Rà soát các cơ sở, công trình có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ
(Chinhphu.vn) - UBND TP. Hà Nội vừa đề nghị Công an Thành phố, các quận, huyện, thị xã tăng cường các biện pháp phòng cháy chữa cháy đối với các cơ sở có nguy cơ xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người trên địa bàn.
Cụ thể, theo UBND TP. Hà Nội, trong thời gian qua, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung chỉ đạo của Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND Thành phố về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), UBND Thành phố đã quyết liệt tổ chức thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, kịp thời giải quyết những vấn đề lớn, nóng, nổi lên trong công tác PCCC và CNCH; qua đó, đã góp phần ngăn ngừa, làm giảm các nguy cơ dẫn đến cháy, nổ, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến rất phức tạp, vẫn xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, điển hình như vụ cháy xảy ra ngày 28/9/2024 tại xưởng tái chế nhựa ở địa chỉ: Đội 12b, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức...
Đối tượng xảy ra cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người tập trung chủ yếu vào loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất; nhà trọ; nhà nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini); cơ sở, công trình chưa nghiệm thu đưa vào hoạt động, xây dựng trên đất không phép, trái phép; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa nằm xen kẽ trong khu dân cư…
Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở, công trình không đảm bảo an toàn về thoát nạn, ngăn cháy, không trang bị hệ thống cảnh báo cháy sớm, hệ thống chữa cháy tự động...
Do đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, hạn chế đến mức tối đa xảy ra các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tại Văn bản số 3559/UBND-NC ngày 28/10/2024, UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo triển khai đầy đủ, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật, Chỉ thị, Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Quốc hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND và các Chương trình, Kế hoạch chuyên đề trọng tâm trong công tác PCCC và CNCH của Thành phố đã ban hành trong thời gian vừa qua.
Tổ chức rà soát, lập danh sách đối với các cơ sở, công trình có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người để tăng cường, tập trung triển khai thực hiện các biện pháp, giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn xảy ra cháy, nổ (trường hợp nếu xảy ra cháy, nổ thì không gây thiệt hại về người).
Cụ thể rà soát, lập danh sách đối với các cơ sở, công trình thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định tại Phụ lục I Nghị định số 50/2024/NĐ-CP ngày 10/5/2024 của Chính phủ. Một số loại hình thuộc đối tượng quản lý theo khu dân cư như: Nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini); nhà ở hộ gia đình có kinh doanh hoá chất.
Căn cứ danh sách cơ sở có nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người trên địa bàn, UBND cấp huyện chỉ đạo các lực lượng có liên quan (Quản lý đô thị, trật tự xây dựng, văn hoá, kinh tế,, điện lực, UBND cấp xã...) chủ động phối hợp với lực lượng Công an tăng cường, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC tại cơ sở.
Trọng tâm như tăng cường công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC; kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc Chủ cơ sở/chủ hộ gia đình thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC theo quy định. Hướng dẫn cơ sở xây dựng phương án chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy mô, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ; tăng cường tự tổ chức thực tập các tình huống có thể xảy ra cháy, nổ, sử dụng lực lượng, phương tiện tại cơ sở để xử lý sự cố, thoát nạn an toàn.
Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội yêu cầu quyết liệt xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Xử lý các vi phạm về PCCC theo quy định như: Xử phạt vi phạm hành chính; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với công trình/hạng mục công trình.
Công khai danh sách chủ đầu tư, công trình còn tồn tại, vi phạm về PCCC trên cổng thông tin điện tử của địa phương để nhân dân biết, cùng giám sát…
Giao các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, UBND cấp xã chủ động rà soát, kiểm tra, tăng cường xử lý vi phạm đối với các vi phạm theo chức năng, nhiệm vụ của từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực (đất đai, quy hoạch, xây dựng, an toàn điện, giấy phép kinh doanh...).
Thành phố Giao Ban Chỉ đạo 197 cấp huyện, cấp xã chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đoàn thể có liên quan tổ chức kiểm tra, xử lý triệt để, dứt điểm các vi phạm (nếu có) theo lĩnh vực được phân công phụ trách; trên cơ sở kết quả kiểm tra, xử lý, làm rõ, xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm các đơn vị, tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc. Củng cố hồ sơ, xem xét chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, khởi tố đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự theo quy định.
Minh Anh