Rau gia vị mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ngoại thành

20/05/2023 6:53 PM

(Chinhphu.vn) - Vị đầu bếp Pháp lừng danh Didie Cooclu phát hiện rau gia vị đã tạo nên hương sắc độc đáo riêng của mỗi món ăn Hà Nội. Hàng chục năm qua, trồng rau gia vị đã trở thành một nghề gắn bó mật thiết, mang lại thu nhập cao cho người dân huyện Thường Tín và huyện Mê Linh của Hà Nội.

Rau gia vị mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân ngoại thành - Ảnh 1.

Vùng rau của Mê Linh được trang bị tưới tự động 100% - Ảnh: An Khuê

Hiệu quả trồng rau theo theo tiêu chuẩn VietGAP

Tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội người nông dân từ lâu đã sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP. Tại đây, người sản xuất chuyên trồng các loại rau lagim - loại rau thơm chủ yếu dùng ăn sống, nên hầu hết cánh đồng của Tân Minh hiếm khi thấy nông dân phun nhiều thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tân Minh cho biết, từ những cánh đồng cấy lúa kém hiệu quả, người dân 5 thôn đã biến thành "vựa" rau an toàn 218 ha của 1.685 hộ gia đình. Trung bình mỗi năm, xã Tân Minh cung cấp cho thị trường khoảng 500 tấn rau các loại.

Để sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã thường xuyên tập huấn, nâng cao ý thức về trồng rau an toàn cho nông dân; đồng thời, thành lập các tổ giám sát, mỗi tổ khoảng 35 người chịu trách nhiệm giám sát quá trình sản xuất rau của các thành viên.

Ông Phúc cho biết, cũng chính vì rau của Tân Minh được các ngành chức năng cần thường xuyên hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bảo đảm năng suất, sản lượng; xây dựng chuỗi liên kết với các doanh nghiệp đầu tư giống, phân bón để trồng rau sạch, an toàn sinh học... Ông Phúc cũng nhấn mạnh, để vùng rau Tân Minh phát triển mạnh, Hợp tác xã tiếp tục làm cầu nối liên kết tiêu thụ sản phẩm; nghiên cứu đề xuất các ngành chức năng xây dựng thương hiệu rau Tân Minh để nâng cao giá bán ra thị trường.

Ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết xã Tân Minh đã trở thành vùng trồng rau trọng điểm của huyện Thường Tín. Việc sản xuất rau tại Tân Minh luôn được giám sát chặt chẽ về kỹ thuật nhằm cung ứng sản phẩm bảo đảm an toàn phục vụ người tiêu dùng. Thời gian tới, huyện hỗ trợ nông dân về khoa học kỹ thuật sản xuất an toàn, liên kết chuỗi, ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng tiện ích...

Có thể thấy, việc trồng rau phụ thuộc phần lớn vào thời tiết, để giúp người trồng rau nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, rất cần sự hỗ trợ tích cực của các ngành chức năng từ khâu quy hoạch đến hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chính quyền đồng hành với nông dân trong chuỗi giá trị

Vùng sản xuất rau gia vị tại xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh được hình thành cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu với cây hành lá, sau dần bà con mở rộng diện tích và phát triển thêm các cây gia vị khác.

Cũng như người nông dân xã Tân Minh, huyện Thường Tín, nhiều người sản xuất rau gia vị xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh đã có chỗ đứng trên thị trường thủ đô. Đặc biệt, vì hiệu quả kinh tế cao, nghề trồng rau gia vị đã thu hút 1.300 hộ nông dân trong xã tham gia, với diện tích khoảng 75ha.

Hiện nay, nghề trồng rau gia vị đã được mở rộng ra địa bàn các thôn lân cận trên địa bàn xã Tiến Thắng. Một trong những yếu tố thúc đẩy được việc này chính là UBND huyện Mê Linh đã hướng dẫn bà con nông dân xã Tiến Thắng chuẩn hoá sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ thực hiện đóng bao gói, hoàn thiện bao bì, nhãn mác các sản phẩm rau gia vị để đưa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện tích…

Ông Phạm Thành Đô, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh thông tin: "Một số sản phẩm rau gia vị của xã Tiến Thắng đã được Hội đồng TP.Hà Nội đánh giá, phân hạng, cấp 3 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của bà con nông dân địa phương tiếp cận sâu rộng hệ thống phân phối, bán lẻ và đến được với đông đảo người tiêu dùng Thủ đô và cả nước".

Ông Nguyễn Công Đinh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ, xã Tiến Thắng cho biết: Bà con ở đây tiêu thụ rau gia vị chủ yếu thông qua các thương lái. Giá cả có biến động nhưng rau gia vị nhìn chung có nhiều thời điểm giá rất cao. Nhất là vào tháng 6, 7 - thời điểm trái vụ - giá rau gia vị có thể lên tới 50.000 - 60.000 đồng/kg.

"Để nâng cao chất lượng sản phẩm, các thành viên HTX rất quan tâm đến việc sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học; nếu có dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng luôn tuân thủ thời gian cách ly an toàn", ông Đinh cho hay.

Đến nay, diện tích trồng rau gia vị tại xã Tiến Thắng khoảng 70-80 ha tùy từng vụ, trong đó chủ yếu trồng các loại rau gồm: Hành lá, kinh giới, rau mùi, mùi tàu, xà lách, tía tô, húng... Qua theo dõi, các cây rau gia vị đều có năng suất, sản lượng cao.

Theo đó, một số loại rau chính như hành lá đạt 220 tạ/ha, sản lượng khoảng khoảng 2.640 tấn/năm; rau gia vị các loại khác (tía tô, kinh giới, mùi tàu…) đạt 94 tạ/ha, sản lượng khoảng 1.170 tấn/năm.

Ông Nguyễn Văn Đường, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng cho biết: Tính đến nay, xã Tiến Thắng có diện tích trồng rau hơn 150ha, tập trung tại các thôn: Thái Lai, Bạch Trữ, Kim Giao, Diến Táo… đều cho hiệu quả kinh tế cao. Ưu điểm của các loài rau gia vị là chi phí đầu tư thấp, không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, chăm bón chủ yếu là phân hữu cơ và có thể trồng, thu hoạch quanh năm. Thu nhập từ rau gia vị cao gấp 3- 4 lần so với cây rau, màu truyền thống.

An Khuê

Top