Quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới
(Chinhphu.vn) - Hà Nội được đánh giá chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả, đội ngũ nhà giáo cần có sự đổi mới tư duy và phương pháp dạy học, sáng tạo hơn nữa và quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bố trí cơ sở vật chất, giáo viên để bảo đảm chương trình mới
Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đang thực hiện giám sát tại địa bàn Thành phố về chuyên đề "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2014-2022".
Tại các cuộc giám sát, UBND TP. Hà Nội cho biết, các quận, huyện, thị xã đã quan tâm xây dựng kế hoạch phát triển quy mô, mở rộng mạng lưới trường lớp phù hợp với tốc độ tăng dân cư trong khu vực. Nhiều quận, huyện đã đầu tư, trang bị các thiết bị hiện đại tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.
Đối với quận Đống Đa, trong thời gian qua, quận tập trung phát triển về quy mô mạng lưới trường lớp, hiện tổng số trường học trực thuộc là 82 trường, gồm 62 trường công lập; trong đó có 38 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 61,29%).
GD&ĐT quận đã chú trọng bảo đảm về cơ sở vật chất phòng học, phòng chức năng, trang thiết bị đồ dùng dạy học được trang bị, mua sắm, tự thiết kế, tự làm để thực hiện chương trình giáo dục, bảo đảm theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Quận cũng cơ bản bố trí giáo viên biên chế và bổ sung hợp đồng giáo viên để thực hiện dạy đúng, dạy đủ các môn, hoạt động giáo dục bắt buộc theo chương trình, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
Trong quá trình giảng dạy chương trình mới, học sinh được tiếp cận với chương trình mới, sách giáo khoa mới kết hợp với điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học góp phần đạt được mục tiêu chương trình, chất lượng giáo dục được nâng lên.
Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa) cho biết, triển khai triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, nhà trường đã chú trọng phát huy năng lực tự chủ, sáng tạo của mỗi giáo viên và tổ chuyên môn trong việc thực hiện chương trình mới. Nhà trường tổ chức đăng ký mua sách trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh; không bắt buộc học sinh mua thêm các loại sách và tài liệu tham khảo ngoài danh mục sách giáo khoa nhà trường đã lựa chọn.
Đối với huyện Ứng Hòa, toàn huyện hiện có 79/90 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 87,8%); 88,39% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019. Triển khai chương trình sách giáo khoa mới, huyện đã xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông một cách linh hoạt, chủ động, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của từng địa phương, điều kiện thực hiện của mỗi nhà trường.
Còn khó khăn về đội ngũ nhân lực
Phản ánh đối với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, các quận, huyện, trường học đã nêu các khó khăn còn tồn tại trong quá trình khiển khai chương trình. Đại diện Phòng Giáo dục quận Đống Đa nêu ý kiến, các môn học liên môn như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật ở cấp THCS chưa đủ giáo viên... Bà Đào Thị Hồng Hạnh, Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn nêu điểm còn hạn chế là chuẩn bị đủ nhân lực, vật lực là yếu tố hạn chế trong thực hiện chương trình.
Chương trình mới đòi hỏi giáo viên phải tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ tin học, sử dụng các phương tiện dạy học công nghệ cao; đòi hỏi giáo viên linh hoạt trong sử dụng phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận và phát huy được năng lực của người học, điều này đối với giáo viên lớn tuổi gặp một số khó khăn. Chương trình đòi hỏi sự luyện tập, thực hành, tự học để đáp ứng yêu cầu bài học nên một số học sinh thụ động, chưa sắp xếp, bố trí thời gian để thực hiện được đủ các yêu cầu.
Quận Đống Đa đề nghị cần có giải pháp hỗ trợ về bù giá sách giáo khoa cho học sinh cả nước; có chính sách cải thiện về lương của nhà giáo trong hệ thống giáo dục quốc dân. Quận cũng đề nghị Thành phố phân bổ đủ biên chế theo định mức quy định và tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên kịp thời để bảo đảm điều kiện nhân lực thực hiện đổi mới theo chủ trương chung.
Huyện Ứng Hòa cho biết, huyện vẫn còn thiếu 214 biên chế giáo viên. Huyện cũng nêu nhận định, giá thành sách giáo khoa vẫn còn cao hơn so với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và mức sống của người dân, huyện Ứng Hòa cũng cho rằng tính liên thông về chất lượng sách sẽ không được ổn định khi hằng năm có nhiều bộ sách để lựa chọn thực hiện.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và những khó khăn, bất cập, huyện Ứng Hòa cho rằng cần có cơ chế kiểm tra, đánh giá, thẩm định chất lượng sách giáo khoa, đồng thời đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông.
TP. Hà Nội đã nêu kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố một số nội dung như: Có cơ chế pháp lý việc dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình đối với giáo dục phổ thông; cải cách chế độ tiền lương đối với viên chức ngành giáo dục để bảo đảm đời sống và thu hút nguồn nhân lực có chất lượng; xem xét lại quy định về độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở vì giáo viên lớn tuổi khó phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh các cấp học này.
Đội ngũ giáo viên cần sáng tạo hơn để thực hiện hiệu quả chương trình
Trong các cuộc giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội đánh giá, một trong những điểm nhấn quan trọng là toàn ngành GD&ĐT Thủ đô đã chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc triển khai chương trình, sách giáo khoa đã được tập trung chỉ đạo, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học (đối với lớp 1, 2, 3), cấp THCS (đối với lớp 6, 7) và cấp THPT (đối với lớp 10); khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.
Về chất lượng đội ngũ nhân lực, đa số nhà trường đảm bảo về cơ cấu, số lượng và trình độ cán bộ quản lý, giáo viên. Các quận, huyện đã cử các giáo viên dạy học môn Khoa học tự nhiên tham gia học tập để có chứng chỉ đào tạo dạy được môn tích hợp theo yêu cầu của chương trình mới.
Bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội còn có một số khó khăn trong triển khai thực hiện. Trong đó, về cơ sở vật chất, dân số cơ học tăng nhanh, trường học ở khu đô thị thiếu dẫn đến sức ép tuyển sinh; diện tích đất quy hoạch tại nhiều trường trong các quận trung tâm chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số trường học, sĩ số học sinh/lớp còn cao; một số cơ sở giáo dục tại các huyện ngoại thành nguồn lực tài chính còn hạn hẹp nên việc đầu tư cho mua sắm thiết bị dạy học phòng học, phòng chức năng còn hạn chế, khó đáp ứng ngay.
Trong cuộc giám sát tại TP. Hà Nội mới đây, đại biểu Quốc hội Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhiều lần khẳng định, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã được Đảng, Chính phủ quyết tâm thực hiện nhằm cụ thể hóa việc đổi mới mục tiêu cơ bản của giáo dục từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Để thực hiện hiệu quả chương trình, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo cần có sự đổi mới về thái độ, tư duy và phương pháp dạy học, Bộ trưởng khẳng định đây là khâu có tính chất quyết định để đánh giá ngắn hạn kết quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Bộ trưởng đề nghị các giáo viên cần tự tin hơn nữa, mạnh mẽ, sáng tạo hơn nữa để tạo sự chủ động, linh hoạt trong dạy và học, quyết tâm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.
Còn Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành tăng cường tuyên truyền về chủ trương này để phụ huynh học sinh hiểu rõ và đồng hành, góp phần thực hiện hiệu quả việc đổi mới, đồng thời tổng hợp những khó khăn vướng mắc, làm rõ nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị để Đoàn tổng hợp, báo cáo Quốc hội.
Gia Huy