'Tăng lực' cho công nghiệp hỗ trợ

19/09/2023 1:54 PM

(Chinhphu.vn) - Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng; tham gia lĩnh vực này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên gặp khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn… Do đó, việc “tăng lực” cho công nghiệp hỗ trợ là điều cần thiết hiện nay.

'Tăng lực' cho công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.

Cần chính sách ưu tiên để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VGP/HN

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo số liệu thống kê, TP. Hà Nội hiện có khoảng 960 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, với trên 320 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam, trong khu vực và trên thế giới.

Công nghiệp hỗ trợ phát triển góp phần thúc đẩy tăng trưởng các chỉ số phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, và tăng trưởng GRDP đạt mục tiêu đặt ra của năm 2023. Do vậy, ngay từ năm 2020, UBND TP. Hà Nội phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và kế hoạch thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2022.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công Thương, hiện ngành công nghiệp hỗ trợ của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung hình thành và phát triển muộn hơn so với các nước trong khu vực nên bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5-20%; điện tử 5-10%; da giày, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hằng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD.

Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Để ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố phát triển, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho rằng, cần phải có những định hướng, cơ chế chỉnh sách, giải pháp đúng và đủ mạnh để phát triển theo kịp các nước trong khu vực và thế giới.

Ông Noboru Kinoshita, Cố vấn quốc tế (Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản) cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam. Hằng năm số doanh nghiệp cần tư vấn liên quan đến đầu tư vào Việt Nam gửi đến Tổ chức xúc tiến công nghiệp tỉnh Aichi, Nhật Bản tăng dần, chủ yếu vào các lĩnh vực sửa chữa máy tính, bảo trì mạng và áp dụng dịch vụ IT sản xuất...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào Việt Nam còn lo lắng trong việc hệ thống thuế và thuế vụ chưa rõ ràng, hệ thống pháp luật như ưu đãi với FDI chưa có các quy định cụ thể...; bên cạnh đó, họ lo lắng về đối thủ cạnh tranh, nguồn nguyên vật liệu và linh kiện tại Việt Nam còn thiếu...

Cần chính sách ưu tiên, phù hợp với công nghiệp hỗ trợ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, cùng hoàn cảnh trong khu vực.

Trong năm 2023, TP. Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp (tăng khoảng 20 doanh nghiệp so với năm 2022) hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Để đạt mục tiêu này, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Hoàng cho biết, TP. Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Đồng thời, tạo môi trường gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội, kết nối giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp Hà Nội tham gia cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.

Thành phố cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…

Thời gian tới, Sở Công Thương TP. Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như các hội chợ, triển lãm về công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; xây dựng và công bố thông tin về công nghiệp hỗ trợ hằng năm; tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương trực tuyến, ứng dụng công nghệ thực tế ảo...

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc tiếp thu các ý kiến vào dự thảo sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 111) về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất. Trong đó, có nội dung đề xuất hỗ trợ lãi suất 3% cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Ngoài chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, dự thảo sửa đổi Nghị định 111 đã đưa ra nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Diệu Anh

Top