng đối với các quỹ nhà tái định cư: Dự án xây dựng nhà ở tái định cư CT3 khu tái định cư Xuân La, quận Tây Hồ; Dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư tại ô đất B11-HH2 khu Bắc Cổ Nhuế - Chèm (Ecohome 3) để quận bố trí nhà tái định cư cho các hộ dân.
Quận cũng đề nghị Sở Quy hoạch-Kiến trúc sớm xác nhận bản vẽ chỉ giới (ranh giới) phân kỳ (khu vực trước Đài Truyền hình Việt Nam) của dự án làm cơ sở để Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng Thành phố trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư.
Về phía quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, dự án Vành đai 1 trải dài qua 4 phường (Ô Chợ Dừa, Cát Linh, Láng Thượng, Láng Hạ) của quận, số hộ phải thu hồi đất 628 hộ, nhu cầu tái định cư (dự kiến) 950 căn hộ. Về vướng mắc, hiện còn vướng mắc về quy hoạch đối với 138 hộ/6.083m2 tại phường Ô Chợ Dừa do các hộ dân có đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền đề nghị không thu hồi đất (phần làm cây xanh) ở giai đoạn sau và được tiếp tục sử dụng đất, ổn định đời sống.
Đặc biệt, trong số 138 hộ, có 90 hộ có đất thu hồi trong phạm vi dự án tuyến đường Vành đai 1, các hộ dân không phối hợp trong công tác điều tra kiểm đếm đất và tài sản trên đất, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa kiến nghị, Thành phố có giải pháp nhằm giảm bớt khó khăn cho các hộ dân thuộc diện thu hồi đất, ổn định tình hình tại địa phương, đồng thời bảo đảm tiến độ của dự án. UBND quận Đống Đa kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận các nội dung chính sách hỗ trợ đã được liên ngành họp thống nhất. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, xem xét, giải quyết các nội dung vướng mắc còn tồn tại chưa được thống nhất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, việc hoàn thành tuyến đường Vành đai 1 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Chủ đầu tư và hai quận Đống Đa, Ba Đình trong giai đoạn then chốt phải làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc lớn nhất hiện nay.
Về tiến độ, quan điểm của Thành phố là không thay đổi với điều chỉnh thời gian thực hiện dự án giai đoạn 2018-2024 (theo Quyết định số 1742/QĐ-UBND). Về công tác giải phóng mặt bằng, các quận phải thực hiện các biện pháp kiên quyết; giải quyết dứt điểm việc bố trí tái định cư cho các hộ dân, cho phép áp dụng tối đa các cơ chế đặc thù.
Cần áp dụng cơ chế tối đa cho người dân
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, dự án xây dựng đường Vành đai 1 là dự án trọng điểm của Thành phố, thuộc danh mục các công trình ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2025.
Chủ trương của Thành phố có ưu tiên bố trí vốn để hoàn thiện đường vành đai, trong đó, có tuyến đường Vành đai 1. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã chỉ đạo, phải đẩy nhanh tiến độ, quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng trong năm 2023 và phải hoàn thành dự án trong năm 2024.
Hiện nay, tiến độ triển khai dự án còn chậm, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, do đó, thời gian tới, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông báo số 1114/TB-TU của Thành ủy, trong đó, cần tập trung hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong năm 2023 và khánh thành dự án năm 2024.
Đối với UBND quận Ba Đình và quận Đống Đa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, tích cực đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để hoàn thành trong năm 2023. Về chính sách đặc thù giải phóng mặt bằng, UBND các quận tiếp tục nghiên cứu, xem xét, giải quyết các nội dung vướng mắc còn tồn tại, chưa được liên ngành thống nhất, trong đó, áp dụng tối đa các cơ chế theo quy định cho người dân.
Về công tác tái định cư, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với 2 quận và chủ đầu tư, các sở, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc, đến ngày 15/8, phải đề xuất xong toàn bộ về nhà tái định cư cho dự án…
Trước khi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến và đoàn đã kiểm tra thực địa dọc tuyến Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục và tại các nút giao: Nút giao Láng Hạ (khu vực chợ Thành Công đã giải phóng mặt bằng); điểm sinh hoạt tôn giáo họ đạo Giảng Võ (766 La Thành); nút giao Voi Phục (cổng Đại sứ quán Nga).
Dự án xây dựng đường Vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, TP. Hà Nội tổng chiều dài 2.274m, mặt cắt ngang 50m (bao gồm hai cầu vượt tại các nút Giảng Võ-Láng Hạ và nút Nguyễn Chí Thanh). Tổng mức đầu 5.818 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2018-2024. Về quỹ nhà tái định cư đã được bố trí 580 căn hộ tại nhà 30T2 khu A14 Nam Trung Yên và nhà CT2, CT3 khu X2 Đại Kim, quận Hoàng Mai.
Đến nay, đã đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất được 1.602/2.021 hộ, đạt 79,3%; kiểm đếm tài sản được 1.586/2.021 hộ, đạt 78,4%; UBND các phường đã xác nhận nguồn gốc đất được 1.248/1.586 hộ đã kiểm đếm tài sản; UBND các quận đã phê duyệt 459 phương án giải phóng mặt bằng, đã chi trả tiền cho 325 hộ dân (đạt 70,8%), trong đó, 95 hộ đã bàn giao mặt bằng, 90 hộ đã phá dỡ (quận Ba Đình 46 hộ, quận Đống Đa 44 hộ).
Diệu Anh