Tạo cơ chế mới trong chi ngân sách để tổ chức thi hành Luật Thủ đô

23/09/2024 1:28 PM

(Chinhphu.vn) - TP. Hà Nội chuẩn bị ban hành cơ chế, chính sách để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi cao hơn, ngoài nội dung, mức chi theo quy định của Trung ương cho nhiêm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024.

Tạo cơ chế mới trong chi ngân sách để tổ chức thi hành Luật Thủ đô- Ảnh 1.

Riêng năm 2024 Hà Nội cần ban hành 39 văn bản để thi hành Luật Thủ đô - Ảnh: VGP/Gia Huy

Cần ban hành là 114 văn bản để thi hành Luật Thủ đô 2024

Luật Thủ đô 2024 là văn bản pháp lý quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với TP. Hà Nội, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền Thành phố trên các lĩnh vực.

Trong đó, Luật Thủ đô đặt ra yêu cầu phải xây dựng một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để quy định chi tiết và quy định theo thẩm quyền nhiều nội dung được giao; đồng thời, cần ban hành các văn bản cá biệt (như danh mục, đề án…) về nhiều vấn đề quan trọng để tổ chức thi hành Luật.

Tại kỳ họp chuyên đề cuối tháng 9, HĐND TP. Hà Nội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết quy định một số nội dung chi, mức chi xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Theo UBND TP. Hà Nội, việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm tạo cơ chế mới trong chi ngân sách, bố trí đầy đủ, phù hợp nguồn kinh phí để đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật để tổ chức thi hành Luật Thủ đô.

Từ đó, có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tham gia quá trình xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô

Để triển khai thi hành Luật Thủ đô, ngày 22/7/2024, UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 225/KH-UBND về triển khai thi hành Luật Thủ đô. Trên cơ sở đó, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đề xuất xây dựng danh mục ban hành văn bản để tổ chức triển khai thi hành Luật, đã xác định tổng số văn bản cần ban hành là 114 văn bản (gồm 94 văn bản quy phạm pháp luật, 20 văn bản cá biệt).

Trong đó, có 39 văn bản (33 văn bản quy phạm pháp luật, 6 văn bản cá biệt) của HĐND, UBND Thành phố cần ban hành trong năm 2024; có 61 văn bản quy phạm pháp luật, 14 văn bản cá biệt của HĐND, UBND Thành phố cần ban hành năm 2025 và những năm tiếp theo.

Ngày 27/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 717/QĐTTg ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, trong đó xác định 6 nghị định để quy định chi tiết các nội dung được giao theo Luật Thủ đô cần ban hành trong năm 2024 và 2025 (trong đó 3 Nghị định phải trình Chính phủ trước ngày 15/10/2024).

Thuê chuyên gia tư vấn các nội dung, nhiệm vụ thi hành Luật Thủ đô

Theo UBND TP. Hà Nội, các nội dung Luật Thủ đô giao Chính phủ, HĐND, UBND Thành phố quy định chi tiết, quy định theo thẩm quyền hoặc ban hành các văn bản cá biệt đều là những vấn đề mới, khó, cần tập trung nguồn lực, đầu tư nghiên cứu một cách toàn diện, kỹ lưỡng về cơ sở lý luận, thực tiễn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần rà soát, so sánh, đối chiếu với các quy định của hệ thống pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ, thuận lợi, hiệu lực, hiệu quả trong triển khai thi hành Luật Thủ đô, không tạo những xung đột pháp lý giữa các văn bản pháp luật.

Một số nội dung mới còn cần sự khảo sát, trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương đang áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các nghị quyết của Quốc hội và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế như: Phát triển theo định hướng giao thông công cộng (TOD), Khu phát triển thương mại và văn hoá (BID), chính sách về cải tạo, chỉnh trang đô thị, phát triển công nghiệp văn hoá, quản lý phát triển y học gia đình, vùng phát thải thấp, đầu tư mạo hiểm, đầu tư PPP trong một số lĩnh vực...

Với tính chất, nội dung giao cho HĐND, UBND Thành phố ban hành các quy định theo Luật Thủ đô thì mức độ phức tạp, yêu cầu về nội dung có tính chất tương đương như việc ban hành nghị định của Chính phủ để tổ chức thi hành Luật Thủ đô

Theo đó, yêu cầu đặt ra là xây dựng các văn bản để tổ chức thi hành Luật Thủ đô bảo đảm khoa học, chặt chẽ, thống nhất, khả thi, một số nội dung được giao quy định chi tiết cần triển khai xây dựng, ban hành trước ngày Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành (01/01/2025) để có hiệu lực cùng với Luật; nhiều nội dung văn bản cần ban hành có tính phức tạp, nhiều vấn đề mới chưa có trong quy định của hệ thống pháp luật Việt Nam thì việc bố trí kinh phí cho việc xây dựng văn bản theo các quy định hiện hành là chưa bảo đảm, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Chính vì vậy, Thành phố cần có cơ chế, chính sách riêng để bố trí ngân sách, quy định một số nội dung, mức chi cao hơn, ngoài nội dung, mức chi theo quy định của Trung ương cho nhiêm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Theo đó, Hà Nội dự kiến áp dụng định mức phân bổ kinh phí xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố, dự thảo quyết định của UBND Thành phố: 90 triệu đồng/văn bản; định mức phân bổ kinh phí thẩm định, thẩm tra: 11 triệu đồng/văn bản.

Thuê chuyên gia trong nước tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô Mức thù lao 40 triệu đồng/tháng/chuyên gia. Mức thù lao theo ngày áp dụng đối với chuyên gia tư vấn làm việc từ 01 ngày trở lên nhưng không đủ một tháng được xác định trên cơ sở thù lao theo tháng quy định tại khoản này chia cho 22 ngày.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ thuê chuyên gia nước ngoài tư vấn các nội dung, nhiệm vụ triển khai thi hành Luật Thủ đô theo hướng: Sau khi xin ý kiến của UBND Thành phố, cơ quan chủ trì nhiệm vụ quyết định và chịu trách nhiệm lựa chọn, thoả thuận về mức thù lao thuê chuyên gia.

Còn mức chi tổ chức hội nghị, hội thảo, toạ đàm nghiên cứu xây dựng chính sách, xây dựng hồ sơ, dự thảo văn bản là nghị định của Chính phủ, nghị quyết của HĐND Thành phố, quyết định của UBND Thành phố.

UBND Thành phố giao Văn phòng UBND Thành phố tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị, thực hiện việc rà soát, cân đối, tham mưu UBND Thành phố, Tổ công tác triển khai thi hành Luật Thủ đô của Thành phố chỉ đạo trong việc thuê chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo để bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng văn bản triển khai thi hành Luật Thủ đô.

Gia Huy

Top