Sản xuất nông nghiệp thiệt hại do mưa lũ
(Chinhphu.vn) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài đã gây thiệt hại nặng cho hoa màu, cây ăn quả, cũng như thủy sản của người dân.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội, tính từ tối ngày hôm qua đến sáng 24/7, do mưa lớn đã làm mực nước sông Đáy (đoạn cầu Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hòa) đạt báo động lũ cấp I; sông Tích (đoạn huyện Quốc Oai và Thạch Thất) đạt báo động lũ cấp III; sông Bùi (đoạn huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức) đạt báo động lũ cấp III…
Đáng chú ý, mưa lũ đã làm một người chết tại huyện Quốc Oai do bị lũ cuốn khi di chuyển qua tràn Vai Trại (xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai). Bên cạnh đó, 600m đê Bùi 2 (đoạn xã Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ) bị tràn; 20m bờ kênh Cổ Đô - Vạn Thắng (huyện Ba Vì) bị sụt lún;…
Ngoài ra, mưa lũ lớn đã làm 5.257ha lúa, 1.184ha rau màu, 124ha cây ăn quả bị úng ngập, 460ha nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ, 1.300 gia cầm bị ảnh hưởng. Trong đó, huyện Chương Mỹ là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề có 10 thôn, xóm bị úng ngập, ảnh hưởng 94 hộ dân với 773 nhân khẩu bị ngập lụt, 25km giao thông nông thôn bị úng ngập, 105m tường bao bị đổ, sạt lở...
Theo dự báo trong vài ngày tới sẽ vẫn còn tình trạng mưa to kéo dài, theo đó ngành thủy lợi Hà Nội hiện nay đang có chỉ đạo các đơn vị, địa phương, mà trước mắt là ưu tiên hạ thấp mực nước sông Nhuệ để giảm úng ngập nội thành. Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đã chỉ đạo xí nghiệp thủy lợi Hà Đông tập trung nhân lực, sẵn sàng vận hành trạm bơm tiêu Yên Nghĩa khi nước sông Nhuệ lớn và mưa to.
Đơn vị đã tập trung nhân lực, lực lượng để tổ chức vận hành ngay trạm bơm tiêu Yên Nghĩa tối đa công suất để đảm bảo tiêu úng cho khu vực phía Tây Hà Nội. Hiện nay công ty vẫn đang tập trung nhân lực đảm bảo duy trì 3 ca/ngày để đủ nhân lực vừa vận hành vừa phòng chống thiên tai… do cơn bão số 2 cũng như những đợt tiếp theo.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội yêu cầu, các quận, huyện, thị xã ven sông: Hồng, Đà, Đuống, Đáy, Tích, Bùi... tập trung ứng phó lũ theo các cấp báo động; thông báo cho người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc; rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động tập kết, trung chuyển, khai thác cát sỏi, biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người, tài sản...
Theo chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, 18h tối 24/7, Nhà máy Thủy điện Sơn La mở một cửa xả đáy và 23h Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở cửa xả đáy thứ tư.
Thiện Tâm