Tạo ‘cuộc cách mạng’ để quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố hiệu quả
(Chinhphu.vn) - Theo các chuyên gia, việc ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội là cần thiết, đây là “một cuộc cách mạng” nhằm giữ gìn an ninh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị.
Khoảng 273 tuyến phố đủ điều kiện sử dụng hè phố để phát triển kinh doanh
Thành phố Hà Nội hiện đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn.

Quận Hoàn Kiếm là đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Nội dung Đề án nhằm tổ chức, khai thác, sử dụng tạm thời một phần hè phố để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ, để kinh doanh, phát triển kinh tế đô thị, du lịch, kinh tế đêm; khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, dự thảo Đề án đưa ra 9 tiêu chí để sử dụng hè phố trong phát triển kinh doanh và trông giữ tạm thời phương tiện giao thông tại TP. Hà Nội, gồm: Hè phố cho phép kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); bảo đảm chỗ đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; kinh doanh bảo đảm yếu tố an toàn, văn minh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường theo quy định pháp luật; UBND cấp huyện cần lấy ý kiến của người dân trước khi tiến hành cho phép hè phố kinh doanh; hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian cấp phép, thời gian kinh doanh, mặt hàng kinh doanh và đối với hộ kinh doanh di động...
Theo báo cáo khảo sát, đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực nội thành của thành phố có khoảng 273 tuyến phố đủ điều kiện, tiêu chí để sử dụng tạm thời một phần hè phố để phát triển kinh doanh, phát triển du lịch, kinh tế đêm và trông giữ phương tiện giao thông.
Theo đó, vỉa hè đủ điều kiện cho thuê phải đảm bảo các tiêu chí: Có hè phố rộng tối thiểu 3m (trừ trường hợp đặc biệt trong khu vực phố cổ); Phải bảo đảm chỗ để xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép không quá 500m; Kinh doanh đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường...
Đối với những vỉa hè có bề rộng hơn 4m mà không tổ chức kinh doanh, UBND cấp huyện có thể cấp phép trông giữ phương tiện (xe máy, xe đạp điện…), bảo đảm không lấn chiếm vỉa hè dành cho người đi bộ.
Sở Xây dựng Hà Nội đã khảo sát thực trạng 273 tuyến phố trên địa bàn thành phố và lập danh sách các tuyến phố đủ điều kiện khai thác kinh doanh, bao gồm phố: Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Dã Tượng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Ngô Quyền, Giảng Võ, Trần Đại Nghĩa, Trần Khát Chân…
Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng, đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện cho biết, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ tiêu chí cơ chế quản lý để triển khai tới từng phường và công khai tới nhân dân.
Đồng thời, quận Hoàn Kiếm sẽ áp dụng công nghệ số vào việc cấp phép, thu phí điện tử và phân theo các nhóm như sau: Hè phố trông giữ xe, phố kinh doanh dịch vụ… Trong thời gian 6 tháng tiếp theo, quận Hoàn Kiếm sẽ triển khai thí điểm tại phố Quang Trung để rút kinh nghiệm và triển khai rộng trên địa bàn.
Cần đưa ra quy định cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng, tránh gây xung đột về lợi ích
Các chuyên gia cho rằng, việc ban hành Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội là cần thiết. Tuy nhiên, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò, chức năng của vỉa hè, lòng đường để có những định nghĩa phù hợp, từ đó đề án sẽ triển khai thuận lợi hơn, sát thực tiễn hơn.
Nhất trí với quan điểm ban hành Đề án là cần thiết, nhằm giữ gìn an ninh, vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự đô thị, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Công tác tôn giáo Bạch Thành Định cho rằng, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội cần khảo sát về mật độ dân cư các tuyến phố, trong đó có khách lưu trú, người nước ngoài, người dân bản địa, phương tiện giao thông…; chia cấp độ quản lý cho từng cơ quan, trong đó, đề cao vai trò của chính quyền cơ sở.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần lựa chọn một số khu vực kinh doanh phù hợp với phát triển du lịch, văn hóa nhằm tạo điểm nhấn, nét văn hóa riêng có của Thủ đô và cạnh tranh với các đô thị trong nước…
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam lưu ý, quy định về lòng đường, vỉa hè ở Hà Nội đã trải qua nhiều giai đoạn, mỗi thời điểm lại có các quy định khác nhau. Vì thế, đề án nhấn mạnh yếu tố "tạm thời" là cần thiết, để có thể sẽ điều chỉnh cho phù hợp. KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu sâu hơn về vai trò, chức năng của vỉa hè, lòng đường để có những định nghĩa phù hợp, từ đó đề án sẽ triển khai thuận lợi hơn, sát thực tiễn hơn.
Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, cần lưu ý việc triển khai đề án ở phạm vi nào, có toàn thành phố hay không, bởi không phải ở vị trí nào cũng có thể áp dụng được. Cùng với đó, quan trọng là không được để xảy ra mâu thuẫn khi thực hiện Đề án. Ông Nghiêm cho rằng, đây là "một cuộc cách mạng", bởi liên quan, tác động đến người dân, cần có các giải pháp tránh xung đột lợi ích.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội Tô Anh Tuấn cho rằng, cần xem xét cụ thể các đối tượng cộng đồng dân cư có liên quan đến nhu cầu sử dụng vỉa hè để có các quy định phản ánh được nhu cầu chung về sử dụng lòng đường, vỉa hè. Ngoài ra, quy định về sử dụng vỉa hè cần chặt chẽ, rõ ràng, logic để dễ kiểm soát, tránh gây xung đột về lợi ích.
Cho ý kiến về Đề án, PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (thành viên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, Đề án về "Quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn TP. Hà Nội" được đông đảo người dân ủng hộ và chờ đợi. Nhiều tuyến đường, tuyến phố tại TP. Hà Nội cũng đã thay đổi trong quá trình đầu tư, cải tạo và xây dựng mới, trong khi những quy định cụ thể về quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố chưa kịp thời thay đổi cho phù hợp.
PGS.TS Bùi Thị An kiến nghị, trong khâu tổ chức thực hiện Đề án này cần bảo đảm rõ sự minh bạch trong xử lý các vi phạm, chỉ có như vậy mới hy vọng đạt được mục tiêu năm 2030 Hà Nội trở thành thành phố văn minh, hiện đại. Đồng thời, có sự chỉ đạo xuyên suốt, nghiêm khắc để thực hiện hiệu quả công tác quản lý lòng đường, vỉa hè.
Thùy Chi