Sản xuất hiệu quả giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

17/01/2023 12:05 PM

(Chinhphu.vn) - Nhờ việc lựa chọn và áp dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu nên đến nay ngành nông nghiệp của Thủ đô đã có nhiều bước phát triển mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất.

Sản xuất hiệu quả giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Khu trưng bày lúa chất lượng cao tại huyện Thanh Oai tổ chức vào tháng 12/2022. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, năm 2022, Trung tâm đã xây dựng mới được 16 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa; 3 mô hình chuyển đổi sản xuất lúa - cá tại 19 xã thuộc 8 huyện, quy mô 1.117ha. Hiệu quả kinh tế sản xuất lúa Japonica cao hơn các giống lúa khác khoảng 27,3 triệu đồng/ha/vụ.

Việc lựa chọn tạo giống lúa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, năng suất cao, chất lượng gạo tốt đã đáp ứng được nhu cầu cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời gian qua, Trung tâm đã tập trung vào bộ giống lúa Japonica và các loại giống mới chất lượng cao như: HD11, đài thơm 8, J02, RVT, HDT10, bách hợp… Đồng thời phối hợp với doanh nghiệp và các xã, hợp tác xã tổ chức 50 lớp tập huấn cho hơn 1.500 nông dân tại 60 hợp tác xã tham gia kế hoạch năm 2022. Theo đó, trên địa bàn Thủ đô đã hình thành nên vùng lúa chất lượng cao được chứng nhận chất lượng an toàn, VietGAP… và diện tích ngày càng được mở rộng.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Hà Nội là địa phương có diện tích lúa lớn của khu vực phía Bắc với khoảng 150.000ha, trong thời gian tới, diện tích lúa của Hà Nội sẽ giảm để phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội khác cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và tái cơ cấu ngành nhưng năng suất, giá trị gia tăng vẫn cần được giữ vững, tăng trưởng.

Sản xuất hiệu quả giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Vùng trồng lúa chất lượng cao Japonica của Hà Nội. Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Với những kết quả đạt được, sang năm 2023, ông Nguyễn Mạnh Phương đề nghị Trung tâm Phát triển nông nghiệp cần triển khai đồng bộ, đạt hiệu quả cao kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu thành phố giai đoạn 2021-2025; kế hoạch phát triển sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021-2025; kế hoạch nâng cao năng suất, chất lượng giống vật nuôi (bò thịt, bò sữa) và thủy sản trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025...

Ngoài việc đẩy mạnh phát triển các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, trong năm 2022, ngành nông nghiệp Thủ đô đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đến nay, toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 185 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 45 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 54 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản và 1 mô hình kết hợp trồng trọt và chăn nuôi. Các mô hình công nghệ cao tập trung nhiều ở các huyện như: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng… 

Điển hình có một số mô hình ứng dụng công nghệ cao, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp tình hình thực tế của Hà Nội và đang khẳng định được vị thế trên thị trường, điển hình như: Mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Nhà máy sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kimoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức); Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội.

Thiện Tâm

Top