Sớm gỡ vướng để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

10/09/2022 8:21 PM

(Chinhphu.vn) - Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 kỳ vọng sẽ tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, cũng như khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khác bền vững. Tuy nhiên, để dự án sớm đưa vào khai thác sử dụng, với vai trò là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện, Hà Nội cần có những giải pháp tháo gỡ, triển khai đồng bộ kịp thời.

Sớm gỡ vướng để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - Ảnh 1.

Tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Theo Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô dài 112,8 km đi qua 3 tỉnh, thành Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Riêng trên địa bàn Hà Nội, đường Vành đai 4 sẽ có khoảng 58,2km đi qua địa bàn 7 quận, huyện gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông. Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng Thủ đô, đây là cơ hội để các quận huyện có đường Vành đai 4 đi qua đề xuất các định hướng phát triển đột phá nhằm đạt được khát vọng phát triển trong tương lai.

Là 1 trong 7 quận, huyện của Hà Nội có đường Vành đai 4 đi qua với chiều dài đoạn tuyến 11,2 km, tổng diện tích GPMB dự kiến gần 193 ha, trong đó có 8,6 ha diện tích đất ở, gần 180 ha đất nông nghiệp, còn lại là đất khác, hiện huyện Mê Linh đang tích cực tập trung triển khai lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng Huyện. Trong đó nghiên cứu đề xuất quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ 2 bên tuyến đường Vành đai 4. Phát triển không gian hành chính thương mại dịch vụ tại các trục đường Vành đai 4 và đường trục trung tâm.

Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mê Linh Quách Sỹ Dũng, mặc dù quy hoạch trên địa bàn huyện Mê Linh đã được lập tương đối đầy đủ nhưng việc triển khai thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, gây lãng phí tài nguyên. Công tác quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập, nhất là công tác thực hiện cắm mốc giới theo quy hoạch chưa được triển khai. Công tác đầu tư hạ tầng khung còn chậm, chưa đồng bộ. Đặc biệt, công tác cắm mốc quy hoạch, cắm mốc chỉ giới đường đỏ các tuyến đường trục chính của huyện do thành phố quản lý còn chậm được triển khai, gây khó khăn trong công tác quản lý…

Còn tại huyện Thường Tín, đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đi qua địa phận huyện có tổng chiều dài khoảng 9 km, ước tính phải thực hiện thu hồi đất 118,71 ha tại 9 xã gồm: Khánh Hà, Hiền Giang, Hòa Bình, Nhị Khê, Văn Bình, Duyên Thái, Vân Tảo, Ninh Sở, Hồng Vân. Theo thống kê, dự án phải thực hiện bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng với 2001 hộ, cá nhân; 14 cơ quan, tổ chức; tái định cư cho 236 hộ; di chuyển 4.224 ngôi mộ tại 5 xã.

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh cho biết, công tác kiểm tra, thu thập hồ sơ, tài liệu pháp lý về quản lý, sử dụng đất đai, xác định tính pháp lý về đất đai, nguồn gốc, đối tượng, diện tích, loại đất, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản để phục vụ công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, làm cơ sở pháp lý để ban hành thông báo thu hồi đất và thực hiện các thủ tục về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… trên địa bàn đang là những khó khăn, thử thách lớn đối với huyện.

Kịp thời gỡ vướng để khởi công

Để khẩn trương triển khai dự án Vành đai 4 đúng tiến độ, các quận, huyện, sở, ngành của Hà Nội đang tập trung cao độ thực hiện các công việc liên quan. Đến thời điểm này, TP. Hà Nội đã tiến hành bàn giao chỉ giới đường đỏ của 2 trong số 4 đoạn tuyến. Đây chính là cơ sở quan trọng để những đơn vị và chính quyền các địa phương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa và triển khai công tác GPMB.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh khẳng định, việc thực hiện dự án Vành đai 4 là nhiệm vụ chính trị quan trọng đối với quốc gia, vùng Thủ đô và các tỉnh lân cận. Do đó, từ khi có chủ trương đầu tư, sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, huyện Thường tín đã tích cực triển khai các nhiệm vụ để chuẩn bị cho công tác bồi thường GPMB. Đến nay, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo GPMB của huyện và Ban chỉ đạo tại các xã có Vành đai 4 đi qua nhằm vận động, tuyên truyền Nhân dân đồng tình ủng hộ. Đồng thời thành lập các tổ công tác kiểm đếm tài sản, hoa màu… trong phạm vi dự án.

Sớm gỡ vướng để triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô - Ảnh 2.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

UBND huyện Thường Tín sẽ thường xuyên phối hợp với các đơn vị, sở, ngành Thành phố thực hiện nghiêm nhiệm vụ được Thành ủy, UBND Thành phô giao, đảm bảo công tác quản lý quy hoạch, đất đai, xây dựng, bồi thường GPMB theo đúng tiến độ" - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín nhấn mạnh.

Về phần mình, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB tái định cư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn, tiến hành nhiều công việc như rà soát toàn bộ phần diện tích dự kiến đền bù GPMB.

"Hiện huyện đã xác định các vị trí để báo cáo Thành phố về việc đầu tư dự án tái định cư, đảm bảo có được nhanh nhất cơ sở hạ tầng, quỹ đất để phục vụ tái định cư cho người dân" - ông Hoàng Anh Tuấn thông tin.

Tương tự như Mê Linh, đến thời điểm này, các huyện Sóc Sơn, Thanh Oai và quận Hà Đông đều đã tiếp nhận bàn giao hồ sơ chỉ giới đường đỏ của đường Vành đai 4 từ Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội. Các địa phương đang cùng đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành cắm mốc giới trên thực địa, đồng thời tăng cường công tác quản lý đất đai, song song với việc tuyên truyền về dự án, thực hiện GPMB, lên phương án tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân.

Mới đây, trong kế hoạch giảm ùn tắc giao thông ba năm tới, TP Hà Nội cũng đã dự định huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nhanh và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, đặc biệt là những công trình có vai trò giảm ùn tắc; đầu tư kết nối, khép kín các tuyến vành đai, trong đó tập trung nguồn lực để đầu tư hoàn thiện tuyến đường Vành đai 3, 4, 5.

TP Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chỉ phê duyệt đầu tư các khu chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu về bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối với các trục đường chính trong đô thị...

Còn đại diện lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, để đáp ứng được mong muốn của nhân dân, Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp với thành phố Hà Nội, các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên và các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện Dự án theo đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, tuân thủ quy định pháp luật để đảm bảo Dự án sớm triển khai, đảm bảo công khai, minh bạch, nhằm chống tham nhũng, thất thoát, tiêu cực, lãng phí.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16/6/2022 với quy mô 112,8km và sơ bộ tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng. Việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Dự án góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Minh Anh

Top