Tái hiện nghi lễ 'tống cựu nghinh tân' tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long
(Chinhphu.vn) - Để phát huy giá trị các nghi lễ tết tiêu biểu của cung đình cũng như những phong tục tết dân gian truyền thống của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động Tết kéo dài từ ngày 20/1/2025 (tức 21 tháng Chạp năm Giáp Thìn) đến ngày 6/2/2025 (Mùng 9 tháng Giêng năm Ất Tỵ) bao gồm nhiều hoạt động đặc sắc.
Trưng bày không gian "Tết xưa - Tết thời bao cấp (từ ngày 20/1), tái hiện Tết truyền thống của người Việt Nam ở thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX để công chúng ôn lại thời kỳ khó khăn nhưng vẫn tươi vui. "Tết thời bao cấp" được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng mậu dịch quốc doanh, gian hàng tranh - hoa - pháo tết và không gian thờ cúng.
Tại không gian này, công chúng sẽ được xem lại hình ảnh người đứng xếp hàng chờ mua hàng tết bằng tem phiếu; những túi hàng tết thời bao cấp thường có hộp mứt Hà Nội, gói chè Ba Đình, thuốc lá Thăng Long (hoặc Điện Biên, Chiến Thắng, Sông Hồng), chai rượu chanh Thanh Mai (hoặc rượu tằm, rượu cam, rượu cà phê), gói kẹo mềm... Bên cạnh đó, phong tục dọn dẹp nhà cửa, thú chơi hoa tết, gói bánh chưng, bao sái bàn thờ, chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo, cúng giao thừa, cúng tổ tiên, chúc tết, du xuân... vẫn được nhân dân gìn giữ, tiếp nối.
Không gian trưng bày "Nghi lễ tết cung đình ngày xuân" diễn ra tại khu nhà N14 vào ngày 20/1. Trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê sơ, Lê Trung hưng đã hình thành nên một hệ thống các nghi lễ Tết cung đình mùa xuân: Lễ cúng táo quân, lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu (rước trâu đất và thần Câu mang), lễ phất thức (lau rửa và niêm phong ấn), lễ cáp hưởng (mời các vị tiên đế về ăn tết), lễ thướng tiêu (dựng cây nêu), lễ trừ tịch (cúng giao thừa), lễ tế tổ tiên, lễ chính đán, lễ chúc thọ nhà vua, lễ tế giao (tế trời), lễ khai hạ (hạ cây nêu), lễ khai ấn (mở ấn)... Trong đó, có 3 nghi lễ đặc biệt quan trọng là lễ tiến lịch, lễ tiến xuân ngưu và lễ chính đán.
Cả 3 nghi lễ đều được trưng bày thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.
Hoạt động giới thiệu và trình diễn tái hiện nghi lễ "Tống cựu nghinh tân" diễn ra vào ngày 22/1 tức ngày 23 tháng Chạp năm Giáp Thìn. Chương trình thể nghiệm những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa như: Nghi lễ tiến lịch, nghi lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời; nghi lễ dựng cây nêu, lễ đổi gác, lễ khai xuân…
Trong số này, nghi lễ tiến lịch và lễ đổi gác lần đầu tiên được Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái dựng lại thông qua hình thức sân khấu hóa sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và tài liệu lịch sử còn lưu lại, dựa trên việc sưu tầm, nghiên cứu nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Bên cạnh việc tái hiện các nghi thức Tết truyền thống trong cung đình xưa, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức các chương trình múa rối đặc sắc phục vụ du khách vào các ngày từ 30/1 đến 2/2 (tức từ mùng 2 đến mùng 5 tháng Giêng) trong các khung giờ: 9h30, 10h30, 11h30, 15h và 16h. Đồng thời trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội trang trí nhiều không gian hoa, cây cảnh phục vụ khách tham quan.
Theo phong tục cổ truyền của Việt Nam và một số nước châu Á, Tết Nguyên đán được xem là lễ tiết quan trọng bậc nhất và thiêng liêng nhất trong năm. Tết được tính theo âm lịch, là thời khắc đánh dấu sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Ở nước ta, Tết thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp trong năm cũ và kết thúc vào ngày mùng 7 tháng Giêng của năm mới. Trong những ngày này, mọi công việc đều được tạm gác lại, nhà nhà đều hân hoan háo hức đi chợ tết, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị cho việc cúng tế các vị thần linh và tổ tiên, sum họp nghỉ ngơi, thăm hỏi chúc tụng người thân, du xuân đầu năm... Tất cả mọi người đều mong cầu, chào đón một năm mới sẽ đến với những điều tốt đẹp, may mắn, bình an và thịnh vượng.
Đặc biệt hơn, tại mảnh đất kinh đô Thăng Long xưa với hơn một ngàn năm văn hiến kéo dài liên tục từ các vương triều Lý, Trần, Lê, Mạc và Lê Trung hưng cho đến thời đại Hồ Chí Minh. Nơi đây là sự kết tinh, hội tụ và giao thoa giữa văn hóa dân gian truyền thống và văn hóa cung đình. Vì thế văn hóa lễ tết lại càng phong phú, đặc sắc.
Minh Anh