Tâm huyết xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc” cho học sinh

06/03/2023 4:00 PM

(Chinhphu.vn) - Mô hình "Phòng tư vấn tâm lý học đường" của trường THCS Phương Mai ra đời với phương châm "Lắng nghe - Tôn trọng - Thấu hiểu - Tin tưởng" đã giúp cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng nhà trường và đội ngũ giáo viên xây dựng nên “Ngôi trường hạnh phúc”.

Tâm huyết xây dựng “Ngôi trường hạnh phúc” cho học sinh - Ảnh 1.

Cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa cùng các em học sinh - Ảnh: VGP/GH

Mô hình "Trường học hạnh phúc" được Công đoàn Sở GD&ĐT phát động từ năm 2019. Đến nay, việc xây dựng mô hình tại các nhà trường đã thu hút sự chung sức của cả thầy và trò cùng tham gia, góp phần nâng chất lượng giáo dục. Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã định hướng các nhà trường triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc" theo 3 tiêu chí cơ bản, gồm: Môi trường nhà trường; dạy và học; các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường.

Mô hình "Trường học hạnh phúc" được Ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn quận Hoàng Mai xây dựng kế hoạch triển khai ngay từ đầu năm học 2020-2021. Để xây dựng thành công mô hình này, các nhà trường đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như công tác tuyên truyền, đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp quản lý, phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng bên cạnh xây dựng nền tảng tri thức, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương.

Chia sẻ về hành trình xây dựng trường THCS Phương Mai, quận Đống Đa trở thành "Ngôi trường hạnh phúc" - nơi ươm mầm những tài năng, cô Phan Thị Thục Hạnh, Hiệu trưởng cho biết, nhà trường được thành lập từ năm 1988, là trường có truyền thống của ngành giáo dục và đào tạo quận Đống Đa và TP. Hà Nội.

Với kinh nghiệm 25 năm giảng dạy và làm công tác quản lý, xuất phát điểm từng giảng dạy môn Ngữ văn, cô Phan Thị Thục Hạnh rất quan tâm và trăn trở đến suy nghĩ, tình cảm của học trò, đặc biệt đối với các em ở lứa tuổi mới lớn. Đối với lứa tuổi các em, ngoài nhiệm vụ học hành thì nhiệm vụ khác cần trang bị cho các em là các kỹ năng sống.

Theo cô Phan Thị Thục Hạnh, khác với cấp Tiểu học, cấp THCS ở độ tuổi các em chập chững trưởng thành. Tiếp cận với các em trong giai đoạn này thực sự không hề dễ hàng. Vì vậy mà ngoài góc học tập, thì một không gian "riêng" là điều cần thiết đối với các em.

Để tạo tâm lý thoải mái, vui tươi khi đến trường theo đúng nghĩa "Ngôi trường hạnh phúc, "Phòng tư vấn tâm lý học đường" của trường THCS Phương Mai ra đời. Nguyên tắc được nhà trường đặt ra với căn phòng "đặc biệt" này là "Lắng nghe - Tôn trọng - Thấu hiểu - Tin tưởng".

Chia sẻ về "Phòng tư vấn tâm lý học đường" của nhà trường, cô Hạnh cho biết, có nhiều lúc cô và trò cùng say sưa chia sẻ, khi tìm được giải pháp thì đã gần như xóa đi khoảng cách là thầy cô với học trò mà như đã trở thành những người bạn thân thiết. Nhiều học sinh khi đến với căn phòng này đã "mở lòng" bộc bạch câu chuyện của mình để các thầy cô có thể đồng hành cùng các em từng bước gỡ những nút thắt, những diễn biến tâm lý của tuổi mới lớn.

Các giáo viên phụ trách công tác này được nhà trường cử đi tập huấn, học tập để trang bị đủ kiến thức giúp học sinh vượt qua những vấn đề tâm lý học đường. Mô hình "Trường học hạnh phúc" sẽ tạo cho đội ngũ thầy cô giáo và học sinh mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui. Để có được ngôi trường hạnh phúc người giáo viên cần phải có nhận thức, kỹ năng, để làm cho quá trình dạy và học.

Đến nay, "Ngôi trường hạnh phúc" THCS Phương Mai vẫn đang trên con đường hoàn thiện, song, đối với cô Phan Thị Thục Hạnh để ngôi trường ấy tiếp tục phát triển thì không thể không nhắc đến một tập thể cán bộ, giáo viên đoàn kết, luôn chung sức, đồng lòng chở các thế hệ học trò đến bến bờ tri thức. Theo cô Hạnh: "Giáo viên hạnh phúc tạo nên những học sinh hạnh phúc". Cô luôn tạo điều kiện với tấm lòng của người chị trong gia đình để giáo viên của mình phát huy hết năng lực, dồn tâm, dồn sức với các em học sinh.

Không chỉ chú trọng đến tâm lý học đường, với cương vị là người đứng đầu nhà trường, cô Phan Thị Thục Hạnh còn rất quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thể phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. "Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam" đã được tổ chức trong khuôn viên nhà trường với nhiều hoạt động như: Talkshow "Phát triển văn hoá đọc sách trong nhà trường"; Trưng bày và Triển lãm sách; Thuyết trình về chủ đề sách được chọn để triển lãm… và được các em học sinh đón nhận, hưởng ứng…

Tại quận Ba Đình, Phòng GD&ĐT quận đã nhiều lần tổ chức tập huấn để hỗ trợ các nhà trường xây dựng và duy trì được một môi trường giáo dục hạnh phúc. Các chương trình tập huấn nhằm củng cố cho giáo viên các kiến thức và năng lực cảm xúc, xã hội; hỗ trợ cho các thầy, cô giáo có được khung lý thuyết về khoa học hạnh phúc, cũng như khoa học não bộ và các kiến thức liên quan mật thiết đến trẻ em. Các phương pháp và các bài tập thực hành cụ thể sẽ giúp "năng lực hạnh phúc" được bắt đầu từ chính giáo viên - người đảm nhiệm vai trò nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy bảo các em học sinh.

Đánh giá về việc triển khai xây dựng "Trường học hạnh phúc" thời gian qua, Chủ tịch Công đoàn ngành GD&ĐT Hà Nội Trần Thị Thu Hà cho biết, ciệc xây dựng "Trường học hạnh phúc" cũng giúp đội ngũ giáo viên ngày càng hoàn thiện về mọi mặt, nhất là về kỹ năng ứng xử sư phạm và việc tuân thủ các quy định về đạo đức nhà giáo. Mỗi nhà trường có một cách xây dựng "Trường học hạnh phúc" khác nhau, nhưng đều chung thành quả là mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trở nên thân thiết, gần gũi và có sự tương tác nhiều hơn.

Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo đăng ký mô hình điểm ở mỗi cấp học về xây dựng "Trường học hạnh phúc" để nhân rộng.

Hòa An

Top