Sôi động thị trường hàng hóa dịp cận Tết
(Chinhphu.vn) - Còn hơn một tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, không khí thị trường hàng hóa những ngày này đang vô cùng sôi động. Đáng chú ý, sự xuất hiện của hàng Việt phục vụ Tết đang chiếm ưu thế trên thị trường, phong phú về chủng loại, mẫu mã, kiểu dáng, chất lượng, giá thành hợp lý.
Theo khảo sát của phóng viên tại một số tuyến phố kinh doanh mặt hàng bánh mứt kẹo trên địa bàn TP. Hà Nội như: Hàng Buồm, Sơn Tây, Đội Cấn, Trần Xuân Soạn, Lò Đúc... cho thấy, các mặt hàng bánh mứt kẹo sản xuất trong nước như Kinh Đô, Hải Hà, Orion... được tiêu thụ khá mạnh với giá cả phải chăng.
Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương như hoa quả, mứt Tết, gạo, cà phê đặc sản... cũng được đưa vào giỏ quà chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Giỏ quà Tết phân khúc bình dân năm nay được ưa chuộng hơn hẳn phân khúc trung và cao cấp. Bà Minh Tâm, chủ cửa hàng trên phố Đội Cấn cho biết, năm nay bà chọn các sản phẩm trong nước để có giá thành hấp dẫn thay vì hàng nhập khẩu. Nhờ thiết kế các gói quà vừa túi tiền nên từ cuối tháng 12, lượng khách đặt hàng đã tăng 20% so với tháng trước.
Những ngày gần đây sức mua hàng Tết tại siêu thị tại Hà Nội cũng tăng cao. Ghi nhận tại siêu thị Go! Thăng Long cho thấy, nguồn cung rau xanh, thịt, cá khá phong phú và đầy đủ. Các gian hàng bánh kẹo, giỏ quà Tết cũng được trưng bày bắt mắt với mức giá phải chăng.
Mặc dù còn hơn tuần nữa mới đến Tết Nguyên đán nhưng lượng khách đến siêu thị mua sắm khá đông và chủ yếu tập trung ở các gian hàng đồ tươi sống, bánh kẹo, hoa quả. Năm nay, các mặt hàng Việt Nam cũng được người tiêu dùng lựa chọn. Nhiều người tiêu dùng đánh giá, nguồn hàng Tết được cung cấp năm nay tương đối đầy đủ, dồi dào. Phần lớn mặt hàng được lựa chọn là hàng Việt Nam do chất lượng tốt.
Chuẩn bị quà Tết mang về quê biếu họ hàng hai bên, chị Nguyễn Thị Trang (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) tranh thủ đi siêu thị. Chị Trang cho hay, cuối năm công việc bận rộn nên cứ sắp xếp được thời gian rảnh là chị tranh thủ đi mua sắm.
"Thời điểm này siêu thị có rất nhiều hàng hóa phục vụ Tết, đặc biệt là các giỏ quà Tết được gói rất đẹp mắt, trong đó có nhiều sản phẩm đặc sản vùng miền. Tôi ưu tiên mua các sản phẩm bánh, mứt, kẹo của Việt Nam hơn vì giá cả hợp lý và mẫu mã cũng đưuọc cải tiến rất nhiều. Bên cạnh đó, siêu thị đang có nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá rất hấp dẫn", chị Trang chia sẻ.
Khệ nệ đẩy xe hàng với đủ loại bánh kẹo, mứt, thực phẩm chế biến sẵn, chị Bích Hường (Hoàng Mai, Hà Nội) tâm sự: "Tôi thấy hàng hoá khuyến mãi khá phong phú nên tranh thủ mua sớm. Càng sát Tết, người mua đông, việc xếp hàng thanh toán sẽ mất nhiều thời gian".
Về phía doanh nghiệp phân phối, Giám đốc siêu thị Go! Thăng Long (Hà Nội) Nguyễn Minh Tuấn cho biết, hiện, tại hệ thống siêu thị GO! Thăng Long, xu hướng mua sắm Tết khá tương đồng so với mọi năm. Thị trường hàng hóa phong phú, giá cả ổn định, đa dạng mua sắm cả trên kênh truyền thống và online.
"Nếu trong tuần trước đó, việc mua sắm không có nhiều sự khác biệt so với những tháng thông thường, thì trong vừa rồi và đặc biệt trong những ngày gần đây lượng khách hàng đến với siêu thị GO! Thăng Long tăng khá cao, khoảng 20-30% so với tuần liền kề trước đó và tăng trưởng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2024", ông Tuấn chia sẻ.
Để chuẩn bị công tác hàng hóa, phía siêu thị cũng đã bắt tay vào triển khai từ khoảng quý III/2024 với lượng hàng tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chú trọng vào các mặt hàng tươi sống để phục vụ cho dịp Tết năm nay. Đáng chú ý, 90% hàng Việt được ưu tiên bày bán tại kệ siêu thị.
Ngoài ra, phía siêu thị cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng nhằm mang đến cho người tiêu dùng một cái Tết đầy đủ, sung túc; đồng thời làm việc với các nhà cung cấp trên toàn quốc, đối tác vận chuyển, để đảm bảo việc cung ứng hàng hóa xuyên Tết, không bị gián đoạn trước, trong và sau Tết. Bên cạnh kênh bán trực tiếp, phía siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng online để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong việc mua sắm.
Chia sẻ việc dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, bà Nguyễn Kiều Oanh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Ất Tỵ ngành Công thương Hà Nội và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và ký kết các hợp đồng khai thác hàng hóa phục vụ Tết tăng trung bình từ 5-20% theo từng mặt hàng so với Kế hoạch phục vụ Tết năm 2024.
Đặc biệt, 22 doanh nghiệp bán lẻ của TP. Hà Nội cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong quá trình phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Theo các chuyên gia kinh tế, mùa mua sắm Tết là thời điểm "vàng" để doanh nghiệp, nhà bán lẻ khởi động kích cầu tiêu dùng nội địa và tăng doanh số ngay từ đầu năm 2025. Từ đó đơn vị sản xuất, kinh doanh có chiến lược phát triển thị trường và hoạch định kinh doanh phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới tại thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Thùy Linh