Sớm ban hành văn bản thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô

02/08/2024 12:25 PM

(Chinhphu.vn) - Đối với 21 nội dung nghị quyết ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, các cơ quan của TP. Hà Nội đang tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất nhưng nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Sớm ban hành văn bản thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô- Ảnh 1.

Thường trực HĐND TP. Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban quý II/2024 ngày 2/8 - Ảnh: VGP/GH

Sáng 2/8, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đã quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm Luật Thủ đô và các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thông qua 11 luật, 21 nghị quyết; cho ý kiến lần đầu về 11 dự án luật, xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Các nội dung được xem xét, quyết định thuộc nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, toàn diện, giải quyết căn cơ những điểm nghẽn, bất cập, vướng mắc trong thực tiễn; tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.

Trong số 11 luật có 1 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2024; có 7 luật và 2 nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025; có 3 luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Trong đó, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, ngày 28/6/2024, Luật Thủ đô đã được Quốc hội chính thức thông qua gồm 7 Chương, 54 Điều (tăng 3 Chương, 27 Điều so với Luật Thủ đô 2012), trong đó có những nội dung trọng tâm, nổi bật như: tổ chức chính quyền ở Hà Nội được tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các quy định được xây dựng theo hướng phân quyền mạnh mẽ từ Trung ương về TP (về đầu tư, quy hoạch xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ…), đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô đối với hoạt động quản lý điều hành các mặt của đời sống kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) phân quyền mạnh mẽ cho TP. Hà Nội, giúp chính quyền TP chủ động hơn về tổ chức bộ máy, biên chế để có thể đảm đương hiệu quả vai trò, nhiệm vụ hết sức đặc thù là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó, có quy định một số nội dung đặc thù như: HĐND được chủ động trong việc quyết định thành lập, giải thể cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND TP, xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, viên chức khi đáp ứng một số điều kiện được quy định tại Luật này.

Cho phép Thường trực HĐND TP trong thời gian HĐND TP không họp được quyết định một số nhiệm vụ và báo cáo HĐND thành phố tại kỳ họp gần nhất nhằm bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của TP.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới, Luật quy định HĐND TP được bầu 125 đại biểu (tăng 30 đại biểu so với hiện tại), trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách. Thường trực HĐND TP Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm chủ tịch, không quá 3 phó chủ tịch (tăng 1 Phó chủ tịch và 4 thành viên thường trực HĐND thành phố); các Ban của HĐND TP được thành lập không quá 6 ban (tăng tối đa 2 ban so với nhiệm kỳ này).

Đối với HĐND quận, thị xã có 2 phó chủ tịch HĐND (tăng 1 phó chủ tịch; tổng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách không quá 9 người do HĐND quận, thị xã, TP thuộc TP quyết định. (tăng 3 người so với số tối đa theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương); được thành lập không quá 3 ban để tham mưu về các lĩnh vực cụ thể (tăng 1 ban so với Luật hiện nay). Ban có thể có Ủy viên hoạt động chuyên trách do HĐND quận, thị xã, TP thuộc TP quyết định (hiện nay chưa có quy định này).

Luật quy định 1 điều riêng về phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND và cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND. Bổ sung một số quy định nhằm làm rõ hơn chủ thể, đối tượng, phạm vi được phân cấp, ủy quyền so với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; giao UBND thành phố quy định việc điều chỉnh trình tự, thủ tục, thẩm quyền của các cơ quan có liên quan khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp ủy quyền.

Theo kế hoạch của HĐND TP. Hà Nội về triển khai Luật Thủ đô, Thường trực HĐND dự kiến tổ chức 2 kỳ họp chuyên đề của HĐND TP để xem xét, quyết định các nội dung quy định chi tiết và các cơ chế, chính sách để triển khai thi hành Luật Thủ đô. Dự kiến 1 kỳ tổ chức từ ngày vào tháng 11/2024 và 1 kỳ tổ chức tháng 5/2025. Trong đó đối với các nghị quyết quy phạm pháp luật, dự kiến xem xét 28 nội dung tại Kỳ họp chuyên đề tháng 11/2024 và 4 nội dung tại Kỳ họp chuyên đề tháng 5/2025.

Đối với 21 nội dung nghị quyết ban hành để thực hiện thẩm quyền được giao trong Luật Thủ đô, các cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện, tập trung rà soát, nghiên cứu đề xuất nhưng nội dung trọng tâm, trọng điểm, cần thiết, có khả năng thực hiện ngay để ban hành sớm, có hiệu lực cùng với hiệu lực thi hành của Luật Thủ đô.

Gia Huy

Top