Rà soát kỹ quy trình, thủ tục với khu, cụm công nghiệp chậm tiến độ

28/09/2022 5:13 PM

(Chinhphu.vn) - Tuy các khu, cụm công nghiệp tại địa bàn được đánh giá triển khai còn chậm, nhưng Phó Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, từ khi bắt đầu phục hồi kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cùng các chỉ đạo của Thành Thành phố nên các khu, cụm công nghiệp tại Hà Nội đã 'trên bệ phóng' thuận lợi để phát triển.

Hà Nội: Các khu, cụm công nghiệp đang 'trên bệ phóng' phát triển - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết tại hội nghị của Thường trực Thành uỷ Hà Nội với các sở, ngành, địa phương nhằm xem xét nội dung tình hình thực hiện và các giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).

10 Khu công nghiệp thu hút 307 dự án đầu tư nước ngoài

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, đến nay, Thành phố có 10 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là trên 1.347 ha (trong đó có 9 KCN với diện tích 1.270,5 ha đã hoạt động ổn định có tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%; KCN hỗ trợ Nam Hà Nội giai đoạn 1, diện tích 76,9ha đã hoàn thiện hạ tầng và thu hút được 2 dự án).

Các KCN đã thu hút được 711 dự án đang hoạt động, trong đó có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD, 404 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký gần 19.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 166.000 lao động với thu nhập ổn định.

Đối với Cụm công nghiệp (CCN), đến tháng 9/2022, Thành phố đã và đang triển khai thực hiện 105 CCN, tổng diện tích 2.344 ha (bình quân 22ha/cụm), phân bố tại 19 quận, huyện, thị xã.

Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, các CCN đang hoạt động ổn định và có xu hướng tiếp tục phát triển, thu hút được trên 4.160 hộ sản xuất, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất kinh doanh, thu hút gần 80.000 lao động.

Các KCN, CCN đã đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội. Hà Nội đã và đang tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch thân thiện môi trường.

Cùng với xu thế phát triển chung của ngành, các KCN, CCN của Hà Nội đang không ngừng phát triển, thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nâng cao hiệu quả sử dụng đất; thúc đẩy tăng trưởng ngành CN, nâng cao giá trị xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm và tăng nguồn thu ngân sách; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng; góp phần thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực khác phát triển và bước đầu góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường sinh thái.

UBND Thành phố đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và giải pháp cụ thể, tổ chức các cuộc họp giao ban từng Quý để tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ khởi công với từng KCN, CCN. Giao Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị tham mưu xây dựng Kế hoạch, tiến độ khởi công từng dự án và các văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, các chủ đầu tư thực hiện.

Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, công tác phát triển các KCN, CCN vẫn còn tồn tại như việc phát triển các KCN chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, còn nhiều dự án đầu tư KCN chậm tiến độ, chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng; công tác rà soát quy hoạch xây dựng và phát triển các KCN còn chậm; hệ thống hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN còn nhiều bất cập; tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu trong nước thấp, chủ yếu nhập khẩu nên không kích thích được sản xuất trong nước; Giá thuê đất của Hà Nội cao so với các tỉnh, thành lân cận nên khó thu hút dự án vào KCN.

Giải trình thêm tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển kinh tế nói chung và hạ tầng phục vụ sản xuất được Thành phố đặc biệt quan tâm, nên việc phát triển khu, cụm công nghiệp hết sức cần thiết, tạo nguồn thu ngân sách. Về mục tiêu, Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đạt 36.000 USD/người, như vậy trong 10-15 năm tới cần phát triển hạ tầng sản xuất để đạt mục tiêu đặt ra.

Trong hơn 10 năm qua việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố còn chậm. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền, sau đại dịch, đặc biệt là từ khi bắt đầu phục hồi kinh tế, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ cùng các chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, UBND Thành phố nên các khu, cụm CN đã "trên bệ phóng" thuận lợi để phát triển.

Rà soát kỹ quy trình, thủ tục với khu, cụm công nghiệp chậm tiến độ - Ảnh 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Gia Huy

Tiến độ đầu tư các cụm công nghiệp còn chậm

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh thêm về tiến độ đầu tư, xây dựng các khu, cụm công nghiệp mới trên địa bàn còn chậm. Theo số liệu báo cáo của Sở Công thương, năm 2021, Thành phố có kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp; tuy nhiên, đến nay mới đầu tư mới được 6 CCN.

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố, các sở, ngành, địa phương cần rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố; đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại, đảm bảo cải cách tối đa các thủ tục hành chính.

Ban cán sự đảng UBND Thành phố chỉ đạo các UBND Thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương tổng hợp, hoàn thiện hồ sơ xin chuyển đổi đất lúa trình Thủ tướng Chính phủ; cùng với đó, cần hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đã đủ điều kiện…

Đối với các dự án chậm tiến độ, đề nghị các cơ quan, đơn vị rà soát kỹ về quy trình, thủ tục đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các dự án đủ điều kiện điều chỉnh, gia hạn tiến độ, cần đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị gia hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường… trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình triển khai đầu tư, cần lưu ý đầu tư đồng bộ các thiết chế văn hóa, phục vụ nhu cầu của người lao động.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng nêu các quận, huyện, thị xã cần yêu cầu các Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Thành phố ký cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; chủ động kêu gọi, thu hút, tiếp nhận dự án đầu tư vào cụm công nghiệp trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hạn chế tối đa việc gây ô nhiễm môi trường.

Các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào KCN, CCN như: đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối đến hàng rào KCN, CCN mới, hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như: cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, viễn thông... đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhà đầu tư.

Gia Huy

Top