Sông Hồng gắn liền với xây dựng và phát triển Thủ đô

20/03/2023 2:58 PM

(Chinhphu.vn) - Việc Hà Nội định hướng xây dựng thành phố 2 bên bờ sông Hồng, phát triển 5 huyện lên quận, quy hoạch các cây cầu qua sông Hồng, cùng với hệ thống các đường vành đai là phát triển theo đúng quy luật phát triển của các đô thị lớn trên thế giới.

Sông Hồng gắn liền với xây dựng và phát triển Thủ đô - Ảnh 1.

Phối cảnh các cây cầu bắc qua sông Hồng trong quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, tỷ lệ 1/5000 - Ảnh: VGP/Gia Huy

Sông Hồng quy tụ mọi nguồn lực phát triển

Trước khi hội thảo khoa học phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa, xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại") diễn ra, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển đã có chia sẻ về vai trò của sông Hồng trong việc nhận diện và phát huy nguồn lực văn hóa để xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại".

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, câu chuyện về sông Hồng đã được trao đổi, thảo luận rất nhiều; tuy nhiên, cho đến giờ có người vẫn còn hoài nghi vai trò, vị trí của sông Hồng trong phát triển, xây dựng Thủ đô.

Theo GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, sông Hồng là dòng sông có vị trí hết sức đặc biệt, không chỉ ở khu vực châu thổ sông Hồng mà trong phạm vi toàn quốc. Từ khi con người xuống khai phá vùng châu thổ sông Hồng thì vị trí đầu tiên là hai bên bờ sông Hồng, khảo cổ học đã chứng minh rất rõ điều này qua các dấu tích khảo cổ.

Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã chứng vị trí trung tâm của sông Hồng trong quá trình hình thành nền văn minh sông Hồng, là văn minh đầu tiên của thời đại dựng nước… Đến thời kỳ Bắc thuộc, tất cả các cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa, chống Bắc thuộc dể giành lại nền độc lập dân tộc đều xuất phát từ vùng sông Hồng này.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho biết, người mở ra thời kỳ huy hoàng của văn hóa Thăng Long là vua Lý Thái Tổ với quyết định rời đô ra Thăng Long. Vua Lý Thái Tổ từng nói, xây dựng thành Thăng Long có hình thế núi sau, sông trước, dựa dòng sông Hồng này để tập hợp lực lượng của cả 4 trấn tụ họp về tạo nên nguồn lực mạnh để phát triển. Có thể thấy trong lịch sử, dòng sông Hồng như "động mạch chủ" để tập hợp các nguồn lực phát triển.

Đến thế kỷ XVII-XVIII, thành Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ, là thành thị phát triển rất mạnh. Trong sử sách có chép, bên bờ sông Hồng có hàng vạn chiếc thuyền, người chen chúc, hàng hóa dồi dào. Đây chính là sự khai thác thế mạnh, sức mạnh của dòng sông Hồng. Cho nên, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, dòng sông Hồng này giống như quy tụ mọi nguồn lực, là đặc trưng nhất cho văn hóa ở thời đại quốc gia Đại Việt mà trung tâm của nó là văn hóa Thăng Long qua dòng sông Hồng.

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ, đến thời Pháp thuộc, dòng sông Hồng bớt đi vai trò của nó bởi người Pháp tập trung cho hệ thống đường bộ nên dòng sông trở thành ranh giới của các địa phương. Bên cạnh đó, do sự biến đổi dòng sông, nước sông Hồng trở nên hết sức dữ dội, vì thế người Hà Nội không "thân thiện" với sông Hồng như trước đây.

Thế nhưng gần đây, do có các đập thủy điện điều tiết được các dòng nước, kinh tế thị trường phát triển, yêu cầu mở rộng ra hai bên dòng sông thành nhu cầu bức thiết, dần dần chúng ta nhận thức lại vai trò, vị trí của dòng sông Hồng.

Hà Nội với định hướng xây dựng thành phố hai bên bờ sông Hồng

GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với nghìn năm Thăng Long Hà Nội.  Bên cạnh đó, các Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đều nhấn mạnh vào xây dựng Thành phố hai bên bờ sông Hồng.

Cụ thể như, tháng 4/2022, TP. Hà Nội tổ chức hội nghị công bố công khai nội dung quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống, tỷ lệ 1/5000. Theo đó, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm được xác định tại Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Đồ án quy hoạch là trục không gian đặc trưng hành lang xanh với cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm; phát triển hệ thống giao thông và đầu mối hạ tầng kỹ thuật để cải thiện điều kiện sống khu vực ngoài đê, đặc biệt là hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường cảnh quan, tuyến đường dành cho người đi bộ và xe đạp; cầu/hầm nối kết đô thị hai bên sông, kết nối giao thông đường bộ và đường thủy, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực và thành phố.

Đồ án là cơ sở pháp lý để thực hiện cải tạo chỉnh trang, tái thiết hệ thống dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.

Hà Nội cũng đang xây dựng Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ngoài 2 thành phố trực thuộc và 3 khu vực không gian (không gian ngầm, không gian xanh, không gian công cộng), thành phố dự kiến xác định 3 trục phát triển quan trọng, gồm: Sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm; trục Hồ Tây - Ba Vì kết nối giữa đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh; trục Nhật Tân-Nội Bài là trục đô thị thông minh...

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội có thêm 5 huyện lên quận gồm: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng; trước mắt là 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm sẽ trở thành quận nội thành. GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc nêu cả 5 huyện này đều nằm hai bên bờ sông Hồng cho thấy vai trò, vị trí quan trọng của dòng sông với sự phát triển Thủ đô.

Đặc biệt GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, gần đây Hà Nội phát triển hệ thống cầu có vai trò vô cùng quan trọng với phát triển Thủ đô. 

Cho đến thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang có 8 cầu qua sông Hồng gồm: Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy giai đoạn 1, Thanh Trì, Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Long Biên, Văn Lang. Trong số này có 6 cây cầu ở các quận nội thành Hà Nội. Theo Quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ đô Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng. Đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cây cầu đáp ứng nhu cầu giao thông của Thủ đô cũng như kết nối giao thông liên vùng.

Như vậy, cùng với hệ thống các cây cầu bắc qua sông, cùng hệ thống vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3 và đặc biệt Hà Nội đang triển khai xây dựng Vành đai 4 – Vùng Thủ đô sẽ là nguồn lực rất mạnh để xây dựng, phát triển thành phố hai bên bờ sông Hồng.

"Tôi cho rằng như vậy là Thủ đô phát triển theo đúng quy luật phát triển của các đô thị lớn trên thế giới", GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.

Gia Huy

Top